Liệu Ngân hàng trung ương Nhật Bản có còn dư địa để nới lỏng mạnh hơn?
Kinh tế Nhật có nguy cơ suy thoái sâu hơn | |
Nhật Bản sắp có gói kích thích khẩn cấp gần 1 nghìn tỷ đô la đối phó khủng hoảng do Covid-19 | |
Đảng cầm quyền Nhật Bản muốn triển khai gói cứu trợ mạnh |
Thống đốc NHTW Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda đã nhấn mạnh ý định nới lỏng chính sách hơn nữa nếu cần thiết tại Hội nghị trực tuyến của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW G7 diễn ra tuần trước trong bối cảnh đại dịch coronavirus đang đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
“Sự lây lan của virus trên toàn thế giới đang gây áp lực suy giảm đối với nền kinh tế toàn cầu. Tôi không do dự khi nói ra ý định thực hiện các biện pháp nới lỏng bổ sung nếu cần”, ông Kuroda nói với các phóng viên khi giải thích về phát biểu của mình tại Hội nghị G7.
Ảnh minh họa |
Theo dự kiến, BoJ sẽ cập nhật triển vọng kinh tế hàng quý tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 27-28/4 tới đây. Trước đó Thống đốc Kuroda đã ám chỉ rằng, BoJ có thể giảm mạnh dự báo về tăng trưởng kinh tế của Nhật do tác động của đại dịch coronavirus.
Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, nền kinh tế Nhật Bản đã bị thu hẹp với tốc độ hàng năm là 7,1% trong ba tháng cuối năm ngoái do những tác động tiêu cực của việc tăng thuế doanh thu và thiệt hại do bão. Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa được công bố giữa tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế Nhật sẽ bị thu hẹp 5,2% trong năm nay, mạnh nhất kể từ năm 2009.
Viễn cảnh đó đòi hỏi các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa mạnh hơn nữa. Hôm 7/4, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã công bố gói kích thích kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với quy mô lên tới 1 nghìn tỷ USD để hỗ trợ các hộ gia đình và các công ty gặp khó khăn do các dây chuyền sản xuất ngừng hoạt động, các cửa hàng và cơ sở đóng cửa cũng như việc hạn chế đi lại để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Với chính sách tiền tệ, thời gian qua BoJ đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường tài chính. Theo đó, trong quý đầu tiên của năm 2020, BoJ đã bổ sung vào bảng tài sản của mình 30 nghìn tỷ yên (278 tỷ USD) trái phiếu, cổ phiếu và các tài sản khác, chưa kể cơ quan này đã bơm 35 nghìn tỷ yên thanh khoản vào hệ thống tài chính thông qua các hoạt động như thỏa thuận mua lại và cho vay USD.
Sau 7 năm mạnh tay mua vào tài sản dưới thời Thống đốc Haruhiko Kuroda để thúc đẩy lạm phát, BoJ đã nắm giữ tới 47% nợ có chủ quyền của Nhật. Sau mấy năm giảm tốc, hiện lực mua đã nhanh chóng được phục hồi khi đại dịch coronavirus bùng phát đã gây nhiều tác động lên nền kinh tế và thị trường tài chính Nhật. Theo đó, BoJ có thể sẽ giữ nguyên định hướng tăng nắm giữ trái phiếu Chính phủ Nhật thêm 80 nghìn tỷ yên mỗi năm, cho dù trong năm 2019 quy mô tăng thêm là dưới 16 nghìn tỷ yên.
Bên cạnh trái phiếu Chính phủ, BoJ cũng đẩy mạnh mua vào tín phiếu kho bạc và trái phiếu có lãi suất thả nổi. Đơn cử trong tháng 3 vừa qua cơ quan này đã tiến hành 20 đợt mua vào giấy tờ có giá theo dự kiến và 10 đợt bất thường.
Không chỉ vậy, BoJ còn bơm hàng nghìn tỷ yên cho các công ty tài chính thông qua các khoản cho vay cầm cố bằng chứng khoán. Trong tháng trước, BoJ đã bơm 5,6 nghìn tỷ yên cho các công ty tài chính. Chưa hết, thông qua giao dịch hoán đổi với Fed, BoJ cho vay hàng tỷ USD với lãi suất thấp cho các tổ chức tài chính Nhật Bản với các tài sản cầm cố là trái phiếu Chính phủ Nhật và nợ của các công ty blue-chip.
Trong tháng 3, BoJ cũng đã tăng gấp đôi mục tiêu mua hàng năm của quỹ giao dịch hoán đổi của Nhật lên 12 nghìn tỷ yên. Cơ quan này cũng cam kết nâng quy mô mua của quỹ tín thác đầu tư bất động sản Nhật lên 180 tỷ yên để thúc đẩy thị trường bất động sản. BoJ cũng tăng quy mô mua vào cho tới tháng 9 để nâng tỷ lệ nắm giữ thương phiếu lên 3,2 nghìn tỷ yên và trái phiếu doanh nghiệp lên 4,2 nghìn tỷ yên.
Tuy nhiên với việc lãi suất vẫn được duy trì ở mức âm khá sâu, trong khi bảng cân đối tài sản của BoJ cũng phình to khủng khiếp, nhiều chuyên gia băn khoăn là liệu BoJ có còn đủ dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách.