Lo ngại khuynh hướng chuyển dịch hợp tác xã thành công ty
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS cho biết, tiếp cận với góc độ nghiên cứu kinh tế học thuần túy, hợp tác xã là loại hình tổ chức kinh tế dựa trên sự chi phối của con người (lao động). Mô hình này khác với công ty dựa trên sự chi phối vốn (tư bản). Hai loại hình tổ chức (hợp tác xã và công ty) cùng tồn tại song song, có thể chiếm ưu thế tùy theo lĩnh vực và đặc thù công nghệ, đặc biệt mô hình hợp tác xã rất phù hợp với khu vực nông nghiệp là điểm tựa tái cơ cấu nông nghiệp.
"Như vậy, hợp tác xã (hoặc kinh tế tập thể) đã luôn tồn tại trong nền kinh tế hiện đại, với những ưu điểm của nó. Đó là một loại hình ưu việt trong một số hoàn cảnh... Vì vậy, việc duy trì và luật hóa loại hình hợp tác xã cần dựa trên đặc tính của mô hình này, như một sự phát triển tự nhiên, hữu cơ trong nền kinh tế nói chung, không nên gò ép về vai trò xã hội, không kỳ vọng quá mức, không quản lý quá mức (đánh mất sự bình đẳng)…", ông Thành khuyến nghị.
Nghị quyết số 20-NQ/TW (16/6/2022) khẳng định, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân... hợp tác xã là cốt lõi của kinh tế tập thể.
Thể chế hóa nghị quyết này, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cũng tạo điều kiện gia nhập thị trường thuận tiện hơn, được ưu đãi chính sách rõ ràng hơn, đặc biệt chính sách thuế, cơ chế tổ chức và hoạt động chi tiết hơn…
Tuy nhiên, nghiên cứu của VESS cũng chỉ ra một số quy định tại Dự thảo có thể khiến hoạt động hợp tác xã đi chệch mục tiêu tôn chỉ. Điều 73 dự thảo quy định: Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên liên kết góp vốn thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ, nhưng không quá vốn góp tối đa là 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.
Quy định này mở ra không gian cho các hợp tác xã nâng cao năng lực tài chính, song các chuyên gia cũng lưu ý đây là các thành viên không tham gia sản xuất, hay sử dụng dịch vụ mà chỉ đơn thuần là hưởng lợi từ vốn góp. Hơn thế "sự tập trung về vốn góp nhiều hơn trước đây cần cân nhắc và xem nó ảnh hưởng đến tính chất đối nhân trong hợp tác xã hay không", ông Thành khuyến nghị.
Đối với Quỹ chung không chia thu nhập (Điều 83, Dự thảo), thu nhập từ giao dịch bên ngoài của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được trích lập hằng năm theo tỷ lệ do Điều lệ quy định nhưng không thấp hơn: 5% đối với hợp tác xã; 10% đối với liên hiệp hợp tác xã. Như vậy, có thể 95% thu nhập được chia cho thành viên dựa trên vốn góp.
"Đây một vấn đề cần cân nhắc bởi có dấu hiệu manh nha, hơi hướng dịch chuyển vốn hóa, công ty hóa các hợp tác xã", ông Thành chỉ ra và cho biết, khảo sát cho thấy hiện có các hợp tác xã hoạt động như công ty núp bóng để nhận được những hỗ trợ ưu đãi nhất định.
"Vai trò của vốn nổi lên và chi phối nhiều, phần thu vào hợp tác xã ít đi, dành nhiều cho phân phối lợi nhuận. Vậy dịch chuyển của hợp tác xã tới đây là đối nhân hay đối vốn nhiều hơn? Đội ngũ kinh tế tập thể, nhưng hành xử như kinh tế tư nhân", ông Thành chỉ ra và nhấn mạnh, dân chủ là lợi thế cạnh tranh của hợp tác xã, mất dân chủ thì hiệu quả kinh doanh giảm, như vậy không tạo được sức mạnh cho hợp tác xã. Vì vậy nếu Luật không không tạo ra dân chủ cho hoạt động của hợp tác xã, thì mãi mãi phải nâng đỡ nó.
Đồng tình với những phát hiện của VESS, PGS.TS. Chu Tiến Quang, Nguyên trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Bản chất hợp tác xã ra đời là để phục vụ thành viên không phải là kinh doanh, vì vậy cần xem xét lại phần phân phối thu nhập, nhất là thu nhập từ giao dịch bên ngoài của hợp tác xã.
"Hợp tác xã thu về thì phải nhập vào cho tập thể, tạo ra tài sản mang tính cộng đồng, xã hội cho tập thể phát triển đó mới là kinh tế tập thể. Còn chia đến 95% lợi nhuận thì nó là công ty rồi", ông nói và cho rằng, việc nhầm lẫn về bản chất hoạt động của hợp tác xã có thể dẫn tới các sai lầm tiếp theo, đây là một vấn đề nguy hiểm.
Từ những phân tích này, VESS khuyến nghị cần phòng tránh/ngăn chặn khuynh hướng lợi dụng chính sách ưu đãi cho khu vực kinh tế tập thể (hợp tác xã) để trục lợi; Khuynh hướng phân phối theo vốn (tư bản) lấn át phân phối theo lao động, làm lu mờ bản chất của hợp tác xã. Đồng thời cần thực hiện việc kiểm toán định kỳ, thực hành dân chủ trong các tổ chức thuộc khu vực kinh tế tập thể cần được tôn trọng và phát huy, tránh sự kiểm soát hoặc áp đặt từ nhà nước (chính quyền địa phương hoặc các tổ chức đại diện).
Ông Quang cũng cho rằng việc kiểm toán hợp tác xã là vô cùng quan trọng và bức thiết. Do đó cần phải có đội ngũ kiểm toán hợp tác xã riêng và các quy định về kiểm toán hợp tác xã riêng, thay vì hiện nay chúng ta đang áp các quy chuẩn kiểm toán công ty sang kiểm toán hợp tác xã. Đồng thời phải quy định rõ kiểm toán hợp tác xã không những chỉ ra lỗi sai, mà quan trong hơn là tư vấn cho các hợp tác xã để không có rủi ro trong hoạt động.
Ông Quang chỉ ra phương án cho phép chuyển nhượng vốn trong thành viên hợp tác xã tại Dự thảo cũng thúc đẩy xu hướng công ty hóa các hợp tác xã.
Tuy nhiên, không đồng tình cho chuyển nhượng vốn góp thành viên trong hợp tác xã, ông Quang phân tích góp vốn trong hợp tác xã không phải kinh doanh vốn mà thể hiện trách nhiệm với hợp tác xã. Nếu không tham gia thì rút vốn. Việc chuyển nhượng chỉ xảy ra khi có lợi nhuận. Như vậy việc cho chuyển nhượng vốn góp đồng nghĩa với việc ngầm hình thành một thị trường tài chính trong hợp tác xã.
"Việc chuyển đổi hợp tác xã sang công ty phải chấm dứt, nếu không sẽ làm nhiễu sự phát triển của hợp tác xã trong tương lai lâu dài", ông khuyến nghị.