Lợi nhuận thấp, doanh nghiệp "nản lòng" với nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy về nhà ở xã hội Doanh nghiệp đề nghị giảm tỷ lệ đất dự án xây nhà ở xã hội từ 20% xuống 5-10% Cắt giảm tối đa thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội |
Bài toán nhà ở xã hội không hấp dẫn doanh nghiệp bởi lợi nhuận không cao, khiến các doanh nghiệp không mặn. |
Lợi nhuận làm nhà ở xã hội thấp
Bộ Xây dựng cho biết, kết quả triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn (tăng 4 dự án, 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024)
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án với quy mô 39.884 căn (tăng 3 dự án, 1.756 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024). Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô 115.379 căn (có 2 dự án, 1.170 căn khởi công mới; có 3 dự án, 1.756 căn do chuyển sang giai đoạn hoàn thành so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024; 1 dự án hiệu chỉnh số liệu tăng 1.031 căn).
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2024 đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có thêm các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đơn giản thủ tục và các điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội... Tuy nhiên, đến nay Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 chưa có hiệu lực thi hành.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai như quy hoạch bố trí quỹ đất, việc công khai dự án thu hút đầu tư. Một số dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư, tuy nhiên việc triển khai còn chậm triển khai đầu tư xây dựng còn chậm.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho hay, chỉ tiêu đề ra là năm 2021-2025 phải có hơn 450.000 căn nhà ở xã hội, tuy nhiên hiện mới chỉ được hơn 40.000 căn nên TP. Hồ Chí Minh phải "chạy đua" để giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân.
Ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa cho biết, việc kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân làm nhà ở xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, việc các quy định phức tạp, thiếu hướng dẫn chi tiết, trong khi thủ tục lại rườm rà và tốn rất nhiều thời gian đã làm nản lòng các doanh nghiệp quan tâm tới phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Khánh, lý do lớn nhất khiến các doanh nghiệp không hứng thú với nhà ở xã hội nằm ở yếu tố lợi nhuận. Hiện lợi nhuận của chủ đầu tư khi làm nhà ở xã hội chỉ được khống chế tối đa ở mức 10%. Nếu dự án chỉ chậm tiến độ 1 năm, coi như doanh nghiệp không có lợi nhuận.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) cho biết, thủ tục pháp lý về nhà ở xã hội không khác gì các nhà ở thương mại. Không có một ưu đãi nào cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.
"Hiện theo quy định pháp lý, để được cấp phép nhà ở xã hội đều phải qua 5 bước như làm dự án thương mại. Như vậy, nếu doanh nghiệp có vốn thì tại sao lại phải làm nhà ở xã hội để lời ít. Có 100 tỷ đồng làm nhà ở thương mại lời 100 tỷ đồng, nhưng làm nhà ở xã hội bị giới hạn lợi nhuận 10%", ông Phúc phân tích.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt nặng nếu bán sai đối tượng mua nhà ở xã hội, có nguy cơ bị treo cả dự án. Toàn bộ quy trình phát triển dự án nhà ở xã hội sẽ bị giám sát bởi các cơ quan kiểm tra từng khâu.
"Bài toán nhà ở xã hội không hấp dẫn bởi tính lợi ích nên các doanh nghiệp không mặn mà trong việc triển khai dự án nhà ở xã hội mà chỉ phát triển nhà ở thương mại", ông Phúc chia sẻ.
Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính
Theo ông Lê Hoàng Châu, từ Nghị quyết 18 của Trung ương cho đến Luật Nhà ở 2023 là những pháp lý tốt nhất trong hơn 30 năm qua. Các cơ chế, chính sách về nhà ở xã hội có tính khả thi, sát với thực tế hơn.
"Tuy nhiên, quy định về thu nhập đủ điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội hiện nay là không quá 15 triệu đồng/tháng thì cần thoáng hơn. Ví dụ, cán bộ lực lượng vũ trang có hệ số lương cao hơn, công nhân hầm lò có phụ cấp nên thu nhập cao hơn. Nếu cao như vậy mà quy định cứng sẽ gây khó cho người mua. Rõ ràng, vướng mắc không ở Luật mà ở văn bản dưới Luật”, ông Châu chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Bộ Xây dựng và một số bộ, ngành đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về phát triển nhà ở xã hội, nhất là về thủ tục đầu tư, quy hoạch, bố trí quỹ đất... trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền.
"Trên cơ sở phân bổ chỉ tiêu hoàn thành việc xây dựng nhà ở xã hội của từng tỉnh, thành đã được Bộ Xây dựng nêu tại Văn bản số 788/BXD-QLN ngày 27/2/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định nội dung phát triển nhà ở xã hội là chỉ tiêu phải thực hiện bằng được. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn đã được giao", ông Sinh lưu ý.
Đồng thời, các địa phương cần đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện.
Đối với các dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.