Cần thay đổi tư duy về nhà ở xã hội
Giải bài toán mua căn hộ trước áp lực tăng giá Thủ tục "cản bước" phát triển nhà ở xã hội Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội |
Thủ tục hành chính, nhất là thủ tục trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, chọn chủ đầu tư, phê duyệt giá còn mất nhiều thời gian. |
Gặp khó về cơ chế
Theo ông Trần Mạnh Trung - Giám đốc Ban quản lý dự án NƠXH Hạ Đình UDIC Ecotower 214 Nguyễn Xiển, dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2020, sau đó điều chỉnh sang năm 2022. Hiện công ty đang cố gắng thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng và sẽ khởi công vào quý IV/2024.
Ông Trần Mạnh Trung cho biết, sự chậm trễ phần lớn do quỹ đất sử dụng 100% vốn nhà nước, các thủ tục về đầu tư xây dựng được thực hiện theo đúng quy định nên thời gian bị kéo dài. Ví dụ như xin thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, giai đoạn thiết kế… theo quy định có 10 ngày nhưng khi chúng tôi làm mất khoảng 143 ngày bởi 2 lần bị góp ý về những quy chuẩn trong phòng cháy chữa cháy.
Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình cho biết, hiện doanh nghiệp có 2 khu đất tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội). Dự án đã trải qua nhiều lần lấy ý kiến các sở, ban, ngành, lấy ý kiến Sở Tài Nguyên và Môi trường xem xét đất ở đây có làm NƠXH hay không? Hiện một dự án được cấp chủ trương từ 24/4/2023 nhưng thủ tục vẫn chưa xong. Còn một dự án UBND TP. Hà Nội vẫn chưa cấp chủ trương đầu tư.
"Muốn làm nhà thì việc đầu tiên UBND tỉnh, thành phố phải có quỹ đất được giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, riêng TP. Hà Nội, 10 năm nay chưa có quỹ đất sạch nào để đấu thầu đầu tư trong nội thành", ông Nguyễn Hữu Đường chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, kết quả thực hiện phát triển NƠXH giai đoạn 2016 - 2020, rất thấp, riêng TP. Hồ Chí Minh mới được 15.000 căn. Như vậy, mỗi năm thành phố làm được 3.000 căn, trong khi nhu cầu TP. Hồ Chí Minh khoảng trên dưới 100.000 căn. Chỉ tiêu đề ra là năm 2021 - 2025, phải có hơn 450.000 căn NƠXH, tuy nhiên hiện mới chỉ được hơn 40.000 căn nên phải chạy đua.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình triển khai phát triển NƠXH có một số khó khăn nhất định. Đầu tiên là các doanh nghiệp, nhà đầu tư còn gặp khó khăn trong tiếp cận quỹ đất.
"Thủ tục hành chính, nhất là thủ tục trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, chọn chủ đầu tư, phê duyệt giá còn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp. Hiệu quả đầu tư NƠXH còn thấp, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Nhiều tỉnh, thành có nhu cầu lớn về NƠXH vì có nhiều khu công nghiệp, nhưng thực hiện các dự án rất thấp", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.
Bên cạnh đó, việc giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đạt thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc một số dự án không đảm bảo yêu cầu, một số doanh nghiệp chưa đảm bảo các điều kiện về tín dụng.
Cần có quỹ đất sạch
Theo ông Đường, doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Chính phủ, Quốc hội làm sao để UBND TP.Hà Nội phải công bố quỹ đất làm NƠXH. Làm NƠXH phải phù hợp chứ không thể làm ở Hoài Đức, Sóc Sơn thì không ai ở.
Để tháo gỡ khó khăn, theo ông Đường, điều quan trọng nhất phải thực hiện nghiêm túc Luật Nhà ở, công bố quỹ đất. Nếu có quỹ đất, doanh nghiệp có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng có quá trình làm việc với TP. Hà Nội liên quan đến phát triển NƠXH. Bộ Xây dựng nhận thấy TP. Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của thành phố và các sở, ban, ngành trong việc công khai quỹ đất.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay: "Đây là quy định nên chúng tôi có yêu cầu đôn đốc, thực tế Hà Nội dành quỹ đất phát triển NƠXH nhiều nhưng triển khai thực hiện còn có hạn chế nhất định".
Chia sẻ về câu chuyện các doanh nghiệp không mặn mà với NƠXH, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, nếu doanh nghiệp không mặn mà với NƠXH thì không thể đăng ký đến hàng nghìn dự án. Nhưng hiện doanh nghiệp gặp khó khi cơ chế tham gia khó khăn, quỹ đất không có, đầu ra khống chế, thậm chí không thể có lãi...
"Về vấn đề vốn, người cấp vốn là ngân hàng cũng là doanh nghiệp, không thể bắt họ cho vay thấp hơn khoảng 4,8% khi họ đi vay người khác lãi suất trên 5%", TS. Đính chia sẻ.
Tại cuộc họp với Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã trao đổi với nhiều chuyên gia và thống nhất phải thay đổi quan điểm, tư duy về NƠXH hay bất cứ dạng nhà chính sách nào, đó là đều phải có vai trò của nhà nước.
"Cần phải làm rõ, đánh giá sâu hơn về lợi ích phát triển xã hội đối với địa phương. Phải xác định vai trò của nhà nước, nhà nước giao quyền cho các địa phương, các địa phương sẵn sàng tạo quỹ đất, nguồn lực, vốn… Do đó, nguồn vốn cần cơ chế khác, nhà nước sẽ tạo ra, doanh nghiệp khi đó vào tham gia chương trình NƠXH như một nhà thầu", TS. Đính cho biết.