Chỉ thị số 40- CT/TW: Nhịp cầu nối ý Đảng - lòng dân (Bài 1)
Bài 1: Cuộc sống khởi sắc từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Động lực giúp thanh niên dám nghĩ, dám làm
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có rất nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có thanh niên. Tìm hiểu chúng tôi được biết, cơ sở sản xuất thịt trâu, thịt lợn, lạp sườn treo gác bếp của đoàn viên thanh niên Lê Thị Hà, khu 4, thị trấn Than Uyên, tỉnh Lai Châu nhờ có nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội chị đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Chị Lê Thị Hà phấn khởi cho biết: Với số vốn vay trên 160 triệu đồng mình đã mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại để sản xuất, mở cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm. Hiện nay, Hợp tác xã của mình có 4 sản phẩm OCOP 3 sao, được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình đã tăng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khách hàng mua sản phẩm OCOP của chị Lê Thị Hà (đứng thứ 2 từ trái sang) |
Đối với hộ sản xuất miến dong truyền thống đoàn viên thanh niên Nguyễn Mạnh Cường, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, từ nguồn vốn vay được của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đã đi học tập cách sản xuất miến dong ở các tỉnh khác trong nước để về áp dụng vào việc sản xuất của gia đình. Qua đó, vừa tiết kiệm nhân công, vừa làm cho chất lượng sợi miến thơm ngon hơn, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Hiện sản lượng đã tăng lên 1/3 so với thời điểm trước. Từ nguồn vốn vay đã tạo đà cho anh thành lập được Hợp tác xã và có 1 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao.
Còn rất nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã vay vốn tín dụng chính sách xã hội và sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Có được kết quả đó là do thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Lai Châu đã tích cực thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/20214 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.
Đồng chí Nguyễn Tiến Thịnh - Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 44 hợp tác xã, tổ hợp tác, trên 200 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi được duy trì hiệu quả; có 42 sản phẩm OCOP của thanh niên, trong đó: Có 37 mô hình được Tỉnh đoàn hỗ trợ về vốn và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh... Có nhiều mô hình tiêu biểu như Hợp tác xã Thẩm Phé, xã mường Kim, huyện Than Uyên; Mô hình miến dong Nguyễn Ngọc Cường xã Bình Lư, huyện Tam Đường; Hợp tác xã Thiết Hà, huyện Than Uyên…
Điểm tựa cho nông dân phát triển kinh tế
Một trong những điển hình thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Lai Châu nhờ vay vốn tín dụng chính sách xã hội từ Chỉ thị số 40-CT/TW là gia đình ông Lò Văn Cửu, bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn.
Từ một hộ nghèo, không có vốn đầu tư phát triển sản xuất, thông qua cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể, tuyên truyền, tôi được biết đến Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng như gia đình tôi vay vốn phát triển kinh tế không cần thế chấp tài sản, lãi suất thấp; các thủ tục hồ sơ vay vốn đơn giản được hướng dẫn và cấp miễn phí. Sau khi nắm bắt được thông tin, tôi đã xin tham gia sinh hoạt ở Tổ Tiết kiệm và Vay vốn bản Nậm Cầy, làm đơn gửi Tổ trưởng để họp Tổ bình xét vay vốn theo quy định. Khi khó khăn, không biết bấu víu vào đâu, nguồn vốn chính là “phao cứu sinh”, “điểm tựa” giúp gia đình tôi vươn lên trong cuộc sống. Tôi thấy rất biết ơn Đảng, Nhà nước cho tôi được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đây là sự may mắn và hạnh phúc đối với gia đình tôi. Ông Lò Văn Cửu chia sẻ.
Với số tiền được vay, ông đã đầu tư vào chăn nuôi trâu, bò, đào ao thả cá, trồng các loại cây ăn quả. Có nguồn vốn, cùng với sự chịu khó làm ăn, gia đình ông đã thoát nghèo. Hiện nay, sau khi trừ chi phí sản xuất, thu nhập hàng năm từ trồng trọt, chăn nuôi của gia đình ông ước đạt từ 70 đến 100 triệu đồng/năm. Kinh tế của gia đình ông ổn định, nhà cửa được xây dựng khang trang, các con được ăn học đầy đủ.
Ông Vũ Văn Phán chăm sóc vườn bưởi da xanh của gia đình |
Còn gia đình ông Vũ Văn Phán, tổ 2, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu có tổng diện tích đất sản xuất là 2.200 m2. Trong đó, ông đã đầu tư trồng bưởi da xanh, rau xanh đảm bảo an toàn về chất lượng và chăn nuôi lợn xuất chuồng từ 10 đến 15 tấn/năm. Bên vườn bưởi sai trĩu quả, ông Vũ Văn Phán cho biết: Năm 2023, gia đình tôi được vay vốn từ Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm với số tiền là 100 triệu đồng. Cùng với tiền tiết kiệm của gia đình, tôi đã trồng bưởi da xanh và chăn nuôi lợn sinh sản. Từ đó chất lượng cuộc sống của gia đình tôi đã được nâng lên (mức thu nhập bình quân là 250 triệu đồng/năm).
Còn rất nhiều, rất nhiều gương nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh… trên địa bàn tỉnh Lai Châu nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã thoát nghèo, vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi. Khi chúng tôi cùng các đoàn công tác đến thăm, nhiều người dân đã cảm động, rưng rưng nước mắt bồi hồi nhớ lại cuộc sống khó khăn trước đây. Nhờ nguồn vốn vay, giờ đây cuộc sống đã đổi thay, niềm vui hiển hiện trên gương mặt của người dân vùng biên cương của Tổ quốc.
Với đặc thù là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, từ việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” đã giúp cho người dân tỉnh Lai Châu có nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống ngay trên chính mảnh đất quê hương. Đây chính là tính nhân văn sâu sắc do Chỉ thị số 40-CT/TW mang lại.