Chỉ thị số 40- CT/TW: Nhịp cầu nối ý Đảng - lòng dân (Bài 3)
Bài 3: Lai Châu - Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát
Với những kết quả đã đạt được trong việc Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, trong quá trình thực hiện, Tỉnh ủy Lai Châu đã tăng cường lãnh, chỉ đạo; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, điều tra, xác minh đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách xã hội, nhất là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Giai đoạn 2014 - 2024, Tỉnh ủy đã lãnh, chỉ đạo đơn vị chức năng chấp hành nghiêm túc các cuộc giám sát của Ban Kinh tế Trung ương; Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Các Huyện ủy, Thành ủy đã lãnh, chỉ đạo HĐND cấp huyện thực hiện các cuộc giám sát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đã thực hiện giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật về tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Ông Sùng A Hồ - Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Lai Châu giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu |
Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức, triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện thường xuyên, qua đó sớm phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm để kịp thời khắc phục và đi đúng định hướng đã đề ra.
Ông Trịnh Trọng Tấn - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu cho biết: Giai đoạn 2014 - 2024, thành viên Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu đã thực hiện 84 cuộc kiểm tra tại các huyện, thành phố; 137 lượt ở cấp xã, 273 lượt Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, 1.786 lượt hộ vay vốn; thành viên Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện 4.386 cuộc kiểm tra tại các xã, thị trấn, 6.211 lượt Tổ tiết kiệm và vay vốn, 40.684 lượt hộ vay vốn tại địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Là một trong những địa phương tích cực thực hiện kiểm tra, giám sát, thời gian qua, Thường Trực HĐND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã tổ chức thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về tổ chức triển khai vay vốn tín dụng chính sách (riêng năm 2023 đã tổ chức giám sát tại 9/17 xã, thị trấn); chỉ đạo các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tại các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Giai đoạn 2014 - 2024, trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã thực hiện kiểm tra, giám sát được 890 lượt xã, 907 lượt Tổ tiết kiệm và vay vốn, 4.191 lượt hộ vay vốn. Bà Vương Thị Thu Hiền - Chủ tịch HĐND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết.
Tăng cường trách nhiệm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền
Nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, tỉnh Lai Châu đã tăng cường trách nhiệm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Công tác củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, xử lý nợ quá hạn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu quan tâm thực hiện, nhất là tại các địa bàn có tỷ lệ nợ quá hạn cao. Do đó, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã được nâng lên, nợ xấu giảm từ 9.330 triệu đồng năm 2014 xuống còn 3.952 triệu đồng tại thời điểm 30/6/2024, tỷ lệ giảm từ 0,85% xuống còn 0,10%/tổng dư nợ; tỷ lệ thu nợ đến hạn cuối kỳ đạt trên 86%, tỷ lệ thu lãi hàng năm đều đạt trên 100% kế hoạch được giao. Ông Trịnh Trọng Tấn - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu cho biết.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo điều tra, rà soát, xác định, bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách xã hội theo đúng quy định. Định kỳ hàng năm, tổ chức thực hiện điều tra, rà soát, phê duyệt kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách để làm cơ sở cho Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát đối tượng vay vốn, bảo đảm đúng quy định.
Công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội, chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách thường xuyên được duy trì; tổ chức triển khai kịp thời các chương trình tín dụng chính sách xã hội gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Các tổ chức hội, đoàn thể các cấp đã thực hiện tốt hoạt động nhận ủy thác, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội tăng 3,5 lần sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đạt 3.829.243 triệu đồng (tăng 2.740.260 triệu đồng), chiếm 99,63% tổng dư nợ với 53.705 lượt khách hàng vay vốn thông qua 1.423 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn.
Cùng với đó, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị các cấp luôn được bổ sung và kiện toàn kịp thời để đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội gồm 2 cấp với tổng số 208 thành viên. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thành lập 8/8 chi bộ Đảng tại các đơn vị trực thuộc với tổng số 86 đảng viên; hoạt động của tổ chức Đảng trong đơn vị đã phát huy được vai trò lãnh đạo toàn diện đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hàng năm tổ chức Đảng luôn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Viết tiếp “điểm tựa” cho biên cương
Từ những kết quả đã đạt được sau 10 thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Lai Châu có 1 tập thể được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen; 4 tập thể, 1 cá nhân được Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tặng Giấy khen; 15 tập thể, 28 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Ông Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW |
Ông Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết thêm: Để hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng có chiều sâu và hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW; nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động cho Ngân hàng Chính sách xã hội; đưa kế hoạch chuyển bổ sung vốn sang Ngân hàng Chính sách xã hội vào dự toán chi hàng năm của HĐND, UBND tỉnh ngay từ đầu năm.
Tỉnh Lai Châu tiếp tục tăng cường chỉ đạo, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội các cấp tiếp tục tuyên truyền Chỉ thị số 40-CT/TW đến mọi tầng lớp Nhân dân, giúp người dân hiểu và thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội nếu có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp…
Có thể thấy, 10 năm qua với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục cố gắng thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" để làm “điểm tựa” cho người dân vùng biên tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.