Bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp ngày càng quan trọng
Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp Lương Minh Huân từng chỉ ra, hiện doanh nghiệp Việt Nam đã có ý thức hơn trong việc xây dựng thương hiệu. Ngày càng nhiều các thương hiệu Việt Nam ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế như Vinfast, Vinamilk, FPT, Viettel, Trung Nguyên…
Số lượng thương hiệu quốc gia được tăng lên đáng kể: từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu quốc gia năm 2024, điều đó đã cho thấy những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp để tạo dựng vị thế vững chắc tại thị trường trong nước và quốc tế.
Dù vậy, trong thời kỳ bùng nổ của thương mại điện tử và sự phát triển của khoa học, công nghệ lại có tính hai mặt đối với thương hiệu doanh nghiệp. Thời đại số đã góp phần không nhỏ để lan tỏa mạnh mẽ những mặt tích cực nhưng đồng thời cũng khuếch đại gấp nhiều lần các vấn đề nổi cộm về sở hữu trí tuệ và thương hiệu mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Thương hiệu ngày càng quan trọng đối với doanh nghiệp |
Trên thực tế, các cơ quan quản lý thị trường đã ghi nhận nhiều loại hàng giả, hàng nhái các nhãn hàng "made in Viet Nam" do các doanh nghiệp uy tín trong nước sản xuất. Nhất là mặt hàng bánh kẹo, rượu, thuốc lá, mỳ tôm, chăn, ga, giấy vệ sinh, sữa tắm, dầu gội đầu, nước giải khát, phụ tùng ô tô, xe máy… với giá bán chỉ thấp hơn tới 50-70% giá hàng chính hiệu nên có sức tiêu thụ khá cao, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.
Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu của doanh nghiệp xuất hiện nhanh, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và lãnh thổ quốc gia, thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường thương mại điện tử và internet. Theo Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), hàng giả mạo nhãn hiệu thậm chí được bày bán xen kẽ, trà trộn cùng với hàng thật nên người tiêu dùng khó phân biệt. Hiện nay, hàng giả mạo nhãn hiệu còn được người bán sử dụng các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok để chạy quảng cáo và livestream bán hàng.
Trước thực trạng trên, việc quản lý và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ và nâng cao giá trị nhãn hiệu và thương hiệu các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trở thành yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Được biết, hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ sở hữu trí tuệ, thương hiệu ở Việt Nam trong nhiều năm qua đang ngày càng hoàn thiện và liên tục được chỉnh sửa bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Nhiều luật và các văn bản dưới luật được ban hành như Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An toàn thực phẩm..., và các Nghị định, Thông tư quy định về chế tài và hướng dẫn xử lý vi phạm về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Đây là nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo; khai thác và bảo vệ các tài sản trí tuệ, đồng thời khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Cục Sở hữu trí tuệ và các tổ chức như Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) hay Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã liên tục có những hành động hỗ trợ thúc đẩy, truyền thông về các vấn đề đang nổi cộm này. Nhờ đó mà việc nhận thức và hành động thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm gần đây.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cũng cần chủ động trang bị những kiến thức cần thiết cũng như có các giải pháp hiệu quả trong việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ở bối cảnh hiện tại, việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong công tác chống hàng giả; phần mềm truy xuất nguồn gốc dần trở thành xu thế tất yếu. Thông qua các giải pháp này thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hàng hóa chất lượng. Đồng thời, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực nâng các giải pháp tuyên truyền để người tiêu dùng ý thức hơn trong việc sử dụng sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc minh bạch, qua đó hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.