Lý do Trung Quốc không cắt giảm lãi suất như phần còn lại của thế giới
Ngân hàng Nhà dân Trung Quốc - PBoC |
Mặc dù quản lý nền kinh tế có cấu trúc hoàn toàn khác với các nước, như Nhật Bản hay EU, nhưng PBoC cùng đối mặt với câu hỏi chính sách tiền tệ thế nào là hiệu quả ở giai đoạn này. Điều chỉnh chính sách tiền tệ luôn là tín hiệu quan trọng từ ngân hàng trung ương phát đi, và vào hôm thứ Hai có vẻ như PBoC đã thể hiện lập trường trung lập khi giữ nguyên lãi suất điều hành.
“Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã không muốn người dân tăng kỳ vọng lạm phát, nên sẽ không giảm lãi suất chính sách nhanh chóng”, Xu Chenxi, nhà phân tích cấp cao về thu nhập cố định tại Nanhua Futures, nhận định.
“Chính sách lần này quan tâm nhiều hơn đến việc truyền tải tới nền kinh tế thực. Nếu nền kinh tế thực sự đang có thể hấp thụ vốn dễ dàng hơn trước, hoặc với chi phí tài chính giảm hơn, thì chính sách tiền tệ không cần thiết phải gấp rút phát đi tín hiệu cắt giảm lãi suất”, Xu Chenxi nói.
Vào thứ Hai tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã duy trì lãi suất cơ bản tháng Mười giống như hồi tháng Chín: 4,2%/năm cho kỳ hạn 1 năm và 4,85%/năm cho 5 năm. Lãi suất cơ bản, với Trung Quốc gọi là LPR và xác định hàng tháng, được công bố lần đầu vào tháng 8 như một giải pháp nhằm tăng vai trò của các lực lượng thị trường trong việc thiết lập lãi suất, trong khi giảm chi phí tài chính.
“Việc giữ LPR không thay đổi trong tháng Mười có thể phản ánh lập trường chính sách tiền tệ trung lập hơn. Ngoài ra, có thể xu hướng tăng gần đây của CPI đã bắt đầu trở thành một thách thức đối với chính sách tiền tệ”, kinh tế trưởng Hong Liang và nhà phân tích Eva Yi của China International Capital Corp (CICC) cho biết trong một báo cáo phát hành hôm thứ Hai.
‘Vấn đề thịt lợn’
Chính sách tiền tệ nới lỏng thường dẫn đến lạm phát cao hơn - vốn đang gia tăng ở Trung Quốc do giá thịt lợn tăng vọt.
Nước này đang phải đương đầu với sự hụt cung lớn mặt hàng thịt chủ lực này, do sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi tại các trang trại lợn Trung Quốc kể từ năm ngoái. Tới tháng 9 vừa qua, giá thịt lợn đã tăng nhảy vọt 69,3% so với cách đây một năm.
Trong quan điểm của Dan Wang, nhà phân tích Trung Quốc tại The Economist Intelligence Unit, PBoC cần cân bằng các nỗ lực để giảm lãi suất trong dài hạn thay vì cắt giảm lãi suất ngắn hạn quá mạnh. Bà lưu ý rằng trong khi giá thịt lợn tăng vọt đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên mức cao nhất gần sáu năm - khá đáng lo ngại cho bất cứ ai chỉ nhìn vào con số đó - thì giá thực phẩm và năng lượng lại hỗ trợ CPI chỉ tăng ở mức vừa phải 1,5%.
“Trung Quốc không gặp vấn đề lạm phát mà là vấn đề thịt lợn”, Wang nói. “Kiềm chế chính sách tiền tệ là giải pháp giúp ổn định kinh tế khu vực và tôi tin tưởng chính phủ Trung Quốc sẽ làm điều đó”.
Chính sách tiền tệ nới lỏng cũng sẽ có tác dụng không mong muốn là làm tăng giá bất động sản, điều mà Trung Quốc đang cố gắng giảm nhiệt, Wang lưu ý.
Về khía cạnh tài khóa, chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực cắt giảm thuế và tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương đã cố gắng áp dụng chính sách lãi suất cho vay mới để khuyến khích các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại nhà nước, cho vay các doanh nghiệp nhỏ, thường là doanh nghiệp tư nhân và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, qua đánh giá vẫn chưa cho thấy các chính sách trên đem lại hiệu quả rõ rệt. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2019 của Trung Quốc, được công bố vào thứ Sáu tuần trước, chỉ đạt mức tăng trưởng 6%, thấp nhất trong gần ba mươi năm trở lại đây.
“Về tổng thể, việc không thay đổi lãi suất trong tháng Mười phản ánh rằng ngân hàng trung ương vẫn đang trong giai đoạn quan sát”, Chaoping Zhu, chiến lược gia thị trường toàn cầu, J.P. Morgan Asset Management, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm thứ Ba. “Kết quả truyền dẫn của chính sách tiền tệ này (tài trợ cho tăng trưởng kinh tế) vẫn còn một số vấn đề”.
PBoC cũng có vấn đề địa chính trị cần xem xét khi điều chỉnh chính sách tiền tệ. Thuế quan của Mỹ đánh vào hàng tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc làm tăng thêm áp lực cho Bắc Kinh để làm suy yếu đồng nhân dân tệ, nhưng ngược lại Trung Quốc cũng phải tránh những chỉ trích từ Mỹ rằng họ đang thao túng tiền tệ.
“Với các cuộc đàm phán thương mại hiện tại, một phần quan trọng trong đó là Mỹ muốn Trung Quốc ổn định tiền tệ, không làm suy yếu thêm đồng nội tệ”, Dan Wang nói. “Với việc không nới lỏng tiền tệ nhiều hơn, Trung Quốc đưa ra một thông điệp thiện chí”.