Trung Quốc trước áp lực phải nới lỏng hơn nữa tiền tệ
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6% trong quý III, chậm hơn dự kiến |
Tăng trưởng chậm lại
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cuối tuần trước công bố nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 6% trong quý 3 năm nay, thấp hơn so với mức tăng 6,2% của quý trước đó và là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ quý 1/1992.
Mức tăng trưởng này cũng thấp hơn dự báo trước đó của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,1% trong quý vừa qua. Điều đó khiến tăng trưởng cả năm 2019 sẽ chỉ ở mức 6,2%, là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong gần 30 năm.
Trung Quốc có thể nới lỏng hơn tiền tệ để vực dậy tăng trưởng kinh tế |
Không phải bây giờ mà các dữ liệu kinh tế được công bố gần đây đã cho thấy những khó khăn đối với kinh tế Trung Quốc do nhu cầu yếu hơn ở cả trong lẫn ngoài nước mà nguyên nhân một phần cũng bởi sự leo thang của cuộc chiến thuế quan với Mỹ.
Cụ thể, sản lượng công nghiệp dự kiến sẽ tăng 5,8% trong tháng 9 so với một năm trước đó, phục hồi mạnh trở lại sau khi rơi xuống mức thấp nhất 17,5 năm là 4,4% trong tháng 8. Doanh số bán lẻ cũng tăng 7,8%, cao hơn mức tăng 7,5% của tháng 8. Tuy nhiên, tăng trưởng đầu tư tài sản cố định chậm lại, chỉ tăng 5,4% trong 9 tháng đầu năm từ 5,5% trong 8 tháng đầu năm. Đặc biệt, xuất khẩu của Trung Quốc giảm tốc mạnh hơn trong tháng 9, trong khi nhập khẩu tiếp tục thu hẹp tháng thứ 5 liên tiếp.
Dường như Chính phủ Trung Quốc cũng đã lường trước những khó khăn này nên chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay. Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) vừa được công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng tiếp tục cắt giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc xuống còn 6,1% trong năm nay và 5,8% trong năm 2020, thấp hơn lần lượt là 0,1 điểm phần trăm và 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 7.
Thậm chí theo các nhà phân tích, triển vọng u ám của kinh tế Trung Quốc khó có thể sớm thay đổi ngay cả khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã có dấu hiệu dịu lại. Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần trước nữa đã tuyên bố, hai bên đã đạt được thỏa thuận giai đoạn một và Mỹ đã đình chỉ việc tăng thuế lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Nhưng các quan chức của cả hai bên cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Nền kinh tế vẫn phải đối mặt với áp lực suy giảm lớn”, Lu Zhengwei - chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Công nghiệp tại Thượng Hải cho biết.
Đòi hỏi nới lỏng mạnh hơn
Sự chậm lại của nền kinh tế đang tạo một áp lực lớn đến các nhà hoạch định chính sách trong việc phải có biện pháp mạnh hơn nữa để hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, áp lực nợ và những rủi ro của khu vực tài chính đang đặt các nhà hoạch định chính sách trước một tình thế rất khó khăn.
“Chúng ta nên có những biện pháp ứng phó với áp lực suy giảm của nền kinh tế nhưng cũng đảm bảo tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô không tăng. Vì vậy, các biện pháp chính sách sẽ được thực hiện với một cách tập trung và có trật tự”, Lu Zhengwei nói đề cập đến mức nợ khổng lồ của Trung Quốc hiện nay.
Nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, nhưng các nhà hoạch định chính sách không nhất thiết phải triển khai các biện pháp kích thích khẩn cấp do thị trường việc làm vẫn ổn định.
Hiện Trung Quốc vẫn đang kết hợp cả việc nới lỏng tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua sự suy giảm hiện tại, bao gồm hàng nghìn tỷ nhân dân tệ cắt giảm thuế và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, cộng với nỗ lực thúc đẩy các ngân hàng cho vay của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Nhưng dường như các biện pháp này vẫn chưa mấy phát huy hiệu quả do niềm tin bị lung lay. Chưa kể hiện chính quyền địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn do các biện pháp cắt giảm thuế đã kéo giảm thu ngân sách, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Vì lẽ đó, hiện các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR); đồng thời sẽ cắt giảm lãi suất cho vay một năm (LPR) và lãi suất cho vay chuẩn mới.