Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6% trong quý III, chậm hơn dự kiến
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại | |
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc | |
IMF: Căng thẳng thương mại đã tác động ‘đáng kể’ đến Trung Quốc |
Các nhà phân tích trước đó khi trả lời cuộc thăm dò của Reuters đã đưa ra dự đoán GDP quý III của Trung Quốc sẽ tăng 6,1% so với cùng kỳ.
Trước đó, cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết tăng trưởng GDP quý II/2019 đạt 6,2% so với cùng kỳ, cũng là mức thấp trong nhiều năm, do chịu tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Các container chất đống tại cảng nước sâu Yangshan, Thượng Hải |
Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận phân tích kinh tế và chiến lược khu vực châu Á của Mizuho Bank cho biết, GDP của Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ quý đầu tiên của năm 2018, khi đó chỉ đạt tăng trưởng 6,8%, do ảnh hưởng của thắt chặt tín dụng và tranh chấp thương mại giữa với Mỹ.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, sự suy giảm là nghiêm trọng”, Varathan nói hôm thứ Hai, trước cả khi các số liệu về kinh tế Trung Quốc được công bố.
Mục tiêu tăng trưởng năm 2019 mà Trung Quốc đặt ra là 6% đến 6,5%.
Các chuyên gia thậm chí còn cho rằng kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tăng chậm hơn nữa.
Sự bi quan tiếp tục gia tăng bất chấp dữ liệu kinh tế Trung Quốc vừa công bố cũng xuất hiện vài điểm sáng: 9 tháng năm 2019, doanh số bán lẻ tăng 7,8% so với cùng kỳ, sản lượng công nghiệp tăng 5,8%, đầu tư tài sản cố định tăng 5,4%.
“Mặc dù có cải thiện hơn, tuy nhiên áp lực lên các hoạt động kinh tế sẽ tăng mạnh trong những tháng tới”, Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics nói.
“Việc cầu hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu đang giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu, tài khóa thu hẹp có nghĩa là chi tiêu cơ sở hạ tầng sẽ giảm dần trong thời gian tới, và sự khởi sắc gần đây trong lĩnh vực xây dựng bất động sản dường như sẽ hạ nhiệt”, Julian nói.
Tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục chậm lại trong hai quý tới, theo Bo Zhuang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại TS Lombard. Điều đó xảy ra khi tăng trưởng sản lượng thực ngành dịch vụ đã chậm lại trong vài tháng qua.
Zhuang dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 5,8% trong quý IV năm nay, và tăng trưởng cả năm sẽ đạt ở mức 6,1%.
“Do chịu tác động từ các xung đột thương mại với Mỹ, chính quyền Trung Quốc đang phải chấp nhận tốc độ tăng trưởng thấp hơn”, Zhuang cho biết.
Mặc dù số liệu GDP chính thức của Bắc Kinh được theo dõi như một chỉ số về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nhiều chuyên gia bên ngoài từ lâu đã bày tỏ sự hoài nghi về tính xác thực của các báo cáo của Trung Quốc.
Dữ liệu gần đây của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã kém khởi sắc và các nhà phân tích, bao gồm Evans-Pritchard và Zhuang, hy vọng các biện pháp kích thích kinh tế sẽ sớm được triển khai.
Dữ liệu nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc trong 9 tháng năm 2019 đã kém hơn so với dự kiến trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ.
Hai “người khổng lồ” của kinh tế thế giới đã bị lôi kéo vào một cuộc thương chiến kéo dài hơn một năm qua, với mỗi quốc gia áp dụng thuế quan đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ đô la nhập khẩu từ phía kia.
Vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa hai nước đã kết thúc vào cuối tuần trước tại Washington, D.C. Sau cuộc họp, Mỹ cho biết họ sẽ hoãn áp dụng chính sách tăng thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc, trước đó được dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/10.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Trung Quốc đã đồng ý với một thỏa thuận giai đoạn một rất quan trọng, sẽ được hoàn thiện để ký kết trong ba tuần tới. Trump cũng cho biết thỏa thuận này sẽ giải quyết các vấn đề về sở hữu trí tuệ và dịch vụ tài chính, cũng như việc Trung Quốc mua khoảng 40 - 50 tỷ đô la giá trị nông sản của Mỹ.