Mặt bằng lãi suất giảm
Lãi vay ngắn hạn dao động khoảng 7-8%
Đơn cử, ACB tung ra gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND giảm 3% so với lãi vay thông thường. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dành ra khoảng 2.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất giảm 2% đối với khách hàng tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp ở TP.HCM. Đối với khách hàng có dư nợ đến kỳ thay đổi và tiếp tục giao dịch với ACB sẽ được giảm 1% lãi suất; trường hợp khách hàng sử dụng duy nhất một dịch vụ như tiền vay, tiền gửi, thanh toán, bảo lãnh, thẻ tín dụng sẽ được giảm 2% lãi vay khi đến kỳ thay đổi lãi suất của ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng còn giảm phí cho doanh nghiệp tham gia thanh toán nếu có số dư tiền gửi đáp ứng đủ điều kiện của ngân hàng.
Sacombank đang có gói tín dụng lãi suất từ 7,5%/năm dành cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thanh toán hàng nhập khẩu, chế biến hàng xuất khẩu. Đối với khách hàng vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất cho vay tối thiểu từ 8,99%/năm. Trong tháng 2 vừa qua, MB đã có hai đợt giảm lãi vay, lần thứ nhất giảm 1% cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ đồng; lần thứ hai vào cuối tháng 2 vừa qua ngân hàng áp dụng lãi vay 0,7%/tháng cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh. Nam A Bank cũng giảm 2% lãi vay đối với các khoản vay hiện hành và dành ra 3.000 tỷ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu nông, thủy sản…
Lãi vay đang giảm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh |
Nhóm ngân hàng lớn còn tung ra những gói tín dụng “khủng”, như Agribank công bố một gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất với lãi suất cho vay giảm tối đa 3% đối với khách hàng doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn dưới 12 tháng. Chương trình này được Agribank áp dụng tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất giảm kéo dài đến hết 31/12/2024. BIDV dành 30.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh với lãi suất 8%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc 9%/năm kỳ hạn từ 6 - 12 tháng. VietinBank cũng dành 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023 vay với lãi suất từ 7%/năm. Các khoản vay có kỳ hạn 6 tháng dành cho các doanh nghiệp lần đầu vay vốn tại ngân hàng hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua lãi suất cho vay 7%.
"Thiết kế, may đo" sản phẩm cho từng khách hàng
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, lãi vay đang giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Tuy nhiên, năm nay để tạo ra được các mức lãi suất cho vay thấp hơn so với thời điểm cuối năm ngoái, ngân hàng đa dạng hóa dịch vụ và khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều các dịch vụ tài chính trong ngân hàng vay vốn.
Đại diện Sacombank cho biết, những doanh nghiệp tiếp cận được mức lãi vay 7,5%/năm thường sử dụng song song các dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vay vốn lại giới thiệu đối tác cung cấp nguyên phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của mình cho ngân hàng để mở rộng tín dụng và các dịch vụ tài chính. Thực tế, hiện nay các doanh nghiệp thường mở tài khoản rải rác ở các ngân hàng khác nhau và bạn hàng cũng thường không sử dụng chung dịch vụ một ngân hàng. Trong khi, nếu một nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cùng lĩnh vực sử dụng chung dịch vụ một ngân hàng sẽ có lợi thế về mức phí thấp tối đa cho tất cả các doanh nghiệp trong nhóm, từ sản xuất đến bán hàng. Do đó, các NHTM thường "thiết kế, may đo" những sản phẩm cho nhóm khách hàng chuyên biệt nhằm thu hút thêm khách hàng. Đại diện ACB cũng cho biết, ngân hàng có nhiều gói tín dụng và mức lãi suất giảm từ 2-3% phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh lực, ngành nghề khác nhau.
Theo các chuyên gia tài chính, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng lớn trong tuần đầu tháng 3/2023 đã giảm xuống dưới mức trần (6%/năm) sẽ là điều kiện thuận tiện để lãi suất cho vay giảm và duy trì ở mức thấp.
Theo quan sát của phóng viên, lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở nhiều ngân hàng đã rời khỏi mức 9%/năm. Ở các NHTM có vốn nhà nước chi phối như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện chỉ còn xoay quanh mức 7,4%/năm, các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên xoay quanh mức 7,2%/năm. Với nhóm ngân hàng cổ phần lớn như ACB, Sacombank, Techcombank…, lãi suất huy động các kỳ hạn trên 12 tháng cũng đã lùi về mức 7,1-7,8%. Hiện ngoại trừ một số ngân hàng nhỏ vẫn duy trì mức lãi suất áp sát mức 9%/năm nhưng với điều kiện người gửi tiền số lượng lớn và kỳ hạn 36 tháng… Điều này tiếp tục củng cố niềm tin mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngày 6/3 vừa qua, NHNN chi nhánh TP.HCM đã có văn bản 610/HCM-TH-KSNB gửi Tổng giám đốc các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn về việc tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong năm 2023. Văn bản nêu rõ, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã và đang đưa ra các gói tín dụng ưu đãi, chủ động giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng là giải pháp tích cực được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. NHNN chi nhánh TP.HCM đề nghị các TCTD trên địa bàn thực hiện giải ngân các gói tín dụng ưu đãi và giảm lãi suất cho vay do các TCTD chủ động đưa ra và cam kết hỗ trợ khách hàng. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, các TCTD giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ hoặc giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp phải mang lại hiệu quả nhanh, kịp thời; không chỉ giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn mà còn có hiệu ứng nhanh với thị trường tiền tệ, cùng với các chính sách khác góp phần ổn định thị trường tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp cần có hành động cụ thể như cung cấp dịch vụ tiện ích, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. |