Miền Trung liệu có “bội thực” cảng biển?
Mới đây, dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy (Quảng Trị) đã được khởi động trở lại. Đây là dự án cảng nước sâu có tổng mức đầu tư hơn 14 nghìn tỷ đồng. Được biết, cảng sau khi hình thành sẽ là cảng đào sâu vào đất liền đầu tiên của Việt Nam.
Như vậy, với sự góp mặt của cảng Mỹ Thuỷ, khu vực miền Trung lại có thêm một “siêu cảng” mới, khiến việc cạnh tranh giữa các cảng biển ở khu vực vốn đã “nóng”, lại trở thêm gay gắt hơn trong thời gian tới…
Trên thực tế, đã từ lâu nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng “bội thực” cảng biển ở khu vực miền Trung. Theo đó, miền Trung bao gồm 19 tỉnh, thành từ Thanh Hóa kéo dài đến Bình Thuận. Dải đất “khúc ruột” này có đến 1.759 km bờ biển. Đây được coi là vùng tiềm năng không những cho việc phát triển kinh tế biển mà còn là khu vực có nhiều vị trí thuân lợi trong việc xây dựng cảng biển. Bởi vậy, có thời, làm cảng biển đã trở thành “mốt” tại khu vực. Đến nay, trong khu vực có đến hàng chục cảng biển lớn nhỏ.
Mô hình dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy (Quảng Trị). |
Hiện, chưa kể đến những cảng đã được xây dựng từ lâu, có truyền thống như Cửa Lò (Nghệ An), Tiên Sa (Đà Nẵng) hay Quy Nhơn (Bình Định)… có còn thể kể đến hàng loạt các dự án mới được đầu tư xây dựng như bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng). Bên cạnh đó, còn nhiều dự án cảng biển lớn tại miền Trung cũng đã được đầu tư trong thời gian gần đây, như khu cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), cảng Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam), cảng Phù Mỹ (Bình Định). Các cảng vừa kể trên chỉ cách nhau chỉ khoảng 150km, bởi vậy việc cạnh tranh, thậm chí “dẫm chân” nhau cũng là điều dễ hiểu.
Nhiều cảng và cảng nào cũng được xác định là “cửa ngõ” chính hướng ra biển Đông tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế nối giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng như của thế giới… Cảng nào cũng đánh gia là tốt, bởi thế, khó “nhường nhau” trong nỗ lực phát triển. Trong cuộc đua đầu tư cảng như hiện nay, các địa phương xem cảng biển là một yếu tố rất quan trọng để có thể “kéo” nhà đầu tư về với mình.
“Bội thực” cảng biển khiến lợi thế có thể biến thành bất lợi nếu không có sự liên kết chặt chẽ. Tiến ra biển đang là cuộc đua giữa các thương cảng lớn để đón được tàu lớn hơn và giảm chi phí. Cuộc đua nhà nhà làm cảng cũng đã xé lẻ lượng hàng vào mỗi cảng tới mức không hấp dẫn các tàu lớn đến với miền Trung.
“Bội thực” cảng biển khiến lợi thế có thể biến thành bất lợi nếu không có sự liên kết chặt chẽ. |
Theo tìm hiểu của phóng viên thoibaonganhang.vn, trong năm 2023 nhìn chung tình hình kinh doanh của các cảng lớn trong khu vực miền Trung có thể nói là khá chật vật. Chỉ một số ít cảng tình hình kinh doanh khả quan quan, trong đó có thể kể đến Cảng Đà Nẵng, khi nhờ vào nguồn hàng là dăm gỗ, nguyên liệu sản xuất giấy của một đối tác Trung Quốc đầu tư bên Lào, sau đó vận chuyển qua cảng Đà Nẵng. Còn lại hầu hết, các cảng cũng chỉ phục vụ nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của các địa phương trong vùng. Chưa đủ năng lực thu hút được nguồn hàng từ các nơi khác đổ về
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng đánh giá, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có cảng biển nhiều nhất nước, nhưng lượng hàng qua cảng hạn chế. Chủ yếu hoạt động động dưới dạng gom hàng, sau đó chuyển đến các cảng lớn ở Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh để xuất đi các nước. Bởi vậy, nhìn chung hiệu quả kinh tế không cao, hoạt động không hết công suất đã đầu tư.
Đã đến lúc cần phải “phân vai” cụ thể cho mỗi địa phương ở miền Trung trong việc xây dựng hệ thống cảng biển chuyên dụng. |
Tình hình có thể sẽ khó khăn hơn trong thời gian đến khi đến nay miền Trung vẫn chưa có một “hậu phương công nghiệp” đúng nghĩa. Không có “hậu phương công nghiệp” và đô thị kém phát triển, lợi thế cảng biển và nỗ lực phát triển cảng biển của các tỉnh, thành trong khu vực có thể trở thành lãng phí lớn, cản trở phát triển.
Trong khi đó, chủ trương liên kết vùng ở miền trung, trong đó liên kết cảng biển đã được đề ra từ lâu, song gần như mới chỉ được liên kết.. trên giấy. Liên kết cảng biển miền Trung được xem là thất bại vì thiếu nhạc trưởng điều tiết, quy hoạch, mạnh ai nấy làm vì lợi ích cục bộ địa phương thay vì liên vùng. Việc tìm kiếm mô hình liên kết hiệu quả vẫn còn ở phía trước. Hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị bàn về giải pháp liên kết, song nhìn chung vẫn chưa giải quyết được tình hình. Và có lẽ, đã đến lúc Chính phủ cần phải “phân vai” cụ thể cho mỗi địa phương ở miền Trung trong việc xây dựng hệ thống cảng biển chuyên dụng, chứ không thể theo hướng đại trà như hiện nay.