Mô hình trồng cây ăn quả trong vườn cà phê
Từ năm 2019, dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên”, được triển khai thực hiện tại 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai. Các giống cây ăn quả được sử dụng để trồng xen trong vườn cà phê là bơ và sầu riêng.
Ảnh minh họa |
Qua 3 năm triển khai, dự án đã được thực hiện với quy mô 115 ha và 115 hộ tham gia. Trong đó, tại Đắk Lắk là 55 ha, các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai là 20ha/tỉnh. Về cơ bản, dự án đã đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của sản xuất tại Tây Nguyên, nhận được sự quan tâm chỉ đạo nhiệt tình của các cấp lãnh đạo, ban ngành liên quan.
Với sự hỗ trợ 70% về giống và vật tư phân bón, cùng với việc tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho hộ dân tham gia mô hình, dự án bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan, duy trì năng suất cà phê sau trồng xen đạt hơn 3,0 tấn nhân/ha. Cây ăn quả bơ (giống Booth, TA01) và sầu riêng (giống Dona, Ri6) được trồng theo đúng quy trình trồng xen của Bộ Nông nghiệp và̀ Phát triển nông thôn. Đến nay, tại các mô hình, cây bơ và sầu riêng sinh trưởng phát triển tốt, đạt tỷ lệ sống hơn 95%. Đối với các mô hình chăm sóc năm thứ 3, cây bơ đã cho thu hoạch. Cây sầu riêng đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, sinh trưởng phát triển tốt. Dự kiến, khi cây ăn quả vào giai đoạn kinh doanh sẽ cho thu nhập tăng trên 20% so với trồng thuần cà phê.
Có thể nói, dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên” không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế sau khi cây ăn quả cho thu hoạch, mà trồng xen canh còn giúp đa dạng hóa sản phẩm, giúp người dân có thể hạn chế được rủi ro về giá cả khi thị trường nông sản ngày càng biến động khó lường, góp phần tạo thêm việc làm và ổn định đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, với việc bón phân cân đối, tưới nước tiết kiệm, trồng cây che phủ, cây chống xói mòn, cây che bóng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… theo đúng quy trình kỹ thuật còn giúp bảo vệ môi trường đất, giữ gìn độ phì đất và hạn chế sự phát triển của các loại bệnh hại nguy hiểm.