Mở thêm cơ hội cho ngành dược hút vốn ngoại
Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đang được Bộ Y tế tích cực lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, nhằm trình Quốc hội vào tháng 5/2024 và dự kiến xem xét thông qua vào tháng 10/2024.
Đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Luật này là Bộ Y tế đã bổ sung thêm điều kiện kinh doanh đối với loại hình kinh doanh dịch vụ vận chuyển thuốc và nguyên liệu làm thuốc cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược phẩm (FIE).
Ảnh minh họa |
Các quy định và hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, phân phối thuốc đối với các doanh nghiệp FIE sẽ còn phải chờ Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan bàn thảo và thống nhất ban hành sau khi Luật Dược (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế - Hội nhập (Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế) cho rằng, đây có thể xem là một “bước tiến mới” trong lộ trình cởi mở thu hút đầu tư lĩnh vực dược phẩm. Vì từ trước đến nay các điều kiện kinh doanh ngành dược luôn vướng mắc và mất nhiều thời gian ở các khâu thủ tục, kiểm định.
Về góc độ thị trường, các phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng, khi các điều kiện kinh doanh trong ngành dược được nới rộng hoạt động đầu tư vốn của các tập đoàn nước ngoài vào lĩnh vực dược phẩm sẽ có sự tăng trưởng mạnh. Việc hợp tác mở rộng hệ thống các nhà thuốc bán lẻ sẽ phát triển nhanh với quy mô thị trường đạt khoảng 7,89 tỷ USD vào cuối 2024.
Đồng quan điểm, đại diện Pharma Group cho rằng, lĩnh vực dược phẩm – phát minh hiện nay đang là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao trong khối ngành y tế - khám chữa bệnh. Nếu các điều kiện kinh doanh dược được mở rộng, cộng với hoạt động thúc đẩy các dự án hợp tác công tư (PPP) và khuyến khích khởi nghiệp, rất có thể tốc độ tăng trưởng ngành này sẽ đạt mức 15-20% trong giai đoạn 2025-2040 và quy mô đầu tư toàn ngành có thể đạt 100 tỷ USD vào 2040.
Quan sát thực tế cho thấy, hiện nay lĩnh vực dược phẩm thu hút khá mạnh mẽ dòng vốn ngoại từ các tập đoàn lớn và đầu tư mang tính dài hạn. Theo các chuyên gia, do đặc thù kinh doanh có điều kiện, hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp FIE với các tập đoàn lớn trong nước diễn ra khá phổ biến và sôi động.
Quan sát từ kết quả kinh doanh những năm gần đây của các hãng dược nước ngoài khi đầu tư vốn vào các doanh nghiệp trong nước có thể thấy tốc độ tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận đều rất tích cực. Nhiều hãng dược nước ngoài tập trung đầu tư mở rộng rất mạnh mảng bán lẻ dược phẩm. Chẳng hạn, Tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) sau khi thâu tóm 51% vốn của Trung Sơn Pharma, doanh nghiệp này đã phát triển hơn 140 nhà thuốc Trung Sơn tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính vì vậy, khi các pháp lý về kinh doanh, vận chuyển, phân phối dược phẩm được bổ sung, sửa đổi theo hướng có lợi cho các FIE, nhiều chuyên gia cho rằng làn sóng mua bán sáp nhập lĩnh vực dược sẽ có sự bứt phá. Ở hướng tích cực, sự sôi động hợp tác này sẽ khiến hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra nhanh hơn, thị trường dược phẩm sẽ xuất hiện nhiều hơn các nhà máy đạt chuẩn Japan GMP, GMP-EU, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối thuốc trong bệnh viện. Bên cạnh đó, làn sóng M&A cũng sẽ thu hút nguồn vốn ngoại vào các dự án PPP lĩnh vực dược mà các địa phương đang kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, phân phối dược phẩm giữa các doanh nghiệp nội địa và các FIE sẽ càng gay gắt, thậm chí hoạt động thâu tóm các hãng dược nội địa cũng sẽ xảy ra phổ biến trong các năm sắp tới.