Mộc mạc chợ quê
Bởi lời nhắn nhủ nhiều ngụ ý này, trong những chuyến đi quanh những miền quê xứ Bắc, tôi thường chọn những phiên chợ quê để dừng chân. Và quả vậy, chợ quê luôn là chốn níu ta ở lại lâu nhất.
Mộc mạc chợ quê.
Ở đó, chuỗi ký ức thơ bé theo bà, theo mẹ đi chợ dội về, với những món quà quê "chưa bao giờ lại ngon đến thế". Ở đó, ta được đắm mình trong sản vật từng mùa, những món quà quê dân dã, từ chiếc bánh đa, bánh rán cho tới khuôn mật mía vàng ươm. Ở đó, ta được chiêm ngưỡng sắc màu rực rỡ từ các dãy hàng bán thúng, mủng, dần, sàng… đan cài với hàng bán chiếu, bán cau, bán chuối…
Và cũng chỉ ở những phiên chợ quê, ta mới được nghe những âm thanh chất chứa "mật mã của từng vùng đất, mà các bức ảnh dù được chụp cầu kỳ đến đâu cũng không bao giờ ghi lại hết được. Chỉ bằng cách lắng nghe lời ăn tiếng nói của chính cư dân vùng đất đó, trò chuyện với những cụ ông cụ bà răng đen nhánh mang bán mấy món đồ tự tay làm ra… ta thêm một trải nghiệm mới, sẻ chia với những nhọc nhằn lam lũ mà cư dân vùng đất đã trải qua.
Nhưng cuộc sống ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa ngày càng hối hả, những phiên chợ quê với những lều lán lợp rơm lợp rạ cũng dần dần biến mất thay vào đó là những khu chợ quy mô, bê tông ngói hóa. Vì thế, cái cảm giác về một "bản sắc" chợ quê có thể trong lớp người ưu tư hoài niệm đã mai một đi rất nhiều. Nhưng những hình ảnh "như trong ký ức" mà chúng tôi muốn gửi tới độc giả, lại là những phiên chợ "rất quê" còn sót lại. Tất cả, chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 30km.
Nghệ sĩ "tác nghiệp" ở chợ quê
Hàng bán trầu cau.
"Cửa hàng" quần áo còn sót lại ở chợ Nủa (Bình Phú, Hà Nội).
Hoàng Thu Phố