Một thời hào hùng văn nghệ kháng chiến
Những khoảnh khắc đắt giá
Nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu được biết đến là “Người khắc ghi lịch sử văn nghệ kháng chiến”. Ông tham gia kháng chiến ngay từ buổi đầu và bắt đầu chụp các văn nghệ sĩ từ khi Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời. Hòa mình với đời sống văn nghệ, hiểu rõ tâm hồn văn nghệ sĩ và chuyên tâm chụp văn nghệ sĩ, Trần Văn Lưu đã lưu lại qua ống kính những chân dung văn nhân một thời, bằng tất cả những nét cá tính hào hoa và đặc biệt nhất.
Khó ai có thể quên những bức ảnh nổi tiếng như bảy văn nghệ sĩ chụp trước trụ sở Hội Văn nghệ ở Xóm Chòi (Thái Nguyên), các văn nghệ sĩ chia tay nhau lên đường ra mặt trận, hay hình ảnh kịch sĩ Thế Lữ hóa trang vào vai diễn, nhạc sĩ Văn Cao với cây đàn ghi ta, nhà văn Nguyễn Tuân ngậm tẩu…
Ít ai biết, tác giả của những bức ảnh tư liệu nghệ thuật đắt giá ấy chính là Trần Văn Lưu. Phải đến 15 năm sau ngày tác giả đi xa, cuốn sách ảnh này mới đến tay bạn đọc. “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu” là một cuốn sách ảnh do hai tác giả Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và Trần Chính Nghĩa - con trai nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu biên soạn. Cuốn sách cho ta tiếp cận với những tư liệu văn nghệ sĩ một thời, hiếm thấy trong bất cứ hồ sơ tư liệu hình ảnh nào.
Các văn nghệ sĩ dự Hội nghị Chấp hành mở rộng Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc tháng 3/1951. Từ phải sang, hàng trước: Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi. Hàng sau: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung |
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhận xét rất tinh rằng, “cuốn sách, có thể nói, là một bộ sưu tập những bức ảnh vô cùng quý giá về nhiều gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng trong kháng chiến và sau hòa bình lập lại, bên cạnh những bức ảnh khác giúp tái hiện bối cảnh họ đã sống và sáng tác hết sức cảm động. Đồng thời, cuốn sách cũng giúp ta thấy được cuộc đời và sự nghiệp của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, một sự nghiệp có thể còn chưa được đánh giá đúng mức, nhưng thật đáng trân trọng”.
Lưu dấu lịch sử văn nghệ kháng chiến
Ông Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, là một trong hai tác giả biên soạn cuốn sách này tiết lộ đã mất gần 6 tháng để thực hiện cuốn sách này. “Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ so với quãng thời gian tôi tìm hiểu về cha mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và thời đại của ông, để có được những hiểu biết giúp cho công việc biên soạn. Nếu không có những hiểu biết đó, những tư liệu sách báo cần thiết để “giải mã” những bức ảnh, “đọc” ra được nội dung của chúng, nhận biết được về người, về bối cảnh và thời gian của những bức ảnh đó thì tôi đã không thể làm và cũng không dám nhận làm cuốn sách”, ông Thắng nói và dẫn chứng: Khi biên soạn phần về các sự kiện văn nghệ trong kháng chiến, như Hội nghị Văn nghệ bộ đội hay Hội nghị tranh luận Văn nghệ năm 1949 tại Việt Bắc, tôi đã phải tham khảo rất kỹ bộ sưu tập báo văn nghệ những năm kháng chiến, tất cả gồm 7 tập. May mà tôi đã tìm mua được cả bộ trong mấy năm ròng. Hay để bình những bức ảnh về vợ chồng nghệ sĩ Thế Lữ - Song Kim, tôi đã dựa rất nhiều vào cuốn hồi ký của bà Song Kim và cuốn biên khảo của Lưu Quang Vũ về các nghệ sĩ sân khấu. Các cuốn này tôi mua được từ thời bao cấp, trong đó có cuốn mua lại của một hàng đồng nát.
Ngoài ra, ông Thắng còn dựa rất nhiều vào nhật ký của cha mình và các trang viết khác của nhà văn trong kháng chiến. Ví như nhờ một bài ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có đoạn về nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát mà ông Thắng đã có thể ghi chú về bức ảnh nhạc sĩ với chiếc mũ lá mà ông dùng vào rất nhiều việc trong những năm tháng nay đây mai đó trên các nẻo đường Việt Bắc.
Khi tiếp cận với kho ảnh mà nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu để lại, điều khiến ông Nguyễn Huy Thắng ấn tượng nhất đó chính là tính hệ thống. “Ở đây không chỉ có ảnh chân dung mà cả ảnh sự kiện, không chỉ có ảnh các văn nghệ sĩ và hoạt động của họ mà cả ảnh về bộ đội, thiếu sinh quân, về công tác y tế và cả những người dân thường... Riêng về các văn nghệ sĩ thì lại càng đáng nể. Không chỉ một vài người mà hầu hết các văn nghệ sĩ có tên tuổi ở Việt Bắc đều hội tụ qua ống kính của nhà nhiếp ảnh. Không chỉ một, hai ảnh mà có khi đến 5, 7 bức mỗi người, như loạt ảnh chụp vợ chồng nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Tuân... Thực tế, tôi đã biên soạn thành những “phóng sự ảnh” của không ít văn nghệ sĩ, với sự xâu chuỗi bằng các lời dẫn hoặc ghi chú cần thiết để làm rõ thêm”, ông Thắng chia sẻ.
Lật mở hơn 200 trang sách ảnh khổ lớn trong những ngày mùa thu này, ta sẽ gặp lại những gương mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu như: Tô Hoài, Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Tô Ngọc Vân, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, sống trong không khí hào hùng của những năm tháng văn nghệ song hành với cuộc kháng chiến, đến những chi tiết đặc sắc: sinh hoạt trong kháng chiến, bệnh viện giữa rừng, một buổi chào cờ của thiếu sinh quân… Đó quả thực là những tư liệu quý giá, lưu dấu một giai đoạn đẹp đẽ của lịch sử văn nghệ kháng chiến.
Các gương mặt văn nghệ sĩ qua ống kính Trần Văn Lưu hiện ra với chúng ta mỗi người mỗi vẻ, không ai lẫn với ai. Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi... đều mỗi người một cốt cách, một phong thái, cũng khác biệt như phong cách sống và sáng tác của họ vậy. Và đặc biệt ai nấy đều rất có nội tâm, có cái gọi là chiều sâu của tâm hồn mà người chụp phải rất hiểu người mình chụp mới nắm bắt được. Nhưng đồng thời họ lại có những nét gì đó rất chung. Đó là vẻ bình dị, chân thành, hồn hậu của những người đồng lòng, đồng chí, sống với nhau chan hòa để cùng lo việc chung, toát ra qua mỗi cử chỉ, sắc thái của họ trong bức ảnh.
Những tư liệu lịch sử vô giá
Đánh giá về di sản ảnh của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu là một việc làm cần thiết và hữu ích với thế hệ đi sau. Ông Nguyễn Huy Thắng nói rằng, đây thực sự là những tư liệu lịch sử vô giá. Vì chúng gắn một quãng lùi thời gian đã tới 70 năm. Lại là ảnh về những gương mặt hàng đầu của nền văn nghệ Việt Nam hiện đại, gắn với những nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ tài danh của đất nước ở vào một thời điểm mà tất cả đều phơi phới hiến mình cho cách mạng và kháng chiến. Mặt khác, các nhà chuyên môn về nhiếp ảnh cũng nên quan tâm thêm về giá trị nghệ thuật của những bức ảnh đó, những bức ảnh mà người nghệ sĩ Trần Văn Lưu đã bằng tâm huyết ghi lại chỉ với hai sắc màu đen trắng.
Riêng về cuốn sách “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu”, ông Thắng nhìn nhận: Qua những bức ảnh đã được chọn lọc và biên soạn kỹ lưỡng, bên cạnh giá trị về một sự nghiệp nhiếp ảnh được tái hiện, người xem có thể tiếp cận với hầu hết các gương mặt văn nghệ sĩ mà tên tuổi từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ công chúng Việt Nam.
Cuốn sách còn nhắc đến địa chỉ văn hóa 11 Hàng Bông (Hà Nội), là nơi ở của gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, cũng là nơi rộng mở cho văn nghệ sĩ đến đàm đạo. Từ tình cảm bạn bè trân quý, cùng nhau trải nghiệm mọi vui buồn thời cuộc, ống kính của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đã “bắt” được những khoảnh khắc vàng, bừng sáng cái Tôi của mỗi gương mặt nghệ sĩ, lưu lại những chi tiết sống động nhất của hiện thực kháng chiến.
Đằng sau mỗi bức ảnh in hằn dấu ấn thời gian, là tình cảm thao thiết với văn nghệ, yêu cái đẹp và biết ơn cuộc sống mà ông Trần Văn Lưu gửi gắm. Cuộc kháng chiến dân tộc đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng gia tài gần 300 bức ảnh và tư liệu của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu có “thâm niên” chừng ấy thời gian, vẫn có giá trị thời đại quan trọng đối với nền văn nghệ Việt Nam nói riêng, với đời sống nghệ thuật nói chung.
NSNA Trần Văn Lưu sinh ngày 10/1/1917 ở phố Hàng Sắt, Nam Định. Năm 1949, Trần Văn Lưu tham gia Hội Văn nghệ Việt Nam - ngành Nhiếp ảnh và được bầu vào Ban Chấp hành. Ở cương vị mới này, ống kính Trần Văn Lưu càng có điều kiện bám sát các hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam. NSNA Trần Văn Lưu qua đời năm 2003. Năm 2004, ông được nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba. |