![]() |
Hội thảo Tài sản điện tử và các ảnh hưởng đối với doanh nghiệp và định chế tài chính do PwC đã đem đến nhiều góc nhìn mới về tiền điện tử |
Đại dịch Covid-19 cùng tình trạng giãn cách kéo dài diễn ra khắp nơi trên thế giới đã tạo bệ phóng giúp tiền điện tử, tài sản điện tử phổ biến nhanh hơn và mở rộng phạm vi nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới cũng thay đổi quan điểm, đổi tên hoặc bổ sung các hình thức kinh doanh liên quan đến tài sản số. Đơn cử như Facebook đổi tên thành Meta để tập trung cho các sản phẩm dịch vụ Metaverse, giúp cổ phiếu, chữ ký số, chữ ký điện tử liên quan đến công nghệ này tăng vọt.
Ông Haydn Jones, Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Blockchain và Tiền điện tử, PwC Anh cho biết, sự phát triển bùng nổ của các loại tiền điện tử đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ bối cảnh tài chính toàn cầu. Đến thời điểm 9/2022, số lượng tiền điện tử đã tăng lên đến 21.000 loại tiền điện tử, tức là gấp đôi so với thời điểm mới bắt đầu. Hầu hết những đồng tiền này đều có sử dụng công nghệ Blockchain, từng loại tiền đều có những đặc trưng riêng.
![]() |
Ông Haydn Jones, Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Blockchain và Tiền điện tử, PwC Anh |
Trong tương lai, thị trường sẽ chứng kiến sự xuất hiện nhiều hơn các đồng tiền điện tử của các Ngân hàng Trung ương (CBDC - Central Bank Digital Currency) tại các quốc gia. Khi các Ngân hàng Trung ương các nước cũng sẵn sàng cho ra đời các loại tiền điện tử cũng là thời điểm thích hợp để nói đến câu chuyện sản phẩm có xuất phát từ tiền điện tử. Vấn đề đặt ra hiện nay là việc triển khai và đưa vào lưu hành các CBDC chỉ có thể khả thi khi mức độ hiểu biết và đón nhận ở cấp độ các tổ chức, doanh nghiệp cao hơn, từ đó dẫn tới mức độ hiểu biết của toàn ngành và nền kinh tế tăng lên, ông Haydn Jones khẳng định.
Theo Báo cáo của PwC về Chỉ số Tiền điện tử của Ngân hàng trung ương (CBDC) tháng 4/2022, có hơn 80% các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang cân nhắc ban hành đồng tiền điện tử hoặc đã phát hành cho mục đích thanh toán, trong lĩnh vực bán lẻ hoặc bán buôn. Các quốc gia có mức độ trưởng thành khác nhau với tiền điện tử và cũng như có những mục tiêu, yếu tố thúc đẩy khác nhau ví dụ như mục tiêu về nền tài chính toàn diện (financial inclusion), động lực số hóa hay mục tiêu phòng chống tội phạm tài chính. CBDC tạo cơ hội xác lập nền tảng thanh toán chung, giúp tăng cường hội nhập tài chính, tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thanh toán qua biên giới (cross border transactions) và kiểm soát tội phạm tài chính
Tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 phê duyệt “Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối rà soát các văn bản pháp lý hiện hành để bổ sung quy định về tiền điện tử. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tiến hành dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng chống rửa tiền đã đặt ra vấn đề các quốc gia cần quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính để đảm bảo quản lý chặt chẽ, không bị lợi dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố hay các hoạt động phi pháp khác…
Theo các chuyên gia, việc có một khung pháp lý toàn diện để bảo vệ người sử dụng tiền điện tử và đảm bảo một sân chơi minh bạch trên thị trường luôn là thách thức bởi vì các chính sách này cần được ban hành trên cơ sở làm thế nào để bảo vệ khách hàng tốt nhất trước những rủi ro, tổn thất có liên quan từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ này.
![]() |
Bà Đinh Hồng Hạnh, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn tài chính, Công ty PwC Việt Nam |
“Việt Nam đang trong quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý cho tiền điện tử và tài sản điện tử. Những doanh nghiệp có hiểu biết về lĩnh vực này sẽ có lợi thế lớn. PwC sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các mô hình kinh doanh và thông lệ mới nhất về tài sản điện tử và ảnh hưởng của nó trên toàn cầu. Đây sẽ là bước chuẩn bị tốt để doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng nắm bắt cơ hội, hiện thực hóa các chiến lược kinh doanh cũng như quản lý rủi ro mà việc ứng dụng đồng tiền điện tử mang lại”, bà Đinh Hồng Hạnh, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn tài chính, Công ty PwC Việt Nam cho biết.
Bên cạnh đó, ông Haydn Jones chỉ ra rằng, thách thức còn đến từ sự hiểu biết của người sử dụng tiền điện tử. Người sử dụng cần có một bức tranh tổng thể về tiền điện tử đang vận hành thế nào để từ đó phòng vệ những rủi ro như rửa tiền, tài trợ khủng bố, tội phạm tài chính… Nếu có hành lang pháp lý hoàn thiện và người sử dụng có sự hiểu biết đầy đủ thì mọi thách thức đều có thể kiểm soát được.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quản lý tiền điện tử, ông Haydn Jones, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Blockchain và Tiền điện tử PwC Anh cho biết, các nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử, bao gồm tổ chức phát hành tiền điện tử, tổ chức cung cấp dịch vụ lưu ký, nhà cung cấp ví điện tử, sàn giao dịch tiền điện tử hoặc tổ chức vận hành máy ATM tiền điện tử nếu muốn được hoạt động tại Anh đều phải xin giấy phép và phải trải qua quy trình đăng ký khá chặt chẽ, ví dụ tổ chức phải mô tả cho cơ quan quản lý về kế hoạch marketing, kế hoạch kinh doanh và thậm chí là vấn đề về ngân sách, cơ chế quản lý, giám sát nội bộ để đảm bảo tổ chức có thể phòng vệ từ các rủi ro về rửa tiền, tội phạm tài chính. Đặc biệt, tổ chức phải đánh giá được hồ sơ rủi ro của chính mình khi tham gia cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử. Điều này có nghĩa là, để được cấp phép hoạt động, hồ sơ, thủ tục do đơn vị chuẩn bị phải thuyết phục được các cơ quản lý.
Tại thời điểm phỏng vấn, ông Haydn cho biết, Ủy ban Pháp luật ở Anh (UK Law Commission) vừa ban hành luật dự thảo sửa đổi lấy ý kiến về khung pháp lý đối với các hoạt động về tiền điện tử dài hơn 540 trang, trong đó sẽ tập trung cập nhật những quy định liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Điều này đảm bảo khung pháp lý có khả năng điều chỉnh phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ liên quan đến tài sản điện tử và đảm bảo tài sản điện tử được vận hành hiệu quả, phù hợp với nền kinh tế.
Hương Giang
Nguồn: