Tối ưu hóa dòng tiền và giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu
Xuất khẩu dệt may cán đích hơn 40 tỷ USD 58.000 tỷ đồng đầu tư cho cảng cá và khu tránh bão cho tàu cá |
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 10 là tháng thứ 4 liên tiếp (kể từ tháng 7), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt mốc từ 30 tỷ USD trở lên/tháng. Trong 10 tháng 2023, xuất khẩu Việt Nam đạt 291 tỷ USD, giảm 6,92%; nhập khẩu đạt 266,67 tỷ USD giảm 12,09% so với cùng kỳ.
TS. Nguyễn Văn Hội – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương dự báo, xuất khẩu năm 2023 vẫn giảm từ 7-9% so với cùng kỳ 2022, ở kịch bản lạc quan hơn, con số này là 5-7%.
Bước sang giai đoạn 2024-2025, ông Hội cũng nhận định, mức tăng trưởng xuất khẩu 8-10% là hoàn toàn khả thi. Dự báo này xuất phát từ dấu hiệu phục hồi của nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực trong thời gian vừa qua, đồng thời với những kỳ vọng mới từ việc khai thác thị trường trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt từ các FTA vừa ký kết.
Hiện phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, có thuận lợi là linh hoạt, dễ thay đổi phù hợp với thị trường, do vậy thuận lợi trong việc đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như: Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh... hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài. Đồng thời, có khả năng khai thác hiệu quả các cơ hội trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN….
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường. Hơn thế, cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể cho từng thị trường, tìm hiểu các quy định ưu đãi của các FTA, các rào cản kỹ thuật.
Bà Cao Cẩm Linh, Trưởng ban Nghiên cứu Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics khuyến nghị, khi chưa đủ năng lực tìm thị trường mục tiêu, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các sàn thương mại điện tử quốc tế, hoặc kết hợp với cộng đồng người Việt tại nước sở tại, làm việc với Tham tán thương mại tại địa phương nhờ kiểm chứng thông tin về đối tác. Cũng có thể thông qua Ngân hàng để tìm hiểu thông tin về đối tác bạn hàng cũng như trung gian thanh toán. Các ngân hàng có thể đồng hành cùng doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, thẩm định khách hàng nước ngoài; đồng hành kiểm tra hàng lên tàu cùng với công ty logictics, cập nhật tiến trình lô hàng, giấy tờ, bộ chứng thư cũng như thời điểm được thanh toán.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu cũng nên sử dụng các dịch vụ thanh toán thương mại, thanh toán quốc tế của ngân hàng như một công cụ vừa phòng ngừa rủi ro thanh toán, vừa tối ưu hóa dòng tiền trong hoạt động kinh doanh.
Như thư tín dụng trả chậm thanh toán trả ngay (UPAC LC). Đây là thư tín dụng trả chậm đối với người nhập khẩu nhưng lại có giá trị thanh toán ngay đối với người xuất khẩu. Điều này không chỉ giúp người bán tránh được rủi ro trong thanh toán mà còn tăng cường năng lực tài chính.
Sản phẩm chiết khấu miễn truy đòi bộ chứng từ không hối phiếu theo LC cũng là một sản phẩm ưu việt dành cho các nhà xuất khẩu khi bên bán sử dụng phương thức LC trả chậm. Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ VietinBank Chi nhánh Hà Nội cho biết, với sản phẩm này tại VietinBank, khách hàng xuất khẩu được chiết khấu miễn truy đòi lên đến 90% giá trị lô hàng, nhận được tiền thanh toán bộ chứng từ ngay khi xuất trình bộ chứng từ phù hợp. Tỷ lệ phí chiết khấu miễn truy đòi tương đương với mức lãi suất cho vay, tuy nhiên số dư nghiệp vụ miễn truy đòi không tính vào dư nợ tín dụng của của khách hàng.. Điều này giúp tối ưu hóa giới hạn tín dụng của khách hàng tại VietinBank. Sản phẩm cũng giúp doanh nghiệp đẩy nhanh vòng quay vốn lưu động; Chủ động quản lý dòng tiền, công nợ phải thu hiệu quả hơn trong hoạt động kinh doanh và cải thiện các chỉ số trên báo cáo tài chính.