Nâng cao đạo đức cách mạng để hoàn thành tốt nhiệm vụ
Sau Cách mạng tháng Tám và ngày lập quốc 2/9/1945, một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ là phải từng bước xây dựng nền tiền tệ độc lập, tự chủ, biến nó thành công cụ quan trọng để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiệm vụ này dần trở thành hiện thực khi bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam ngày một tiến triển mạnh mẽ với những chiến thắng vang dội trên khắp các chiến trường. Sự chuyển biến của cục diện cách mạng đòi hỏi công tác kinh tế, tài chính phải được củng cố và phát triển theo yêu cầu mới. Trên cơ sở chủ trương chính sách mới về tài chính-kinh tế mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951) đề ra, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam với các nhiệm vụ chủ yếu là: Quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ, quản lý Kho bạc nhà nước, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất, phối hợp với mậu dịch để quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với địch. Trụ sở đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia đặt tại xã Đầm Hồng, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1955-1975), hoạt động của Ngân hàng Quốc gia tập trung vào việc tăng cường quản lý, điều hoà lưu thông tiền tệ theo các nguyên tắc quản lý kinh tế-xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện chế độ tín dụng hướng vào phục vụ phát triển kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể; mở rộng phạm vi và cải tiến nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thiết lập vai trò ngân hàng là trung tâm thanh toán của nền kinh tế; mở rộng quan hệ thanh toán và tín dụng quốc tế; thực hiện chế độ Nhà nước độc quyền quản lý ngoại hối.
Ngày 26/10/1961, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thời kỳ 1975-1985 là giai đoạn cả nước tập trung nguồn lực khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thanh lý hệ thống Ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam; thu hồi tiền cũ ở cả hai miền Nam - Bắc; phát hành các loại tiền mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong giai đoạn này, hệ thống Ngân hàng Nhà nước về cơ bản vẫn hoạt động như là một công cụ ngân sách, chưa thực hiện các hoạt động kinh doanh tiền tệ theo nguyên tắc thị trường.
Sau Đại hội Đảng XI lịch sử với chủ trương đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ngành tài chính ngân hàng cũng như bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng có những sự thay đổi quan trọng. Tháng 3/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 53/HĐBT với định hướng cơ bản là chuyển hẳn hệ thống ngân hàng sang hoạt động kinh doanh. Tháng 5/1990, Hội đồng Nhà nước thông qua và công bố Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính. Sự ra đời của 2 Pháp lệnh ngân hàng đã chính thức chuyển cơ chế hoạt động của hệ thống Ngân hàng Việt Nam từ một cấp sang hai cấp. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh tiền tệ, ngân hàng và thực thi nhiệm vụ của một Ngân hàng trung ương; các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng kinh doanh tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và dịch vụ ngân hàng trong khuôn khổ pháp luật.
Từ năm 1990 đến nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 (sửa đổi, bổ sung năm 2003), Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 và các nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước (Nghị định số 88/1998/NĐ-CP ngày 2/11/1998, Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003, Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008, Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013).
Có thể khẳng định, trong 70 năm tồn tại và phát triển, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những thành tựu vô cùng lớn lao trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Qua từng thời kỳ với những yêu cầu lịch sử cụ thể, tập thể các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức Ngân hàng Nhà nước đã chung tay cùng nhau nỗ lực học hỏi và làm việc, để không phụ lại sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, cũng như lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại.
Lúc sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm của mình đến hoạt động ngân hàng và ngành Ngân hàng. Người luôn dặn dò cán bộ ngân hàng phải nâng cao đạo đức cách mạng và hết lòng phục vụ nhân dân.
Trong những cuộc họp, hay trong những lần gặp mặt cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn nhiều điều đối với cán bộ nói chung, cán bộ ngân hàng nói riêng, mà mục đích sâu xa nhất vẫn là mọi hoạt động phải vì dân, phải nâng cao đạo đức cách mạng để phục vụ nhân dân và làm giàu cho đất nước. Như trong Thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính, ngày 20/2/1952, Bác đã đề cập rất cụ thể: “Cán bộ kinh tế - tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công, vô tư, cần, kiệm liêm, chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Tôi mong rằng: Các chú là chiến sĩ kinh tế - tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khǎn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”.
Năm 1962, khi tới thăm Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa đặt tại Nhà máy Dệt Nam Định, trong lúc nói chuyện, Bác đã hỏi xem có bao nhiêu công nhân gửi được tiền tiết kiệm, hỏi xem Bác có 1 hào thì có gửi tiết kiệm được không (vì mức gửi thấp nhất là 1 đồng). Đó chính là câu chuyện 1 hào đầy ý nghĩa mà các thế hệ cán bộ ngân hàng còn nhớ mãi. Ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện là lời dạy Bác muốn gửi gắm với cán bộ ngân hàng: Ngân hàng Nhà nước ta là ngân hàng của dân, do dân, vì dân, nên trước hết là phải giúp đỡ dân, giúp đỡ người nghèo có vốn, để làm kinh tế; sẵn sàng nhận tiền gửi, dù là một lần nhận gửi với số tiền rất ít.
Tháng 1/1965, trong thư gửi Hội nghị cán bộ Ngân hàng, Bác cũng đã căn dặn: “Quản lý tiền bạc là một công tác rất quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cán bộ Ngân hàng là người có trách nhiệm giữ tiền cho Nhà nước và nhân dân, phải học tập cách quản lý tiền cho tốt, đừng để lãng phí, mất mát. Một đồng vốn bỏ ra phải bảo đảm tăng thêm của cải cho xã hội, phải luân chuyển nhanh, đừng để đọng. Phải tích cực huy động tiền nhàn rỗi để bỏ vào sản xuất”. “Cán bộ Ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Ngân hàng Việt Nam luôn được các thế hệ cán bộ ngân hàng ghi nhớ và lấy làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Trong giai đoạn hiện nay, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị và càng quý giá hơn bao giờ hết, để chúng ta có thêm động lực cùng nhau thi đua phấn đấu xây dựng ngành Ngân hàng phát triển vững mạnh.
Một trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho thế hệ sau chính là những chuẩn mực trong tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người. Năm 2016, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, và từ đó, thêm một lần nữa, việc học tập theo tấm gương đạo đức của Người đã được đẩy mạnh, lan tỏa sâu rộng trong toàn bộ đảng viên và quần chúng.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là những vấn đề cao xa, phức tạp, mà nó được thể hiện trong đời sống, trong công việc hàng ngày, hàng giờ tại công sở. Đó là sự tận tụy, trách nhiệm trong công việc; là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; là ý thức ham học hỏi, nghiên cứu, tư duy để nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc; là việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp; là sự khoa học, ngăn nắp, gọn gàng trong sắp xếp giải quyết công việc; là tinh thần tiên phong, gương mẫu, hăng hái trong các phong trào thi đua; là sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ để cùng nhau chung tay xây dựng thành công chung.
Trong suốt chặng đường đã qua, mỗi cán bộ, đảng viên Chi bộ Vụ Pháp chế luôn ý thức rõ ràng việc chấp hành nghiêm chủ trương chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, không ngừng nâng cao chất lượng việc Học tập và làm theo gương Bác đối với mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động trong Ngân hàng Nhà nước. Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, Chi bộ luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên, công chức, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tổ chức triển khai thực hiện. Chi bộ luôn bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Đảng ủy khối, Đảng ủy Cơ quan Ngân hàng trung ương trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị. Chi bộ đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong 70 năm tồn tại và phát triển, dưới sự chỉ dạy và quan tâm của lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại, cũng như sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt các nhiệm vụ của mình theo từng sứ mệnh lịch sử được giao phó. Hiện nay, trong bối cảnh thời đại mới với những thời cơ và thách thức mới, tập thể cán bộ, đảng viên Chi bộ Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước tự hứa sẽ nỗ lực hơn nữa, học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chung tay xây dựng và phát triển đơn vị, cũng như đóng góp vào những thắng lợi mới của ngành Ngân hàng nói chung và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói riêng.
Một trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho thế hệ sau chính là những chuẩn mực trong tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người. Năm 2016, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, và từ đó, thêm một lần nữa, việc học tập theo tấm gương đạo đức của Người đã được đẩy mạnh, lan tỏa sâu rộng trong toàn bộ đảng viên và quần chúng. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là những vấn đề cao xa, phức tạp, mà nó được thể hiện trong đời sống, trong công việc hàng ngày, hàng giờ tại công sở. Đó là sự tận tụy, trách nhiệm trong công việc; là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; là ý thức ham học hỏi, nghiên cứu, tư duy để nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc; là việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp; là sự khoa học, ngăn nắp, gọn gàng trong sắp xếp giải quyết công việc; là tinh thần tiên phong, gương mẫu, hăng hái trong các phong trào thi đua; là sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ để cùng nhau chung tay xây dựng thành công chung. |