Năng lực tài chính của các ngân hàng đang được củng cố
Tạo cơ chế mở cho NH nâng cao năng lực tài chính |
Tuy chỉ vừa kết thúc hoạt động ba quý đầu năm, song triển vọng kinh doanh của các ngân hàng là khá khả quan. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) công bố cho thấy 842% các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cả năm 2018 cải thiện hơn so với năm 2017. Dự kiến đến cuối năm 2018, hơn 83% TCTD hy vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017.
Chất lượng tài sản của các ngân hàng được cải thiện tích cực |
Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, ông này nhận thấy, dù tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại, song nhiều khả năng lợi nhuận của ngân hàng vẫn là gam màu sáng. Đặc biệt, cơ cấu nguồn thu của ngân hàng đã chuyển dịch tích cực. Các ngân hàng đang có sự tăng trưởng ở hoạt động dịch vụ, tăng thu nhập phí từ bán bảo hiểm, đầu tư chứng khoán. Điều này chắc chắn có đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận chung của toàn nhà băng. Cùng với đó, LS. TS. Bùi Quang Tín nhận thấy, việc nhà băng khẩn trương thúc đẩy việc thoái vốn, giảm sở hữu chéo, thanh lý tài sản ngoại bảng... cũng là nguyên do khiến cho kết quả kinh doanh có sự tăng trưởng.
Theo chuyên gia, nhìn tổng thể, không chỉ kết quả kinh doanh khởi sắc, hệ thống ngân hàng cũng cho thấy năng lực tài chính của các TCTD đang được củng cố. Số liệu được NHNN công bố, đến cuối tháng 5/2018, tổng tài sản hệ thống ngân hàng đạt trên 10,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,27% so với đầu năm.Tổng tài sản của nhóm các NHTMCP tăng 4,17% đạt gần 4,2 triệu tỷ. Tổng tài sản của các NH liên doanh, nước ngoài tăng 5,73%, đã chính thức vượt 1 triệu tỷ. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NHTM Nhà nước vẫn giữ nguyên mức hồi cuối năm 2017 tại 9,39%. CAR của nhóm Ngân hàng TMCP tiếp tục được cải thiện, nâng lên 11,34%.
Vốn điều lệ của các ngân hàng cũng tăng dần qua các năm. NHNN vừa qua đã có văn bản chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ của TPBank từ 6.718 tỷ đồng lên mức 8.566 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Đây là lần thứ 2 trong năm 2018, TPBank được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ.
Viet Capital Bank cũng đã được NHNN chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ từ 3 nghìn tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông ngân hàng này thông qua. ACB cũng đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 12.886 tỷ đồng, Vietbank lên mức trên 4.200 tỷ đồng... Không chỉ khối các NHTMCP, ở các NHTM Nhà nước, NHNN chấp thuận cho Vietcombank tăng vốn điều lệ lên 39.575 tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ các giải pháp đồng bộ, chất lượng tín dụng được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD giảm, cổ phiếu ngân hàng cũng vì thế mà có cơ hội tiếp tục tăng điểm.
Hệ thống ngân hàng thời gian qua cũng có được sự ghi nhận từ nhiều tổ chức quốc tế. Moody’s ngày 14/8 tiến hành nâng hạng một số đánh giá đối với 14 NHTM của Việt Nam. Moody’s cho biết việc nâng định hạng tín nhiệm này dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, với sự hậu thuẫn của việc sử dụng ngày càng có hiệu quả nguồn lao động và nguồn vốn trong nền kinh tế.
BIDV cũng vừa được Standard & Poors (S&P) thực hiện việc rà soát và công bố định hạng tín nhiệm định kỳ năm 2018 vào tháng 9/2018. Kết quả định hạng tín nhiệm của BIDV năm 2018 giữ nguyên như định hạng hiện tại, với Triển vọng chung ở mức Ổn định. Triển vọng “ổn định” phản ánh dự báo của S&P về việc BIDV sẽ tiếp tục duy trì vị thế mạnh, khả năng sinh lời khá, chất lượng tài sản cải thiện trong vòng 12-18 tháng tới.
Tại Hội nghị thường niên IMF và nhóm WB năm 2018 diễn ra tại Bali, Indonesia mới đây, Thống đốc NHTW Thái Lan Veerathai Santiprabhob và Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN đã có đánh giá cao Việt Nam vẫn duy trì dòng vốn vào ròng dương bất chấp xu hướng dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi. Hội nghị cho rằng đây là thành quả của nỗ lực duy trì nền tảng cơ bản vững chắc, cải thiện các điều kiện kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng khả quan.
Theo giới chuyên gia, đây là minh chứng rất rõ đối với việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động của NHNN đảm bảo kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, sự cố gắng của hệ thống các NHTM trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động.