Nâng tầm ngành muối thành mặt hàng chủ lực
Để nâng cao giá trị ngành muối Sẽ hạn chế nhập muối công nghiệp Nông nghiệp là thị trường trọng tâm, nông dân là người bạn đồng hành |
Do sản xuất theo phương pháp thủ công, quy mô phân tán theo hộ diêm dân dẫn đến năng suất, chất lượng muối thấp. |
Việt Nam là quốc gia có lợi thế để phát triển ngành sản xuất và chế biến muối do sở hữu bờ biển dài trên 3.200 km với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất muối. Tuy nhiên, hiện nay ngành sản xuất, chế biến muối gặp nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng chưa tổng thể, toàn diện, diện tích khai thác muối giảm trầm trọng, xuống cấp do không được quy hoạch, hệ thống quản lý còn nhiều hạn chế.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết ngành muối đang thu hẹp về quy mô và sản lượng, nguồn cung trong nước giảm từ xấp xỉ 1 triệu tấn năm 2019 xuống còn dưới 700.000 tấn năm 2022, diêm dân bỏ nghề do thu nhập thấp, các mặt hàng muối của Việt Nam chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
"Do việc sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, phương pháp sản xuất chủ yếu thủ công, quy mô phân tán theo hộ diêm dân dẫn đến năng suất, chất lượng muối thấp. Chất lượng và số lượng muối tại các đồng muối công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất, do vậy vẫn phải nhập khẩu muối công nghiệp. Dẫn tới, đời sống của những diêm dân vùng muối có thu nhập thấp và bấp bênh không ổn định", ông Thịnh cho hay.
Để thúc đẩy phát triển ngành muối, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 766/QĐ-BNN-KTHT ngày 24/02/2021 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng thí điểm Đề án nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành muối Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án được thực hiên trên địa bàn 8 tỉnh là Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu.
Theo TS. Ngô Kiều Oanh, người nông dân đang thiếu nhiều thông tin về kỹ thuật hay bối cảnh phát triển nghề muối trên thế giới. Người nông dân không có kỹ thuật, khó có thể đa dạng hóa sản phẩm muối như chế biến mỹ phẩm, dược liệu.
Ông Lục Mạnh Tùng (Công ty CP Đầu tư và Thương mại Agritech Việt Nam) cho rằng Việt Nam cần tối ưu hóa, định vị phân khúc thị trường muối thủ công sao cho độc lập và tách biệt với chuỗi sản xuất công nghiệp.
Theo Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hầu hết các khu vực có muối phần lớn là quy hoạch theo phương pháp thủ công và liên kết với doanh nghiệp.
"Để ngành muối được phát triển hơn cần bắt đầu từ đổi mới công nghệ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và giá bán sản phẩm theo chất lượng của công nghệ đó. Phải có những thực tế từ công nghệ và nâng cao giá trị sản phẩm để nghề muối phát triển và không mai một theo thời gian", ông Lê Quốc Thanh chia sẻ.
Việt Nam có thế mạnh đó là người dân chăm chỉ, cần cù và nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối có thể tạo ra nhiều sản phẩm muối phơi cát có nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe. Sản phẩm muối của Việt Nam đã chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.
Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm muối ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển và vươn xa hơn, tuy nhiên chúng ta cần có sự kết nối giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân để tạo thành một chuỗi giá trị gắn kết.
Ông Trần Thanh Nam đề xuất nâng tầm muối trở thành ngành hàng chủ lực, rà soát lại tiêu chí phân loại muối công nghiệp và muối thủ công. Bên cạnh đó, diêm dân và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, lan tỏa văn hóa làm muối thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa như festival, triển lãm và phát huy khả năng sản xuất muối thương mại.
Mục tiêu phát triển ngành muối Việt Nam năm 2025-2030 hiện đại ngang tầm các nước khu vực, trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế vùng miền, đa dạng các phương thức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối, thỏa mãn nhu cầu muối trong nước, từng bước thay thế lượng muối nhập khẩu (khoảng 400-600 ngàn tấn/năm) và tiến đến xuất khẩu muối, nhất là muối phục vụ tiêu dùng và công nghiệp thực phẩm.