Ngậm ngùi thị trường khách sạn
Để phục hồi phân khúc khách sạn du lịch | |
Khủng hoảng tiền mặt, chủ khách sạn xoay xở huy động vốn ngắn hạn |
Việc kinh doanh khách sạn tại TP. Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn |
Xây khách sạn để... bán!
Tại khu vực miền Trung, đặc biệt ở TP. Đà Nẵng, theo nhiều người, chưa có thời điểm nào việc sở hữu cho mình một khách sạn lại dễ dàng như lúc này. Bởi, trên thị trường hiện đang có rất nhiều người rao bán khách sạn với mức giá rất “hữu nghị”, đặc biệt ở các khu vực ven biển và chủ yếu là các khách sạn từ 1 đến 3 sao.
Để mua khách sạn, người mua chỉ cần lên các trang mạng chuyên buôn bán bất động sản sẽ dễ dàng tìm được hàng chục, thậm chí là hàng trăm các khách sạn tại Đà Nẵng đang được rao bán, chào mời. Thậm chí, có ông chủ còn phải bán khách sạn theo kiểu... hàng rong, khi dán tờ rơi quảng cáo lên cột điện, bờ tường... Nhiều người bán, khách sạn thì đủ vị trí, đủ kiểu cách. Mức giá được rao bán cũng khá “mềm” từ khoảng 30 đến 110 tỷ là các “thượng đế” đã có thể sở hữu một khách sạn hoành tráng tại thành phố đáng sống của Việt Nam.
Dạo một vòng thị trường, có khách sạn 3 sao nằm trên đường Dương Đình Nghệ, gần biển đang được rao bán 42 tỷ đồng. Ở gần đó, một khách sạn 3 sao khác nằm trên đường Hà Bổng có giá khoảng 60 tỷ đồng. Hay hoành tráng hơn chút, có khách sạn cao 12 tầng nằm trên đường Hồ Xuân Hương đang được người bán đưa ra giá gần 100 tỷ đồng...
Bên cạnh những khách sạn đã đi vào hoạt động được rao bán, trên một số tuyến đường những khu vực ven biển, một số khách sạn đang xây dựng dang dở cũng được rao bán. Nằm trên địa bàn phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà một khách sạn cao 8 tầng được khởi công xây dựng từ tháng 4/2019 xong đến nay vẫn còn ngổn ngang. Hiện, chủ khách sạn này cũng muốn bán lại công trình đang dở dang này cho những người có nhu cầu, chuyển nhượng sang lại...
Ông Đào Thanh T.- một tay “cò” môi giới mua bán khách sạn có tiếng ở Đà Nẵng đưa ra nhận xét, chưa bao giờ tại Đà Nẵng cùng lúc lại có nhiều người rao bán khách sạn nhiều đến như vậy. Các thương vụ mua bán khách sạn từ 1 đến 3 sao đang chiếm tới hơn 75% các giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng ở địa phương. Không chỉ có các khách sạn bình dân, trên thị trường còn có cả những khách sạn sang trọng 4 sao cũng đang được rao bán. Xong, xem ra để bán được hoàn toàn không phải là chuyện dễ dàng trong thời điểm hiện nay.
Hệ lụy của phát triển “nóng”
Chia sẻ nguyên nhân phải bán tháo khách sạn như hiện nay, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, đây là hiện tượng tất yếu khi các cá nhân, tổ chức kinh doanh gặp quá nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Nguồn khách không đủ. Khách sạn thì phải trả nợ, trả lương cho nhân viên. Nguồn khách dự kiến không đủ thì nhà đầu tư rút là bình thường...
Trên thực tế, tại TP. Đà Nẵng, để có thể hoạt động tạm trong thời điểm hiện nay, buộc các khách sạn từ 1 đến 3 sao cũng phải hạ giá phòng để cạnh tranh, và theo thực tế thị trường thì phải giảm xuống ở mức 250 đến 300 nghìn đồng/ngày/đêm mới mong cạnh tranh nổi với các anh lớn 4 đến 5 sao. Thế nhưng, thậm chí với mức giá này, các khách sạn vẫn bị lỗ, càng vận hành càng lâm vào khó khăn, khi thu không đủ chi với rất nhiều khoản như điện nước, lương nhân viên, khấu hao tài sản... Bởi vậy, những chủ đầu tư không đủ tiềm lực để vượt qua thời điểm này đành phải chấp nhận việc “bán tháo” với giá rẻ.
Theo số liệu từ Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, đến tháng 6/2020, trên địa bàn thành phố đang có khoảng 1.016 cơ sở lưu trú du lịch, với 42.206 phòng (tăng 196 cơ sở, với 4.774 phòng so với cùng kỳ năm 2019). Trong khi đó, tỷ lệ nghịch với số cơ sở lưu trú, thì lượng khách du lịch đến Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2020 lại giảm rõ rệt. Cụ thể, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,66 triệu lượt khách, giảm hơn 49% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 6.858 tỷ đồng, giảm hơn 26%; doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 485 tỷ đồng, giảm 56%...
Bởi vậy, theo nhiều người bên cạnh những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, thì nguyên nhân chính dẫn đến việc vỡ trận thị trường khách sạn ở Đà Nẵng như hiện nay do phát triển quá “nóng” trong thời gian qua. Trên thị trường chỉ trong một thời gian ngắn từ 2016 đến 2019 có rất nhiều khách sạn được xây dựng trên địa bàn. Có những tuyến đường khách sạn mọc lên ken dày, ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của người dân địa phương.
Quay trở lại với chuyện rao bán khách sạn, điều đáng nói dù có được rao bán với giá “sập sàn” đi chăng nữa thì người bán cũng không dễ dàng gì kiếm được người mua thực sự có thiện chí vào thời điểm này. Bởi vì, nếu lúc này đầu tư mua vào các khách sạn chỉ là số ít những chủ đầu tư thực sự vững mạnh về tiềm năng tài chính. Họ chấp nhận mua rồi để đó, bởi thừa biết kinh doanh du lịch, đặc biệt là khách sạn vào lúc này đang rất khó khăn, khó lòng có chuyện “lấy mỡ nó rán nó” ngay được. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 chưa được khống chế tại các nước trên thế giới, thì trên thị trường sẽ còn tiếp tục xuất hiện nhiều khách sạn được rao bán.
Được biết, để hỗ trợ cho các chủ khách sạn, thời gian qua Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng đã có những đề xuất, kiến nghị với các cơ quan ban, ngành Trung ương, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn từ các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng như thực hiện các giải pháp kích cầu, với mong muốn sớm thoát khỏi những khó khăn, điêu đứng như hiện nay.