Ngân hàng chuyển sàn
Ngày 5/10 tới đây là phiên giao dịch cuối cùng của cổ phiếu Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) trên Sàn GDCK Hà Nội (HNX) sau đó sẽ niêm yết trên sàn GDCK TP.HCM (HoSE). Theo SHB, việc chuyển sàn chứng khoán sẽ mở ra triển vọng lớn cho giá trị cổ phiếu, tăng sức hút giao dịch trên sàn cổ phiếu lớn nhất Việt Nam và nhằm đẩy mạnh hình ảnh thương hiệu ngân hàng tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Thực tế, SHB đã cùng ACB (mã ACB), VIB (mã VIB) và LienVietPostBank (mã LPB) lên kế hoạch chuyển sàn từ năm ngoái và sau đó lại có kế hoạch vào tháng 4 năm nay. SHB lý giải thời điểm này mới chuyển cổ phiếu về TP.HCM giao dịch sau khi hạ tầng HoSE đã được xử lý, tạo điều kiện giao dịch cổ phiếu của các cổ đông SHB được diễn ra thông suốt, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cổ đông.
Theo nhận định của giới chuyên môn, việc chuyển cổ phiếu từ sàn UPCoM, HNX về HoSE trước hết nhằm thực hiện Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở GDCK Việt Nam. Trong đó quy định Sở GDCK Hà Nội có nhiệm vụ tổ chức, vận hành thị trường GDCK phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật… Còn Sở GDCK TP.HCM tổ chức, vận hành thị trường giao dịch cổ phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật…
Thông tư 57/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định rõ chậm nhất đến hết ngày 30/6/2025, Sở GDCK TP.HCM thống nhất tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm niêm yết, thị trường giao dịch cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Lý do thứ hai của việc chuyển sàn là để khẳng định thương hiệu cũng như tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu bởi VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư. Chính vì vậy, việc chuyển sàn có thể làm tăng giá trị thị trường cổ phiếu và đem lại lợi ích cho các cổ đông tốt hơn.
Việc chuyển sàn được giới chuyên môn đánh giá cũng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các ngân hàng trong việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ khi mà cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng vẫn đang rất nóng nhằm đáp ứng chuẩn Basel II và sắp tới là Basel III. Chẳng hạn SHB lại vừa được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 19.260 tỷ đồng lên hơn 26.674 tỷ đồng dưới hình thức chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10,5% và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền 100:28, giá 12.500 đồng/cổ phiếu.
Hiện các cổ phiếu giao dịch trên HoSE đều mong muốn lọt rổ hàng loạt chỉ số VNM, ETF, VN30… để khẳng định sức mạnh doanh nghiệp có cổ phiếu thanh khoản cao, thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Nhìn chung các cổ phiếu ngân hàng chuyển về HoSE đều có những chuyển biến hết sức tích cực. Hiện cổ phiếu ACB đã lọt vào rổ chỉ số VN30 - gồm 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa và thanh khoản cao nhất thị trường. ACB vốn là ngân hàng có nền tảng quản trị bài bản và phù hợp với khẩu vị của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Các quỹ đầu tư Dragon Capital (VEIL), VinaCapital (VOF) thời gian qua đã chọn ACB nằm trong top 10 danh mục cổ phiếu và ACB chiếm tỷ trọng cao trong danh mục của VEIL tương đương 10,15% tài sản ròng và xếp thứ 3 trong cơ cấu với giá trị 236 triệu USD.
Hay như cổ phiếu VIB, đã có thời điểm giữa năm 2021 giá cổ phiếu lên đến 64.300 đồng/cổ phiếu, góp phần ngân hàng đứng thứ 18 trong nhóm các công ty có vốn hóa lớn nhất trên thị trường và đứng thứ 8 trong nhóm các ngân hàng có vốn hóa lớn, kể cả khi chưa thuộc danh mục rổ VN30.
Cổ phiếu LPB của LienvietPostbank cũng vậy, sau gần một năm đến sàn TP.HCM, giá cũng tăng 100% lên vùng 21.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đầu tháng 10/2021. Thậm chí có những thời điểm cổ phiếu LPB có mức tăng giá rất mạnh (26.200 đồng/cổ phiếu trong phiên 17/8).
Trong xu hướng chia cổ tức bằng cổ phiếu hai năm qua, quy mô vốn hóa thị trường của các ngân hàng sẽ càng ngày càng lớn, điển hình như VIB năm qua chia cổ phiếu thưởng 40% để nâng vốn điều lệ từ 11.094 tỷ đồng lên mức 15.531 tỷ đồng. ACB cũng có mức chia cổ tức 30% trong đó phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2020, tương đương tỷ lệ 25% để tăng vốn từ mức 21.615 tỷ đồng hiện nay lên hơn 27.000 tỷ đồng.
Đến nay các ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vẫn là những công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường và trong sân chơi đại chúng này chỉ có nhà đầu tư nước ngoài mới tiềm lực tài chính đủ lớn tham gia.