Ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thống kê cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, hàng năm đóng góp khoảng 50% vào GDP, 31% tổng số thu ngân sách… DNNVV cũng là một trong năm lĩnh vực ưu tiên trong chính sách tín dụng của ngành Ngân hàng. Do đó, cơ quan điều hành thường xuyên chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DNNVV với lãi suất hợp lý. Thực tế ghi nhận nc
Ngân hàng có nhiều sản phẩm, dịch vụ cho đối tượng DNNVV |
Đầu năm 2022, VietinBank đã cho ra mắt nền tảng số VietinBank eFAST mới dành cho doanh nghiệp. Vietcombank từ đầu tháng 4/2022 đã triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất hấp dẫn cho khách hàng cá nhân và DNNVV. Theo đó, khoản vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn có ưu đãi lãi suất chỉ từ 5,5%/năm (khoản vay dưới 6 tháng) và 6,1%/năm với khoản vay từ 6-9 tháng…
Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trước sự chứng kiến của Thủ tướng, HDBank và IFC đã ký biên bản ghi nhớ, hợp tác chiến lược, thúc đẩy hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tài trợ chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, HDBank xây dựng danh mục tài trợ chuỗi cung ứng 1 tỷ USD trong vòng ba năm tới, phát triển danh mục tài trợ chuỗi (SCF) hiện đang hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, kinh doanh nông sản, tiêu dùng nhanh, công nghiệp phụ trợ và phân phối tiêu thụ xăng dầu… Vào tháng 4/2022, HDBank cũng ký kết Thoả thuận khung tài trợ thương mại với IFC để tăng cường tài chính cho DNNVV tại Việt Nam.
Không chỉ cung ứng vốn, các ngân hàng còn triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ hữu ích để hỗ trợ DNNVV. Chẳng hạn OCB mới ra mắt giải pháp thanh toán số OCB ProPay giúp doanh nghiệp tiết kiệm tới 80% thời gian trong thực hiện kế toán báo cáo. Qua đó, việc kết nối dữ liệu hai chiều còn giúp doanh nghiệp quản lý tốt dòng tiền.
Hay như VPBank với sản phẩm “Chuyển tiền quốc tế online - TTR Online” đã tối ưu hoá toàn bộ quy trình phức tạp của giao dịch chuyển tiền quốc tế thông thường, theo đó, khách hàng DNNVV thêm lựa chọn trong giao dịch song vẫn bảo đảm an toàn trong bối cảnh các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu quốc tế ngày càng được đẩy mạnh. Lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết đang phối hợp với VNPT để đưa vào áp dụng chính sách miễn phí gói chữ ký số, hợp đồng điện tử, phê duyệt điện tử cho doanh nghiệp sử dụng TTR Online.
Sacombank cũng đã triển khai “Dịch vụ giao dịch qua email với chữ ký số” cho các doanh nghiệp đang giao dịch tại ngân hàng. SHB với chương trình “Bảo hiểm người đồng hành - Doanh nghiệp vạn sự thành” giảm thêm lãi suất vay 0,3%/năm cho doanh nghiệp tham gia, mức lãi vay sau giảm chỉ còn từ 5,55%/năm…
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Quốc An - Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Hạ Long - khách hàng của SHB chia sẻ, nhờ chương trình ưu đãi lãi suất kết hợp với bảo hiểm nhân thọ mà doanh nghiệp không những được hưởng lãi vay ưu đãi, mà cán bộ, nhân viên, khách hàng, đối tác chiến lược của công ty cũng được tặng bảo hiểm nhân thọ. Điều này đã giúp gia tăng giá trị phúc lợi cho nhân viên, gắn kết khách hàng và đối tác.
Giám đốc một doanh nghiệp thuỷ sản vay vốn của VietinBank cũng cho hay, sau thời gian gián đoạn vì dịch khiến chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, việc các ngân hàng gia tăng thêm các sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt cho khách hàng DNNVV, đặc biệt đẩy mạnh qua kênh số đã giúp cho các doanh nghiệp thật sự thuận tiện hơn rất nhiều trong vay vốn cũng như tiến hành giao dịch.
Một chuyên gia tài chính nhìn nhận, lâu nay vẫn có cái nhìn định kiến đối với DNNVV khi quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, trình độ quản trị kinh doanh bất cập và thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn. Chưa kể DNNVV chưa coi trọng việc cập nhật thông tin hoạt động, thường nộp báo cáo tài chính cho ngân hàng chậm, chưa có kiểm toán độc lập; thiếu tài sản bảo đảm… Chính điều này đã phần nào ảnh hưởng tới quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn tại ngân hàng. “Nhưng phải nói rằng thời gian gần đây, các ngân hàng đã mạnh dạn hơn trong việc rót vốn cho đối tượng doanh nghiệp này. Bởi DNNVV chiếm đa số, nếu đối tượng này không được quan tâm, hỗ trợ thì bản thân ngân hàng cũng mất đi một lượng khách hàng tiềm năng. Tiếp sức và đồng hành cùng DNNVV cũng là hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế đất nước”, vị này nhìn nhận.
Tuy nhiên để tăng khả năng tiếp cận vốn, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, bản thân các DNNVV cũng phải tự hoàn thiện mình, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ để nâng cao uy tín với các TCTD. Doanh nghiệp cũng nên lưu tâm và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm, để tạo điều kiện hơn cho các TCTD trong việc kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của mình trong quá trình vay vốn. “Các TCTD cũng nên phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho DNNVV, các sản phẩm mới như công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá để giúp doanh nghiệp chủ động hơn về vốn. Đồng thời đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hoá thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay”, TS. Hiếu gợi ý thêm giải pháp.