Ngân hàng hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng dịch nCoV
Giao dịch ngân hàng lưu ý với khẩu trang | |
Ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ nếu có rủi ro dịch bệnh |
Theo đó, để kịp thời hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, Thống đốc yêu cầu các TCTD cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP và chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020 về tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020.
Đồng thời chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo quy định pháp luật hiện hành.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, Thống đốc yêu cầu nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và theo dõi diễn biến dịch nCoV, ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo các TCTD rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Cùng với đó phối hợp với các sở, ban, ngành, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định.
Đánh giá cao động thái này của NHNN, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc chỉ đạo các TCTD có các giải pháp hỗ trợ cho DN, đặc biệt DN xuất nhập khẩu gặp phải khó khăn về thị trường do dịch nCoV là việc rất quan trọng ở thời điểm này. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý các ngân hàng cần có sự thẩm định chuẩn xác đối với những DN chịu tác động bởi dịch cúm nCoV để có thể đưa giải pháp phù hợp, tránh trường hợp có những đối tượng lợi dụng để được hưởng lợi dù không chịu tác động từ dịch bệnh.
TS.LS. Bùi Quang Tín cũng chung quan điểm khi cho rằng sự đồng hành, giúp sức của NHNN và các TCTD trong giai đoạn khó khăn sẽ khiến cho DN yên tâm hơn. Đặc biệt là với những DN xuất nhập khẩu, chắc chắn khi thị trường đầu ra/vào gặp khó khăn sẽ liên quan tới vướng mắc trong thanh toán nợ cho ngân hàng. Nếu được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc được miễn, giảm lãi vay sẽ giúp cho DN vượt qua được khó khăn hiện nay.
Về phía các TCTD cũng nhanh chóng vào cuộc theo chỉ đạo của NHNN. Đơn cử như ABBank đã dành ra ngân sách 4.000 tỷ đồng triển khai chương trình nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay dành cho khách hàng với nhiều lựa chọn linh hoạt… nhằm giúp tháo gỡ khó khăn về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho khách hàng.
Hay như HDBank, từ ngày 4/2/2020, các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu dược, thiết bị, vật tư y tế sẽ được ngân hàng miễn 100% mức phí thanh toán quốc tế theo biểu phí chuyển tiền quốc tế và tài trợ thương mại để nhập khẩu các mặt hàng dược và vật tư y tế nhằm góp phần đảm bảo việc cung ứng và bình ổn giá các mặt hàng phòng chống dịch nCoV.
Song song với đó, đại diện nhà băng này cũng thông tin, HDBank cũng giảm 50% phí giao dịch Tài khoản thanh toán nội địa so với quy định hiện hành và giảm 50% phí phát hành các loại bảo lãnh so với quy định hiện hành cho các doanh nghiệp cung cấp dược, thiết bị, vật tư y tế cho Bệnh viện/Sở y tế/Trung tâm y tế các cấp Trung ương, địa phương tới các địa bàn quận, huyện, xã…
Nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính cán bộ nhân viên và khách hàng tới giao dịch tại quầy, nhiều ngân hàng như Vietcombank, Agribank, Dong A Bank, ABBank, SHB… đã ra thông báo về việc cán bộ nhân viên được đeo khẩu trang khi giao dịch và khuyến nghị khách hàng mang khẩu trang khi vào khu giao dịch với ngân hàng. Các ngân hàng còn chủ động trang bị nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang y tế để phục vụ khách hàng khi đến giao dịch tại ngân hàng, đồng thời cử cán bộ hướng dẫn khách hàng khi đến giao dịch thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc ABBank: Đánh giá, rà soát rủi ro tín dụng Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, để hoạt động kinh doanh vẫn có thể tiếp diễn và cũng để thuận lợi, an toàn cho khách hàng, ABBank đã trao đổi, khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử online Banking, Mobile banking…, Dịch vụ nộp thuế điện tử, Dịch vụ nộp thuế hải quan điện tử 24/7, Dịch vụ giao dịch qua fax…; đồng thời giảm thiểu các giao dịch trực tiếp trong thời gian này nhằm hạn chế và phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Bên cạnh đó, ABBank cũng tiến hành rà soát lại danh mục tín dụng, đặc biệt là các DN có quan hệ thương mại với Trung Quốc để phối hợp, tư vấn kịp thời cho khách hàng. Ngân hàng cũng liên tục cập nhật mức độ ảnh hưởng, và có các ứng phó, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng. Về phía mình, ABBank cũng sẽđánh giá, rà soát các rủi ro tín dụng để có sự phòng tránh, đảm bảo an toàn tín dụng của ngân hàng. Đối với công tác hỗ trợ vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ABBank tiếp tục đẩy mạnh triển khai tìm kiếm các khách hàng mới, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh ngay từ đầu năm, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng, cũng như cung cấp vốn kịp thời cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Nên có chính sách hỗ trợ đồng bộ Đối với dịch nCoV, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhìn thấy rõ rệt khi xuất khẩu sang Trung Quốc bị tắc nghẽn; giá cả của những mặt hàng nông sản xuất khẩu cũng sụt giảm theo. Du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Qua đó ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I, thậm chí có thể kéo dài đến quý II. Song nếu chúng ta khoanh vùng và dập dịch hiệu quả, thì nhu cầu có thể bùng nổ trở lại. Bởi vậy, ngay từ bây giờ phải có giải pháp ổn định, tránh để tâm lý người dân, nhất là người làm nông nghiệp hoang mang, thậm chí hoảng loạn có thể dẫn tới hành động bộc phát như chặt phá cây xuất khẩu hay chuyển đổi sang cây, con khác... Việc NHNN đưa ra văn bản chỉ đạo các TCTD có các giải pháp hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh là vô cùng cần thiết và kịp thời trong thời điểm này. Chính vì thế, các NHTM cần phải nghiêm túc thực hiện yêu cầu của NHNN để hỗ trợ DN duy trì sản xuất kinh doanh trong dài hạn. Theo quan điểm của tôi, tốt nhất nên có chính sách đồng bộ đối với cả ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và ngân hàng - tài chính. Tất cả đều cần chung tay hành động, có thể xem xét giảm thuế, hay TCTD tiết giảm chi phí tài chính, cũng cần vận động bà con nông dân duy trì sản lượng hợp lý. Ngành Công thương một mặt cần có tác động kịp thời trong đàm phán để có thêm cơ hội mở rộng thị trường, mặt khác có động thái cụ thể thúc đẩy thị trường trong nước, có thể mua dự trữ nông phẩm… Nếu mọi việc được tiến hành đồng bộ từ các cấp, ngành, từ Trung ương tới địa phương trong cả nền kinh tế có thể giảm thiểu được tác động thiệt hại cho khu vực sản xuất, đặc biệt duy trì nguồn cung để có thể “bùng nổ” trở lại sau khi dập dịch. TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Giải pháp của ngành Ngân hàng rất có ý nghĩa Có thể thấy ngân hàng là một trong những bộ ngành chủ động đưa ra các giải pháp hỗ trợ khách hàng trước những diễn biến phức tạp của dịch nCoV. Rõ nét nhất là NHNN vừa kịp thời có văn bản chỉ đạo các TCTD chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đây là những giải pháp tích cực rất kịp thời có ý nghĩa nhằm chung tay giảm thiểu tác động bất lợi của dịch bệnh cho nền kinh tế. Có thể thấy, những tác động của dịch bệnh này gần như bao phủ tất cả các lĩnh vực cả trực tiếp và gián tiếp. Bởi vậy những giải pháp hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành, trong đó có ngành Ngân hàng là rất tích cực. Hiện tại, chưa biết điểm kết thúc của dịch bệnh này khi nào, quy mô tác động ra sao. Do vậy, tất cả các bộ ngành, địa phương đều phải lên các phương án, giải pháp cụ thể để ứng phó giảm thiểu tối đa thiệt hại lớn từ dịch bệnh này cũng như tác động đến tăng trưởng kinh tế. Nếu trong trường hợp xấu, một gói kích cầu như đã thực hiện trong năm 2009 là phương án có thể tính đến. Nếu không việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% là rất khó khăn. |