Ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ nếu có rủi ro dịch bệnh
Nông sản xuất khẩu hiện vẫn là lĩnh vực được các NHTM ưu tiên cho vay vốn và các dịch vụ ngoại tệ |
Trả lời Thời báo Ngân hàng, đại diện một số NHNN cấp tỉnh thành phố khu vực phía Nam, cho biết các NHTM tại địa bàn đã chủ động rà soát các khoản vay nợ liên quan đến lĩnh vực nông sản xuất khẩu để sẵn sàng có thông tin và thực hiện các giải pháp hỗ trợ theo quy định của Nghị định 55 và Nghị định 116.
Long An là một trong những địa phương hiện có nhiều DN xuất khẩu thanh long bị ảnh hưởng lớn nhất từ việc Trung Quốc ngưng thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc. Bà Lê Thị Mỹ Hiền - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Long An cho biết, mặc dù chưa có TCTD nào trên địa bàn báo cáo về trường hợp có khách hàng DN kiến nghị hỗ trợ do ảnh hường của dịch bệnh nCoV. Tuy nhiên, trong tuần này UBND tỉnh Long An và các sở, ngành tại địa phương cũng sẽ họp bàn, nắm bắt tình hình và ghi nhận các kiến nghị để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu. Vì thế NHNN chi nhánh tỉnh Long An cũng tổng hợp số liệu về cho vay chế biến xuất khẩu nông sản, lắng nghe ý kiến từ các DN và các sở, ngành để ghi nhận và xử lý hỗ trợ khách hàng kịp thời báo cáo UBND tỉnh và NHNN Việt Nam.
Ở các tỉnh thành khác như Tiền Giang, Đồng Nai, hiện nay ngoài việc chủ động rà soát kết quả cho vay đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản, các NHNN cấp tỉnh cũng đã khuyến nghị các TCTD tăng cường cho vay hỗ trợ các trang trại lớn tái đàn sau khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh tả heo châu Phi. Đồng thời khuyến khích tập trung cho vay vào các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm khép kín để hạn chế tối đa nguồn vốn tín dụng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch cúm H5N1 cũng vừa bùng phát trở lại trên gia cầm tại Trung Quốc vào những ngày đầu tháng 2 vừa qua.
Theo tổng hợp của Bộ NN&PTNT, tính đến tuần đầu tiên của tháng 2/2020, với việc Trung Quốc tạm thời ngừng thông quan tại tất cả các cửa khẩu nhằm kiểm soát lây lan dịch bệnh do virus nCoV, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo đó, hiện nay có khoảng hơn 3.500 tấn thanh long (trái tươi) của nhiều DN ở các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang đang bị ách tắc tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, chỉ còn cách chờ đợi đến ngày cửa khẩu hoạt động trở lại để thông quan.
Các DN xuất khẩu ngành chăn nuôi cũng như thủy sản cũng đang ngồi trên đống lửa. Khi mặt hàng sữa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc từ tháng 10/2019, nhưng đến nay chưa rõ thời gian nào có thể có đơn hàng đầu tiên được bán qua biên giới. Trong khi đó, hầu hết các DN thủy sản đều đã nhận được thông báo tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.
Bộ NN&PTNT cho rằng, Trung Quốc chiếm 26,9% tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam, việc tạm thời ngưng hoạt động thông quan ở các cửa khẩu sẽ khiến nhiều DN Việt Nam bị thiệt hại, thua lỗ do phát sinh chi phí lưu kho và hao hụt, hư hỏng hàng hóa.
Bộ NN&PTNT cho biết, nếu đến ngày 9/2 phía Trung Quốc vẫn chưa các DN xuất hàng qua các các cửa khẩu phụ ở khu vực Lạng Sơn thì sẽ có phương án đưa hàng về các cửa khẩu quốc tế để thông quan hỗ trợ giảm thiệt hại cho DN. Tuy nhiên, những thiệt hại trước mắt do điều kiện khách quan, các DN vẫn phải chủ động khắc phục bằng cách dự trữ, lưu kho, chấp nhận tăng chi phí để đảm bảo an toàn khống chế lây lan dịch bệnh.
Trong một diễn biến khác, đầu tuần qua Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp khẩn ghi nhận tình hình và triển khai các giải pháp hỗ trợ DN xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm trong bối cảnh đường biên giới Việt – Trung tạm thời gián đoạn. Từ 15-22/2 đoàn của Bộ Công thương sẽ cùng các DN xuất khẩu tham gia xúc tiến tại các thị Trung Đông và Hoa Kỳ để giảm tải áp lực tiêu thụ cho DN khi thị trường Trung Quốc gặp khó khăn.
Bộ này và Bộ NNPTNT cũng sẽ làm việc trực tiếp với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thu xếp các chuyến công tác của chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam trong quý I và quý II nhằm tháo gỡ khó khăn cho phía DN xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam vào Trung Quốc. Nếu dịch kéo dài, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, DN các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn trong nước và khuyến khích các DN đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.