Ngân hàng hợp sức phát triển công nghiệp hỗ trợ
Tăng cường kết nối các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các nhà đầu tư FDI Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ |
Tăng hạn mức cho vay lãi suất thấp
Nhằm triển khai cụ thể hóa những cơ chế, chính sách đặc thù theo tinh thần Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, từ đầu tháng 8/2023, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành chính thức khởi động nhiều chương trình hành động và hoàn thiện để triển khai cơ chế chính sách mới.
Một trong những chính sách được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhất là việc TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chương trình cho vay kích cầu đầu tư; Đồng thời HĐND thành phố sẽ ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2023-2027. Lãnh đạo Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) cho biết, hiện HFIC đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo chương trình cho vay kích cầu đầu tư. Dự kiến trong kỳ họp tháng 9 tới đây Công ty sẽ trình HĐND thành phố lấy ý kiến thống nhất để ban hành. Theo tờ trình, hạn mức vay vốn ưu đãi lãi suất tối đa với doanh nghiệp được nâng từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng; mức hỗ trợ lãi suất linh hoạt từ 50-100%/phương án sản xuất kinh doanh; thời gian hỗ trợ lãi suất kéo dài từ 5-7 năm.
Thực tế, chương trình cho vay kích cầu đầu tư đã được thành phố triển khai trong suốt giai đoạn 2015-2020. Trong các năm đó, có khoảng 280 dự án của doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi với tổng vốn được ngân sách hỗ trợ lãi suất là hơn 11.200 tỷ đồng. Riêng đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã có khoảng hơn 30 dự án tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi với tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 1.300 tỷ đồng.
Nhiều chính sách ưu đãi tín dụng đang được các ngân hàng tập trung cho nhóm doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ |
Đại diện Sở Công Thương thành phố cho biết, chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các năm tới sẽ được TP. Hồ Chí Minh xây dựng theo hướng ưu tiên hỗ trợ theo chiều sâu. Trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, bao gồm: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, thiết bị điện, chế biến thực phẩm, đồ uống, hàng điện tử - công nghệ thông tin, sản phẩm từ cao su - nhựa, dệt may, da giày. Mức vốn vay dự kiến được hỗ trợ lãi suất trong giai đoạn 2023-2027 sẽ khoảng dưới 85% đối với phần vốn đầu tư thiết bị, công nghệ và các phần mềm chuyên dùng.
Ở quy mô cả nước, đến giữa tháng 8 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã có đề xuất quan trọng liên quan đến ưu đãi lãi suất đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, tờ trình về việc sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ được bộ này đề xuất là ngân sách Trung ương hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống NHTM đối với các khoản vay trung và dài hạn của doanh nghiệp. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất là 3%/năm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm, và thực hiện từ nay thực hiện đến hết năm 2030.
Ngân hàng hợp sức cùng thành phố
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong 5 nhóm ngành ưu tiên của Chính phủ trong phát triển của nền kinh tế. Theo đó, NHNN đã ban hành nhiều chính sách và chỉ đạo các TCTD đảm bảo bố trí vốn cho các lĩnh vực ưu tiên (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) với lãi suất thấp hơn các lĩnh vực khác. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với nhóm lĩnh vực này được NHNN công bố theo từng giai đoạn. Hiện nay lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực kinh tế chỉ là 4%/năm.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên thời gian vừa qua luôn được xem là mục tiêu trọng tâm của hệ thống TCTD. Tính đến cuối tháng 7/2023, các ngân hàng trên địa bàn đã giải ngân cho vay khoảng trên 2.100 tỷ đồng cho nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Tín dụng ngân hàng dành cho nhóm lĩnh vực ưu tiên ở các tỉnh, thành phố khác cũng được đầu tư đáng kể. Đại diện VietinBank chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, ngân hàng này đang triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất 15.000 tỷ đồng dành cho nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp hơn mức chung của thị trường và đang có tốc độ tăng trưởng khá. Theo số liệu thống kê của các TCTD tỉnh Đồng Tháp đến cuối tháng 8/2023 dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (trong đó có công nghiệp hỗ trợ) là khoảng 80.600 tỷ đồng. Trong khi tại Bình Thuận dư nợ cho vay các nhóm lĩnh vực ưu tiên chiếm tới trên 70% tổng dư nợ. Các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng đã vay khoảng 15.000 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất trong 7 tháng đầu năm.
Những diễn biến trên cho thấy, nguồn cung tín dụng ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ tiếp tục mở rộng và dồi dào hơn. Các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đầu tư, kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa, ngoài việc có thể tiếp cận khoản vay ưu đãi theo chương trình tín dụng dành cho 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên sẽ có thêm nhiều lựa chọn để tiếp cận vốn vay lãi suất thấp từ các chương trình kích cầu đầu tư của một số địa phương, hay vay vốn theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và các gói tín dụng ưu đãi đặc thù của các TCTD.