Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Lâm Đồng: Vượt khó, hoàn thành tốt vai trò
Với những tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước từ dịch bệnh Covid-19, năm 2020, hoạt động của Ngân hàng Hợp tác (NHHT) chi nhánh Lâm Đồng không tránh khỏi những ảnh hưởng lớn. Việc sử dụng vốn chiếm tỷ trọng thấp, chỉ chiếm 32% trong tổng nguồn vốn, tăng trưởng tín dụng âm trong khi đó nguồn vốn huy động tăng trưởng quá nhanh, gấp gần 2 lần số dư đầu năm, chênh lệch lãi suất ngày càng rút ngắn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên với sự linh hoạt, nhanh nhạy trong việc điều hành hoạt động kinh doanh, NHHT Chi nhánh Lâm Đồng đã luôn đáp ứng tốt và kịp thời nhu cầu vay vốn của các QTDND và khách hàng doanh nghiệp, cá nhân; đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu tài chính được giao.
Ảnh minh họa |
“Tiền gửi điều hòa của các QTDND liên tục tăng cao qua các tháng và đạt đỉnh cao nhất là 1.406 tỷ đồng, tăng 97,3% so với đầu năm là do giai đoạn sau Tết Nguyên đán, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn thế giới và ở Việt Nam đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến nền kinh tế đất nước, đến hoạt động sản xuất kinh doanh nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư, nguồn vốn nhàn rỗi nhiều. Các QTDND có điều kiện tăng mạnh nguồn vốn huy động và các Quỹ thừa vốn đã liên tục giảm dư nợ tại chi nhánh, đồng thời gia tăng gửi điều hòa vốn về NHHT”, Giám đốc NHHT chi nhánh Lâm Đồng phân tích. Bối cảnh đó càng làm nổi bật những hỗ trợ của NHHT chi nhánh Lâm Đồng trong việc thực hiện vai trò đầu mối liên kết hệ thống từ việc làm tốt công tác điều hoà vốn cho các QTDND.
Trong khi huy động tăng đột biến với tổng nguồn vốn đến 31/12/2020 đạt 1.642,268 tỷ đồng, tăng 639,090 tỷ đồng (+63,7%) so với đầu năm thì dư nợ lại sụt giảm mạnh. Thành viên vay vốn trả nợ nhiều nhưng không tăng trưởng tín dụng được nên các QTDND đã liên tục giảm dư nợ vay tại NHHT, cùng với đó là chuyển trả nguồn vốn dự án AFD. Tính đến cuối năm 2020, nợ vay với tốc độ giảm 73% so với đầu năm, số dư giảm đều qua các tháng, đỉnh điểm vào tháng 11/2020 mức giảm là nhiều nhất với tốc độ giảm đến 74,5% so với đầu năm. Tỷ trọng dư nợ cho vay trong hệ thống QTDND chỉ còn chiếm 28,4% trong tổng dư nợ cho vay, đây là mức thấp nhất trong các năm qua. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vai trò hỗ trợ cho hệ thống về vốn suy giảm. Điều này có thể nhìn qua doanh số cho vay hệ thống QTDND trong năm lên tới 1.260,473 tỷ đồng, doanh số thu nợ 1.284,976 tỷ đồng, dư nợ đạt 537,848 triệu đồng, chiếm 57%/tổng dư nợ, giảm 24.503 triệu đồng so với đầu năm (-4,36%). Số bình quân năm 2019 là 516.603 triệu đồng, bằng 97,5% so với kế hoạch, thậm chí tăng 38.032 triệu đồng (+7,95%) so với bình quân năm 2018. Không có nợ xấu.
Cùng với đó, NHHT chi nhánh Lâm Đồng cũng đã thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát từ xa các QTDND thông qua Hệ thống thông tin quản lý QTDND (CF-emis) và PMRS của NHHT. Trong năm, chi nhánh đã kiểm tra được 21 QTDND với 14 lượt kiểm tra chuyên sâu về công tác tín dụng theo kế hoạch kiểm tra của chi nhánh và 76 lượt kiểm tra sử dụng vốn vay sau giải ngân theo công văn 2035/CV-NHHT. Qua kiểm tra các QTDND đều sử dụng vốn vay đúng mục đích. Ngoài ra còn phối hợp với phòng KTNB kiểm tra chuyên đề về tài sản đảm bảo của các món vay hợp vốn tại các QTDND.
Bên cạnh hoạt động tín dụng, điều hòa vốn, chi nhánh đã làm tốt vai trò là trung tâm thanh toán chuyển tiền CF-eBank của 24/25 QTDND trên địa bàn, hoạt động thanh toán chuyển tiền của các QTDND ngày càng đi vào nề nếp, khối lượng xử lý lệnh đi đến lớn nhưng ít xảy ra sai sót và đặc biệt chưa xảy ra sai sót dẫn đến việc thiếu, mất tiền qua đó đã góp phần nâng cao vị thế của các QTDND, tạo điều kiện cho thành viên QTDND được sử dụng dịch vụ chuyển tiền nhanh chóng và góp phần giúp chi nhánh phục vụ tốt hơn khách hàng chuyển tiền của chi nhánh. Trong năm, thanh toán chuyển tiền nội bộ đạt 27.958 triệu đồng, chiếm 1,7%/tổng sử dụng vốn. Doanh số phát sinh lệnh chuyển đi: 2.447.856 triệu đồng với 35.559 món, doanh số phát sinh lệnh chuyển đến 2.249.961 triệu đồng với 7.209 món.
Cùng với đó, chi nhánh cũng tiếp tục cho vay phát triển sản xuất, làm kinh tế phụ gia đình; đẩy mạnh cho vay có đảm bảo bằng tài sản phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn, cho vay dự án tái canh cây cà phê VnSAT, cho vay hợp vốn với QTDND… Hiện tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 511.040 triệu đồng, chiếm 31,1%/tổng sử dụng vốn, giảm 432.650 triệu đồng so với đầu năm (-45,9%). Nợ xấu chiếm 0,12%/tổng dư nợ, giảm 123 triệu đồng (-17,2%) so với đầu năm.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của đất nước. Dự báo tình hình kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… sẽ tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta. “Tuy nhiên, để chung tay cùng Chính phủ và địa phương thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phát huy vai trò là ngân hàng của các QTDND, trong năm 2021, chi nhánh sẽ tiếp tục phát triển kinh doanh an toàn và hiệu quả, mở rộng quan hệ tín dụng với các thành phần kinh tế ngoài hệ thống QTDND, nâng cao vị thế, uy tín của bản thân chi nhánh cũng như toàn hệ thống QTDND trên địa bàn hoạt động; Đẩy mạnh công tác huy động vốn tại chỗ với chỉ tiêu phấn đấu đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu vốn đầu tư của chi nhánh; Đẩy mạnh công tác cho vay trong và ngoài hệ thống QTDND đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu dư nợ bình quân năm 2021 đạt 755 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với bình quân năm 2020, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%/tổng dư nợ”, Giám đốc chi nhánh cho biết.