Ngân hàng nào chia cổ tức tiền mặt?
Đơn cử, Hội đồng quản trị VIB đã thông qua phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% - tương đương với số tiền khoảng hơn 2.108 tỷ đồng và thời gian chi trả số cổ tức này dự kiến diễn ra vào đầu tháng 3/2023. Trong ba năm gần nhất, VIB đã chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 20% (năm 2020), 40% (năm 2021), 35% (năm 2022); đó là chưa kể ngân hàng này còn chia cổ phiếu thưởng cho cán bổ chủ chốt và ban điều hành nhằm giữ nhân sự cao cấp.
Kết quả kinh doanh của VIB trong năm 2022 là rất tích cực với ROE (lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu) đạt trên 30%. Có được kết quả trên, bên cạnh hoạt động tín dụng, ngân hàng đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là trên kênh số. Chẳng hạn nhóm khách hàng mới đăng ký qua kênh số của ngân hàng này trong năm qua đạt hơn 40% trên tổng khách hàng, từ đó số lượng và giá trị giao dịch phân phối sản phẩm qua kênh số cũng tăng gấp đôi so với năm trước đó.
TPBank cũng đã lấy ý kiến cổ đông về phương thức chia cổ tức bằng tiền mặt 25% lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế của ngân hàng trong năm 2021 (sau khi đã trích lập các qũy theo quy định). Việc chia cổ tức bằng tiền mặt của ngân hàng này nếu được cổ đông thông qua sẽ thực hiện chi trả trong quý đầu năm 2023. Số liệu thống kê cho hay, TPBank có 1,58 tỷ cổ phiếu lưu hành, với tỷ lệ chia trả bằng tiền mặt 25% ngân hàng sẽ dành ra 4.000 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông trong dịp này. TPBank cũng là ngân hàng có hiệu quả kinh doanh cao trong thời gian qua nhờ hoạt động số hóa ngân hàng. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, sau khi Covid-19 bùng phát đã có tới hơn 80% giao dịch của ngân hàng này được thực hiện số hóa. Việc số hóa giúp những ngân hàng ra đời muộn như TPBank nhanh chóng tiếp cận khách hàng với chi phí thấp.
Cùng với các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc chia bằng cả cổ phiếu và tiền mặt, một số ngân hàng sau nhiều năm không chia cổ tức, năm nay cũng đã thông báo chia cổ tức bằng cổ phiếu. Chẳng hạn, Eximbank thông báo chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng (lần gần nhất chia cổ tức là năm 2014). Với số lượng hơn 1,229 tỷ cổ phiếu ngân hàng này sẽ có thêm khoảng hơn 245,9 triệu cổ phiếu được phát hành trong đợt này. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu Eximbank sẽ có vốn điều lệ mới lên 14.814 tỷ đồng. Sacombank năm 2023 cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu.
Thành viên Hội đồng quản trị một NHTMCP tại TP.HCM cho biết, trong ba năm qua ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên việc chia cổ tức bằng cổ phiếu khiến ngân hàng gặp rất nhiều áp lực từ phía cổ đông. Do đó, năm nay ngân hàng bắt đầu trở lại chia cổ tức tiền mặt khi các chỉ số kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng tốt hơn những năm trước. Vị này cũng cho rằng, việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong giai đoạn hiện nay như một giải pháp bù đắp cho nhà đầu tư sau một năm 2022 thị trường chứng khoán có nhiều biến động.
Theo một lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), định hướng hoạt động của các TCTD năm 2023 là tiếp tục khuyến khích trả cổ bằng cổ phiếu. Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN năm 2023, Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD: Xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2023 bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN; Chỉ đạo toàn hệ thống triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.