Ngân hàng tăng cường phòng ngừa rủi ro
Chủ động phòng ngừa rủi ro rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa Tăng cường phòng tuyến kiểm soát nội bộ, quản lý, giám sát chặt ngăn ngừa các rủi ro |
Ông nhận định thế nào về tình hình nợ xấu của các nhà băng hiện nay?
Nợ xấu của các ngân hàng có chiều hướng gia tăng từ đầu năm đến nay là một điều đã nằm trong dự đoán. Vì sau hai năm đại dịch Covid-19, nền kinh tế lại gặp nhiều khó khăn do những biến động cả trong và ngoài nước tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, “sức khoẻ” đi xuống cũng đồng nghĩa với việc suy giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn.
Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng là 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.
Con số này dự báo có thể sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hết hạn.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế cũng chưa thực sự có những khởi sắc rõ nét, dự báo doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có xu hướng tăng trong thời gian tới. Đó cũng là, trong những quý gần đây, các nhà băng đang cố gắng tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu để có thêm nguồn xử lý nợ xấu trong tương lai.
Việc tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu sẽ tác động thế nào tới hoạt động của các nhà băng, thưa ông?
Cần khẳng định rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu là điều cần thiết và nó càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều diễn biến khó đoán định. Trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro là một trong những nguyên tắc đảm bảo an toàn cho các ngân hàng. Tuy rằng sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số lợi nhuận nhưng chính “bộ đệm” vững chãi này sẽ giúp các nhà băng có thể chủ động trong việc xử lý các rủi ro có thể xảy đến.
Tôi tin rằng trong thời gian tới, chi phí trích lập dự phòng nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng, do các ngân hàng thường mạnh tay “xử” nợ xấu vào quý cuối năm nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới ngưỡng 3%. Một số ngân hàng có chính sách cẩn trọng hơn khi trích lập dự phòng đầy đủ cả khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN.
Cùng với sự chủ động từ ngân hàng, cũng cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý và các bên liên quan trong việc xử lý các khoản nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các nhà băng đang mong chờ khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu sớm hoàn thiện để việc xử lý dễ dàng hơn.
Vậy theo ông, cần có những biện pháp gì để hỗ trợ các nhà băng trong việc xử lý nợ xấu?
Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD được ví như “cây gậy” để TCTD thực thi quyền đòi nợ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù nắm trong tay “cây gậy” này nhưng việc đòi nợ không dễ dàng. Sau nhiều năm thực thi, các quy định tại Nghị quyết 42 đã bộc lộ nhiều hạn chế và cần được sửa đổi để có thể hỗ trợ tốt hơn trong việc xử lý nợ xấu của các nhà băng. Trước thực tế trên, NHNN vừa trình Quốc hội Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), trong đó dành một chương quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Theo đó, đã luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu. Theo tôi, cần nhanh chóng thông qua Luật Các TCTD (sửa đổi) để không tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay.
Bên cạnh đó, phải phát triển thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam một cách minh bạch. Hiện việc mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường cũng còn tồn tại hạn chế nhất định, đặc biệt là về nguồn lực. Vì vậy, cơ chế cần thông thoáng hơn để có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến thị trường mua bán nợ.
Xin cảm ơn ông!