Ngân hàng tăng thu từ bán chéo bảo hiểm
Bảo hiểm đua nhau hợp tác với ngân hàng | |
Nhà băng đào tạo nhân sự bảo hiểm | |
Bancassurance ngày càng “hot” |
Cứu cánh cả bảo hiểm và nhà băng
Trong một bản khảo sát 20 công ty bảo hiểm vừa được Vietnam Report công bố mới đây, có tới 70,6% số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia khảo sát cho rằng, đại dịch Covid-19 cải thiện về nhận thức của người dân về bảo hiểm. Đặc biệt từ cuối năm ngoái đến nay, một lượng lớn khách hàng đã chuyển sang sử dụng kênh kỹ thuật số phân phối dịch vụ bảo hiểm, đứng ví trí thứ hai là kênh kênh phân phối bảo hiểm qua các ngân hàng.
Doanh thu kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đến nay đã xấp xỉ bằng doanh thu từ kênh đại lý của các công ty bảo hiểm, với mức tăng trưởng gần bằng kênh dịch vụ kỹ thuật số (66,7% so với 69,2%). Điều này chứng tỏ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng hiện đang là “cứu tinh” cho cả các doanh nghiệp bảo hiểm và là nguồn thu của nhiều NHTM.
Ảnh minh họa |
Thực tế này phản ánh rõ ở nhóm NHTM có hoạt động hợp tác phân phối bảo hiểm phát triển mạnh như: Vietcombank, VietinBank, ACB, Techcombank, MSB, HDBank, SCB… bởi trong 6 tháng vừa qua, doanh thu từ dịch vụ ở nhiều ngân hàng có sự đóng góp lớn từ hoa hồng và phí phân phối bảo hiểm.
Vietcombank có hợp đồng hơn 1 tỷ USD với hãng bảo hiểm FWD, ước tính trong năm nay và các năm sau, khoản hoa hồng từ bán bảo hiểm sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng. Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng nhận định, khoản phí độc quyền từ hợp đồng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng này (400 triệu USD phân phối trong 5 năm) sẽ được Vietcombank ghi nhận ngay trong năm nay để giúp bù đắp lại sự sụt giảm trong tăng trưởng thu nhập lãi thuần do ảnh hưởng của Covid-19.
Hay như báo cáo 6 tháng đầu năm nay của SCB cho thấy, trong tổng số hơn 1.300 tỷ đồng thu nhập từ dịch vụ thì doanh số bảo hiểm đã gần 1.000 tỷ đồng. Còn tại Techcombank, trong quý 2 vừa qua, nhà băng này đã gia hạn hợp đồng bancassurance với Manulife Việt Nam và thu về một khoản phí khoảng 6.900 tỷ đồng.
Doanh thu từ mảng kinh doanh này của các ngân hàng khác cũng không thua kém là bao. Chẳng hạn như thu nhập từ mảng dịch vụ này của MSB trong 2 quý đầu năm tăng thêm 500 tỷ đồng từ phí trả trước của Prudential. HDBank cũng cho rằng trong năm nay doanh thu phí từ bảo hiểm sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng và là một trong những trụ cột trong mảng dịch vụ đóng góp lớn vào lợi nhuận của ngân hàng cả năm…
Cạnh tranh ngày càng sôi động
Giới chuyên môn cũng cho rằng, dịch bệnh đã làm tăng số người tham gia bảo hiểm và gia tăng tiếp cận qua kênh phân phối lồng ghép vào các sản phẩm dịch vụ tài chính số do niềm tin vào ngân hàng. Điều này sẽ thúc đẩy các hợp tác độc quyền, toàn diện giữa các ngân hàng và các công ty bảo hiểm để khai thác hệ sinh thái khách hàng khép kín.
Hiện các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm đều kỳ vọng vào các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm khoản vay. Theo BIC việc hợp tác với BIDV đã góp phần chia sẻ rủi ro với hơn 2.000 gia đình trên toàn quốc trong các tháng vừa qua. Tốc độ tăng trưởng kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng của doanh nghiệp được ghi nhận tăng gần 70% trong năm qua. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác như PJICO, PTI, MIC cũng kỳ vọng mức doanh thu kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng năm nay lần lượt ở mức 217 tỷ đồng, 1.300 tỷ đồng và 850 tỷ đồng.
Theo đại diện ngân hàng giá trị các hợp đồng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng ngày càng tăng cao. Nếu những năm trước đây giá trị hợp đồng phân phối độc quyền qua ngân hàng chỉ trên dưới 150 triệu cho 15 năm. Thì gần đây đã có những giá trị hợp đồng 400 triệu USD (Vietcombank), ACB cũng ký hợp đồng 370 triệu USD, dự báo xu hướng dịch vụ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng sẽ tiếp tục tăng.
Theo đánh giá của FiinGroup, hàng loạt các ngân hàng sẽ tái đàm phán các thương vụ phân phối bảo hiểm độc quyền trong các tháng tới, từ đó sẽ xuất hiện nhiều hơn các ngân hàng có thu nhập cao từ dịch vụ bảo hiểm như các khoản phí ứng trước góp thêm vào cải thiện lợi nhuận ngân hàng. Trong số các ngân hàng có thu nhập từ bán chéo bảo hiểm chiếm tỷ trọng cao, FiinGroup đánh giá sẽ có những ngân hàng bứt phá.