Bancassurance ngày càng “hot”
AIA phát triển tốt hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng | |
SHB và PVI hợp tác chiến lược toàn diện | |
BIDV MetLife hướng tới vị trí dẫn đầu trong ngành bancassurance |
Thị trường bảo hiểm càng gần về cuối năm 2018 càng tiếp tục “nóng” hơn bởi cuộc đua mở rộng kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Ở các thị trường châu Á như Thái Lan, Indonesia, Singapore và Hồng Kông, đóng góp của Bancassurance dao động từ 30 - 50% tổng doanh thu ngành bảo hiểm. Còn tại Việt Nam, doanh thu từ hoạt động bancassurance đã tăng từ 1% năm 2013 lên tới mức ước tính khoảng 10% vào năm 2017.
Techcombank đang được đánh giá là ngân hàng dẫn đầu thị trường về phân phối bancassurance, chiếm 26 - 30% thị trường |
Tại Việt Nam, bancassurance đang được các công ty bảo hiểm cũng như ngân hàng ngày càng chú trọng phát triển vì nhiều lý do. Hoạt động kinh doanh tiền tệ của ngân hàng cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi bản chất của bảo hiểm là việc chia sẻ rủi ro. Gia tăng dịch vụ bảo hiểm không những là nguồn thu nhiều hứa hẹn cho phía ngân hàng, mà thêm vào đó, đây còn là kênh để ngân hàng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình. Với các DN bảo hiểm, việc làm này giúp cho họ không chỉ khai thác được lượng khách hàng đông đảo của các nhà băng, mà còn có thể sàng lọc khách hàng chất lượng. Chưa kể, DN bảo hiểm còn tận dụng được nguồn lực, cơ sở vật chất sẵn có từ phía ngân hàng, chi phí bán bảo hiểm qua ngân hàng sẽ giảm hơn rất nhiều so với kênh phân phối truyền thống.
Hiện Techcombank được đánh giá là ngân hàng dẫn đầu thị trường về phân phối bancassurance, chiếm 26 - 30% thị trường trên kênh phân phối này. Techcombank và Manulife Việt Nam hiện đã chính thức ký kết thoả thuận hợp tác bảo hiểm kéo dài 15 năm cho phép Manulife Việt Nam cung cấp các giải pháp bảo hiểm nhân thọ tới tất cả khách hàng của ngân hàng này. Năm 2018 cũng đánh dấu kỷ niệm 3 năm sự hợp tác giữa Manulife và SCB. Sau 3 năm, Manulife và SCB đã giúp tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm của bancassurance tăng hơn 100% so với kế hoạch đề ra.
Tương tự, vừa qua, SHB đã ký hợp tác chiến lược toàn diện với Tổng công ty Bảo hiểm PVI. Đầu tháng 12/2018, NCB và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prévoir Việt Nam cũng chính thức ký hợp đồng hợp tác độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Prévoir Việt Nam qua hệ thống NCB với thời hạn 15 năm. Hay thay vì hợp tác với đối tác phân phối bảo hiểm, MB lựa chọn liên kết với bảo hiểm nhân thọ của chính ngân hàng này. 3 quý đầu năm 2018, việc đẩy mạnh hoạt động của Công ty bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life giúp MB tăng thu nhập từ bảo hiểm 220,6% so với cùng kỳ...
“Việc hợp tác toàn diện giữa ngân hàng và DN bảo hiểm sẽ mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả cho hai bên. Đây cũng là nền tảng để tạo bước mở đầu cho những kế hoạch, chương trình hợp tác lâu dài giữa ngân hàng và DN bảo hiểm trong tương lai để mang lại chất lượng dịch vụ, sản phẩm tốt và tiện ích nhất cho khách hàng”, lãnh đạo một NHTM chia sẻ.
Trong thời gian tới, chuyên gia nhận định xu hướng phát triển kênh liên kết với ngân hàng và các đối tác nhằm bán chéo sản phẩm bảo hiểm sẽ ngày càng nóng hơn. Bảo hiểm hiện đang là miền đất còn khá nhiều tiềm năng có thể khai thác tại thị trường Việt Nam. Song vị chuyên gia này cũng chia sẻ thêm, loại hình bảo hiểm nhân thọ được tăng cường nhưng so với thế giới, số lượng người Việt Nam có bảo hiểm nhân thọ vẫn còn khá khiêm tốn.
Mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam dù đã được cải thiện trong nhiều năm trở lại đây, nhưng thực tế còn khá thấp nên họ thường dành tiền cho nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống hiện tại nhiều hơn. Bởi thế, “bảo hiểm nhân thọ dù có nhiều tiềm năng nhưng để khai triển được vượt trội cũng cần phải có thời gian, quan trọng là thu nhập trung bình của người Việt phải tăng lên mức khoảng 5.000 USD/năm”, chuyên gia nêu ý kiến.
Thêm nữa, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, triển khai bancassurancecần phải được thiết lập dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Đây là thách thức đối với cả ngân hàng và DN bảo hiểm, vì không phải đơn vị nào cũng có đủ nguồn lực để đáp ứng được. Đó là chưa kể một số sản phẩm bảo hiểm của các công ty bảo hiểm có hình thức tương tự với các sản phẩm của ngân hàng… Do đó, để phát triển bancassurance thành công và nhân rộng mô hình này cần tích hợp nhiều yếu tố. Quan trọng có lẽ vẫn nằm ở tư duy, chiến lược và định hướng phát triển bancassurance của ngân hàng và DN bảo hiểm.
Muốn bắt tay hiệu quả, theo chuyên gia, hai bên cần tìm ra tiếng nói chung trong việc xây dựng mô hình hợp tác cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị cũng như thị trường. Để có được một chiến lược phát huy lợi thế của hai bên, đi cùng với đó là đòi hỏi chuyên nghiệp hoá hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, nguồn nhân lực, lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của ngân hàng và khách hàng đến đào tạo kỹ năng, năng lực tư vấn, bán hàng…