Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hệ sinh thái số
Hạ tầng chung Ngân hàng mở - kết nối và phát triển hệ sinh thái số Phát triển hệ sinh thái số hướng tới ngân hàng mở |
Phát triển hệ sinh thái số đa dạng
Nhiều TCTD tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Theo ghi nhận của các ngân hàng, việc phát triển kinh doanh trên nền tảng số đang đóng góp tích cực vào lợi nhuận 6 tháng đầu năm. Số lượng khách hàng sử dụng và trải nghiệm ngân hàng số ngày càng tăng.
Ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nam A Bank chia sẻ, là một trong những ngân hàng tiên phong chuyển đổi số, thời gian qua Nam A Bank ưu tiên tập trung nguồn lực, lấy chiến lược số hóa và xanh hóa làm kim chỉ nam trong mọi hoạt động. Cụ thể, Nam A Bank lấy công nghệ là đầu tàu chiến lược số hóa trong mọi hoạt động ngân hàng, lấy ngân hàng xanh làm trọng tâm trong kế hoạch đẩy mạnh kinh doanh hướng đến phát triển bền vững.
Theo đó Nam A Bank triển khai nhiều công nghệ ngân hàng tiên tiến được tích hợp trong hệ sinh thái số Nam A Bank như: Ngân hàng số Open Banking; Điểm giao dịch số ONEBANK; Robot OPBA… Song song đó, ngân hàng còn triển khai nhiều hoạt động như: Chợ 4.0 – Cuộc sống không tiền mặt; Du lịch 4.0 - Du lịch không tiền mặt; Lễ hội không tiền mặt… Đồng thời, ngân hàng cũng không ngừng nâng cấp hệ sinh thái số với những sản phẩm dịch vụ đa dạng, linh hoạt và sáng tạo nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Theo ông Võ Hoàng Hải, nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ, các hoạt động kinh doanh của Nam A Bank đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng và tăng trưởng bền vững trong nửa đầu năm 2024. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của NAB tăng hơn 45,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt Open Banking by Nam A Bank mới đây được vinh danh là “Sản phẩm công nghệ và chuyển đổi số tiêu biểu”.
Tương tự, đại diện MB cho biết, tăng trưởng của ngân hàng từ đầu năm đến nay giữ vững mức ổn định. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản toàn tập đoàn tăng trưởng 5% so với năm 2023, đạt 988,605 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tập đoàn đạt 13.428 tỷ đồng, tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023. Có được sự tăng trưởng vững chắc đó có sự đóng góp lớn từ hệ sinh thái số của ngân hàng.
Hiện nay năng lực phục vụ giao dịch trên kênh số của MB hiện tương đương các ngân hàng Top đầu châu Á với 97% khối lượng giao dịch được thực hiện qua kênh số. Quy mô giao dịch của MB qua Napas thuộc Top 1 các ngân hàng trong 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023). Số lượng giao dịch trên kênh số chạm mốc 3.6 tỷ giao dịch, tăng 80% so với năm 2022.
Mục tiêu của MB từ nay đến 2026 sẽ tăng tốc chuyển đổi số, không chỉ là một ngân hàng số mà hướng đến trở thành doanh nghiệp số. Tham vọng của MB là 50-70% doanh thu của tập đoàn đến từ kênh số trong tương lai.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh
Theo NHNN, trong 7 tháng đầu năm 2024 hoạt động TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực, các hệ thống thanh toán quan trọng hoạt động thông suốt, an toàn. Đến nay, có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Giao dịch TTKDTM đạt 7,83 tỷ giao dịch, với giá trị đạt 134,9 triệu tỷ đồng (tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị) so với cùng kỳ năm 2023.
Đại diện ABBANK cho biết, để hỗ trợ cho việc tiếp cận các dịch vụ của khách hàng, thời gian qua ngân hàng tiếp tục nâng cao trải nghiệm của khách hàng thông qua nền tảng số và đồng hành cùng doanh nghiệp qua các chương trình hỗ trợ tín dụng đẩy mạnh mở rộng sản xuất kinh doanh. ABBANK đang thực hiện hàng loạt dự án/sáng kiến chiến lược nhằm phục vụ mục tiêu kinh doanh và công tác chuyển đổi hệ thống, trong đó có những dự án trọng điểm như triển khai nền tảng số Omni Channel; Hệ thống quản lý quan hệ khách hàng - CRM; Triển khai giải pháp quản trị dữ liệu Datalake… Thống kê cho thấy, số lượng khách hàng sử dụng ngân hàng số và số lượng giao dịch trực tuyến trên ngân hàng số của ABBANK tiếp tục tăng trưởng tốt sau 6 tháng đầu năm 2024, lần lượt tăng 4,77% và 98,18% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam, đến nay, có hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 60% về số lượng và trên 35% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân tăng 2,83% về số lượng và tăng 26,94% về giá trị. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 38,18% về số lượng và tăng 23,26% về giá trị. Các kênh thanh toán điện tử đang dẫn đầu xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt như ngân hàng internet và ngân hàng di động. Tiếp đó là thanh toán bằng mã QR. Điều này khẳng định xu hướng phát triển số hóa ngành Ngân hàng đang đem lại hiệu quả rất lớn.
Để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, ngành Ngân hàng Hà Nội cũng đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy các TCTD trên địa bàn tích cực ứng dụng ngân hàng số.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm, Chi nhánh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chỉ thị của NHNN Việt Nam và Chương trình hành động của UBND thành phố Hà Nội về nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, triển khai hiệu quả các kế hoạch TTKDTM trên địa bàn thành phố. Khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng trên địa bàn thành phố đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, tăng cường hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng các mô hình mới về lĩnh vực thanh toán vào hoạt động TTKDTM.
Trong thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống ngân hàng thường xuyên đổi mới công nghệ và nghiệp vụ hệ thống thanh toán liên ngân hàng theo thông lệ quốc tế; nâng cấp phát triển hệ thống thanh toán điện tử. Các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực thi chuyển đổi số sâu rộng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng trải nghiệm của khách hàng, thích ứng với bối cảnh số hóa dịch vụ sâu rộng, mở rộng không gian phát triển hoạt động kinh doanh và đáp ứng tốt các hoạt động kinh tế số, đồng thời phát triển, cung ứng các dịch vụ TTKDTM an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.