Phát triển hệ sinh thái số hướng tới ngân hàng mở
Ngân hàng mở đem đến nhiều lợi ích
Phát biểu khai mạc Hội thảo: “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”- Hội thảo chuyên đề lần đầu tiên được tổ chức trong chuỗi sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, không thể nói đến chuyển đổi số nếu không có sự kết nối, tích hợp và phát triển hệ sinh thái số.
Đông đảo người dân tham quan gian trưng bày tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 |
Việc phát triển kết nối tới các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số hướng tới các mô hình Ngân hàng mở (Open banking) là điều kiện tối quan trọng để có thể tiếp tục cung ứng sản phẩm dịch vụ đa dạng, tiện lợi, cá nhân hóa cao, chi phí thấp cho khách hàng. Ngân hàng mở được xem là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế, là xu hướng tất yếu của kinh doanh ngân hàng trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Phó Thống đốc, hiện nay, ứng dụng Mobile Banking, ví điện tử của nhiều TCTD, tổ chức trung gian thanh toán đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng, thanh toán như vấn tin, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, gửi tiết kiệm, vay tín chấp, mở/ khóa/ đóng thẻ/ tài khoản, thiết lập hạn mức… các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ dân sinh như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, đặt nhà hàng, tour du lịch trên các nền tảng số mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại di động thông minh của cá nhân.
Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) chia sẻ, hiện nay đang có sự chuyển dịch trong xu hướng chuyển đổi số ngân hàng từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng mở. Nếu mô hình ngân hàng truyền thống có hệ thống khép kín, khó chia sẻ, tích hợp dữ liệu với bên ngoài, tính linh hoạt thấp và ít có sự liên thông giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ cho khách hàng, thì mô hình ngân hàng mở có nhiều điểm ưu việt hơn hẳn. Cụ thể, hệ sinh thái hợp tác nơi các ngân hàng, fintech và các bên thứ ba khác kết nối và chia sẻ dữ liệu qua API. Dữ liệu được chia sẻ cho phép phát triển các sản phẩm và dịch vụ đổi mới sáng tạo phục vụ việc cá nhân hoá nhu cầu của khách hàng. Hệ sinh thái mở có nhiều tổ chức fintech, bên thứ ba tham gia thị trường và hợp tác với ngân hàng, trong đó khách hàng là trung tâm, nhiều lựa chọn hơn, dịch vụ được cá nhân hoá tốt hơn.
Thông tin cụ thể hơn, ông Nguyễn Hoàng Long - Phó tổng giám đốc Napas cho biết, ngân hàng mở (Open banking) là mô hình kết nối, xử lý các giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) cho phép các bên thứ ba cung cấp dịch vụ (TPP - Third-party provider) được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng dựa trên sự chấp thuận của khách hàng.
Theo nghiên cứu của nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và công nghệ tài chính mở Konsentus, 68 quốc gia đã hoặc đang phát triển ngân hàng mở. Tại châu Á, các dịch vụ ngân hàng mở đã phát triển rất mạnh ở Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản…
Nhanh chóng bắt nhịp xu thế toàn cầu tại Việt Nam, các ngân hàng cũng tích cực đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu ngân hàng cho các bên thứ ba (TPP) thông qua việc sử dụng Open API. Đơn cử như Vietinbank ra mắt VietinBank iConnect năm 2019, cung cấp nền tảng chia sẻ Open API nhằm hỗ trợ các đối tác số tham khảo, thử nghiệm và phát triển các ứng dụng phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình, mỗi tháng có trên 55 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng VietinBank iConnect; BIDV ra mắt BIDV Open API cung cấp 15 gói API. Chỉ sau hơn 3 tháng (đến tháng 3/2024), đã có gần 60 đối tác trải nghiệm hệ thống BIDV Open API (với hơn 17.000 lượt thử nghiệm trên môi trường sandbox) và đăng ký tích hợp với BIDV…
Nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng |
Hay tại MB, ông Vũ Thành Trung, thành viên Ban Điều hành MB thông tin, ngân hàng này đang phát triển dịch vụ đa nền tảng cho phép bên thứ ba kết nối với hệ thống của ngân hàng thông qua API để cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng đến khách hàng trên nền tảng của đối tác. Việc này đảm bảo hành trình mua sắm của khách hàng dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện nhất. Khách hàng cá nhân hoàn toàn có thể thanh toán hóa đơn mua trên các sàn thương mại điện tử mà không cần đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng. Tương tự, các doanh nghiệp có thể quản lý các giao dịch thu/chi ngay trên phần mềm của doanh nghiệp thay vì phải đến ngân hàng với thủ tục, giấy tờ mất thời gian.
Đồng thời, MB đã xây dựng hệ sinh thái số đa dạng cho phép khách hàng mua sắm, đầu tư, thanh toán… ngay trên nền tảng của ngân hàng. Với hệ sinh thái logistics cảng biển, dịch vụ đa nền tảng của MB giúp các doanh nghiệp số hóa dịch vụ vận chuyển cảng biển, hạn chế tối đa thủ tục giấy tờ, phát sinh…
Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó tổng giám đốc NAPAS cho rằng, hạ tầng chung về ngân hàng mở sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Khách hàng sẽ được tối ưu hóa trải nghiệm, tiếp cận nhiều nguồn thông tin và dịch vụ, xử lý các nhu cầu tài chính nhanh, cá nhân hóa dịch vụ, chia sẻ dữ liệu an toàn, nhiều ưu đãi, giảm chi phí. Còn đối với các ngân hàng và công ty Fintech, hạ tầng chung về ngân hàng mở sẽ giảm sự phức tạp trong triển khai pháp lý, giảm rủi ro an ninh, tiết kiệm chi phí và nguồn lực, tăng khả năng mở rộng dịch vụ, thêm cơ hội tiếp cận khách hàng, bán chéo sản phẩm dịch vụ…
Về phía cơ quan quản lý, hạ tầng chung về ngân hàng mở cũng giúp dễ dàng hơn trong giám sát thị trường, thúc đẩy hệ sinh thái số, triển khai chủ trương phát triển kinh tế số, tạo ra nền tảng cho sự phát triển của tài chính mở…
Trong thời gian tới, với sự chung tay của toàn thị trường, dưới sự định hướng của NHNN, việc triển khai ngân hàng mở/Open banking sẽ mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Các đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán như NAPAS cũng đã sẵn sàng chuẩn bị những cơ sở, sản phẩm dịch vụ để đón kịp, phục vụ ngân hàng và các bên thứ 3 cung cấp dịch vụ trên hạ tầng ngân hàng mở nhằm triển khai thực hiện các giải pháp và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiên cứu ứng dụng trong TTKDTM để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng trải nghiệm khách hàng; nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển đổi số.
Cần mở đường về pháp lý
Tiềm năng của ngân hàng mở là rất lớn, nhưng theo ông Vũ Anh Đức, Phó giám đốc Trung tâm nền tảng và định danh số, Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT IS, mô hình Open Banking hay Open API tại Việt Nam còn mang tính riêng lẻ, phần lớn do ngân hàng và đối tác tự xây dựng dựa trên nhu cầu của nhau. Do đó, quá trình triển khai vẫn còn tồn tại ba thách thức lớn cần tháo gỡ để tự tin đi theo hướng mở: vấn đề quản trị dữ liệu; an toàn bảo mật; nền tảng và chuẩn dữ liệu kỹ thuật (khi chưa có quy định chung nào về tiêu chuẩn kỹ thuật khi đưa vào thực tế giữa các tổ chức).
Theo ông Vũ Anh Đức, nhu cầu của khách hàng rất lớn và mong muốn của các TCTD và các doanh nghiệp cũng rất nhiều. Vì vậy, đi đôi với việc rõ ràng khung pháp lý, công nghệ và dữ liệu sẽ được coi “chìa khóa” giúp liền mạch kết nối hệ thống giữa các tổ chức, xác thực thông tin chính xác giúp “mở đường” cho quá trình chuyển dịch ngân hàng mở hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Long cũng cho rằng, việc mỗi ngân hàng phải xây dựng và vận hành tiêu chuẩn, kết nối riêng khiến tăng chi phí vận hành, tốn kém nguồn lực; ngân hàng thực hiện toàn bộ quy trình triển khai cho phép các bên thứ ba cung cấp dịch vụ TPP được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng thông qua Open API và TPP lại sử dụng nhiều tiêu chuẩn, kết nối với các ngân hàng sẽ dẫn đến khó triển khai mở rộng mô hình. Cùng với đó, việc ngân hàng mở nhiều kết nối đến TPP và không cùng tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu có thể dẫn đến những rủi ro an ninh bảo mật…
Do đó, giải pháp là sử dụng hạ tầng chung ngân hàng mở, chia sẻ và thống nhất tiêu chuẩn chung, quy trình, quy định vận hành để kết nối giữa các ngân hàng và TPP thông qua kết nối với đơn vị vận hành hạ tầng chung về ngân hàng mở. Hạ tầng chung này hỗ trợ các bên trong việc chia sẻ dữ liệu và cung cấp dịch vụ.
Để tạo thuận lợi cho các đơn vị triển khai, đại diện NAPAS đề xuất, NHNN cần ban hành hướng dẫn/quy định loại dữ liệu chia sẻ; hành lang pháp lý hỗ trợ triển khai ngân hàng mở với các bên tham gia. Ban hành quy định về việc triển khai Open Banking/Open API. Cùng với đó, định hướng, khuyến khích các bên triển khai/gia nhập hạ tầng chung về ngân hàng mở.
Về vấn đề hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở, ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) cho biết, đơn vị này đã được Thống đốc giao làm đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư quy định về triển khai Open API trong ngân hàng. Dự kiến sẽ hoàn thành và trình Thống đốc ban hành thông tư này vào tháng 7/2024.