Ngân hàng Trung ương Nhật có thể sớm phải điều chỉnh chính sách
Lạm phát tiếp tục tăng tốc
Dữ liệu vừa được Chính phủ Nhật công bố hôm thứ Ba (11/1) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi (không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng vẫn tính cả giá nhiên liệu) của Tokyo tăng 4,0% trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm trước sau khi tăng 3,6% trong tháng 11.
Đây là tháng thứ 16 liên tiếp CPI lõi tại Tokyo tăng và mức tăng này cao hơn so với dự báo của thị trường là chỉ tăng 3,8% và là mức tăng cao nhất trong 4 thập kỷ. Lần gần đây nhất Toko ghi nhận CPI lõi tăng cao hơn là vào tháng 4 năm 1982 khi chỉ số này 4,2%.
Chỉ số CPI cốt lõi của Tokyo (không bao gồm nhiên liệu cũng như thực phẩm tươi sống) tăng 2,7% trong tháng 12 so với một năm trước đó, cũng cao hơn so với mức tăng 2,5% hàng năm được thấy vào tháng 11.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda |
Theo một quan chức Bộ Nội vụ, trong số 522 mặt hàng được đưa vào số liệu CPI lõi, có 376 mặt hàng tăng giá; trong đó giá thực phẩm chế biến tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1976.
Đáng chú ý, theo một cuộc khảo sát của cơ sở dữ liệu Teikoku, chi phí hàng tạp hóa sẽ tiếp tục tăng vào năm 2023, sau đợt tăng giá kỷ lục của 20.822 sản phẩm vào năm ngoái. Công ty dữ liệu này cũng cho biết, ít nhất 7.100 loại thực phẩm dự kiến sẽ tăng giá trong năm nay, đặc biệt là thực phẩm chế biến.
Việc chỉ số CPI ở Tokyo tiếp tục tăng tốc làm tăng khả năng lạm phát trên toàn nước Nhật có thể tiếp tục duy trì trên mục tiêu 2% của BoJ trong tháng cuối năm 2022. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là tháng thứ bảy liên tiếp lạm phát tại Nhật vượt trên mục tiêu 2% của BoJ và nhiều khả năng mức tăng lạm phát trong tháng 12 tại Nhật cũng giống như tại Tokyo sẽ là mức tăng cao nhất trong 4 thập kỷ.
“Rõ ràng là lạm phát của Nhật Bản đang tăng lên như một xu hướng. Chênh lệch sản lượng (output gap - chênh lệch sản lượng là khoảng chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng) của nền kinh tế cũng sẽ sớm chuyển biến tích cực”, Mari Iwashita - Nhà kinh tế trưởng thị trường tại Daiwa Securities cho biết.
Có thay đổi chính sách?
Trong một phát biểu gần đây, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda vẫn bác bỏ khả năng tăng lãi suất trong thời gian ngắn với quan điểm rằng ngân hàng phải tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế cho đến khi lạm phát do chi phí đẩy hiện tại biến thành lạm phát do nhu cầu đi kèm với mức lương cao hơn.
BoJ cũng dự kiến giá sẽ giảm xuống dưới 2% trong năm tài chính tiếp theo. Thế nhưng việc giá cả tiếp tục tăng tốc cho thấy lạm phát đang nóng hơn so với dự báo của cơ quan này. Đặc biệt những số liệu lạm phát mới nhất của Tokyo khiến các nhà kinh tế và nhà đầu tư cảnh giác dự đoán BoJ có thể loại bỏ dần các biện pháp kích thích bằng cách điều chỉnh chính sách kiểm soát lợi suất.
“Nói chung, chúng ta đang thấy nhiều dữ liệu hơn sẽ đưa ra lý do để BoJ cuối cùng bình thường hóa chính sách tiền tệ”, Mari Iwashita - Nhà kinh tế trưởng thị trường tại Daiwa Securities cũng cho biết.
Taro Saito – Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu NLI cũng cho rằng, “lạm phát đang lan rộng”. Theo ông, với việc tăng giá của một số dịch vụ, chẳng hạn như cước taxi, thật khó để hoàn toàn đồng ý với lập luận của BoJ rằng lạm phát chủ yếu là do chi phí nhập khẩu.
Trên thực tế lãi suất dài hạn của Nhật Bản đã tăng lên kể từ khi BoJ mở rộng biên độ xung quanh mục tiêu lợi suất trái phiếu 10 năm, một động thái mà các nhà đầu tư coi là khúc dạo đầu cho một đợt tăng lãi suất trong tương lai.
Tin tốt với BoJ đó là gói kích thích của Thủ tướng Fumio Kishida, bao gồm 39 nghìn tỷ Yên (295 tỷ USD) trong chi tiêu ngân sách. Các nỗ lực cứu trợ bao gồm nhiều biện pháp chống lạm phát, từ giảm giá hóa đơn tiện ích đến quyên góp tiền mặt cho việc chăm sóc trẻ em.
Các nhà kinh tế kỳ vọng những khoản trợ cấp này sẽ có tác động lớn đến lạm phát bắt đầu từ khoảng tháng tới. “Tác động của các biện pháp kinh tế của Kishida sẽ bắt đầu được nhìn thấy vào tháng Hai, song lạm phát vẫn còn khả năng tăng tốc hơn nữa vào tháng Giêng”, Harumi Taguchi - Nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence cho biết.