Ngân hàng Việt nâng cao vị thế
Giá trị thương hiệu tăng
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều diễn biến thách thức nhưng qua đánh giá của các tổ chức quốc tế nhiều ngân hàng Việt vẫn liên tục thăng hạng. Brand Finance mới đây đã công bố top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất trên toàn cầu năm 2024 thì Việt Nam có sự góp mặt của 15 ngân hàng. Trong đó có 3 gương mặt mới là TPBank, LPBank và MSB.
Các ngân hàng Việt liên tục “ghi điểm” đối với tổ chức quốc tế |
Nhìn chung hầu hết ngân hàng Việt ghi nhận thứ hạng trong bảng xếp hạng giá trị thương hiệu tăng lên sau một năm. Theo xếp hạng của Brand Finance, Vietcombank vẫn là ngân hàng Việt có giá trị thương hiệu cao nhất, đứng thứ 133/500, tăng 4 bậc so với năm 2023. VIB là ngân hàng có thứ bậc tăng nhiều nhất sau 1 năm. Từ vị trí 491, nhà băng này đã vươn lên vị trí thứ 425. Ba ngân hàng khác cũng có thứ bậc cải thiện ấn tượng là ACB, Sacombank, HDBank khi đều tăng hơn 30 bậc.
Brand Finance đã chỉ ra những những yếu tố quan trọng trong sự tăng trưởng ấn tượng về giá trị thương hiệu của ngân hàng Việt là sự phục hồi và dự báo doanh thu. Ngoài ra, niềm tin của khách hàng cũng là một trong những trụ cột chính tạo nên sức mạnh thương hiệu. Sự quyết liệt của doanh nghiệp trong việc thực hiện những cam kết và hoàn thành các mục tiêu chiến lược cũng là yếu tố góp phần tạo lên tăng trưởng về giá trị thương hiệu.
Tin vui nối tiếp tin vui khi mới đây tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody's nâng bậc cho một số nhà băng. Sacombank đã được Moody's nâng 1 bậc Xếp hạng Nhà phát hành và Tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của Sacombank từ B3 lên B2. Chỉ số Đánh giá Tín dụng cơ sở (BCA) của Sacombank được nâng bậc từ Caa1 lên B3. Đồng thời, Moody's cũng nâng 1 bậc đối với Xếp hạng Rủi ro đối tác (CRR) bằng nội tệ, ngoại tệ dài hạn và Đánh giá rủi ro đối tác (CR) từ B2 lên B1. Theo Moody's, việc nâng bậc là do Sacombank đã xử lý đáng kể các tài sản tồn đọng giúp cải thiện chất lượng tài sản và khả năng sinh lợi nhuận. Moody's cũng xét đến hệ tiền gửi vững mạnh của Sacombank giúp ngân hàng tăng khả năng huy động và thanh khoản.
Điểm tích cực nữa là Sacombank có mạng lưới hệ thống chi nhánh rộng lớn, hỗ trợ khả năng thu hút tiền gửi mới với chi phí huy động thấp hơn so với một số ngân hàng cùng hạng khác. Tài sản có vấn đề tồn đọng của ngân hàng chỉ còn chiếm 2,2% tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2023 từ mức 2,7% của năm trước, sau khi tính cả các khoản dự phòng. Ngân hàng hoàn toàn có khả năng kiểm soát tốt khoản dự phòng có thể cần trích thêm cho những tài sản này. Ngoài ra, Moody's cho rằng tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) sẽ được củng cố bởi biên lãi ròng (NIM) cao hơn trong thời gian tới.
Trước đó, Techcombank được Moody’s công bố nâng hạng Triển vọng trong năm 2024. Kết quả này của Moody’s phản ánh sự ghi nhận đối với kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng trong năm qua. Cụ thể, tỷ lệ an toàn vốn và hiệu quả hoạt động của Techcombank tiếp tục ở mức cao hơn mức trung bình Ngành, được hỗ trợ thêm bởi các nguồn huy động vốn đa dạng. Cơ cấu huy động và thanh khoản của Techcombank được đánh giá sẽ tiếp tục ổn định. Huy động từ khách hàng tăng lên trong năm 2023, với tỷ lệ CASA cải thiện tới 40%, gần như mức cao nhất trong các ngân hàng Việt Nam mà Moody’s xếp hạng.
Tiếp tục duy trì và gia tăng tín nhiệm
Theo nhận định của TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín quốc tế nâng triển vọng của các ngân hàng Việt là điều đáng mừng và không chỉ mang lại lợi ích lớn cho bản thân các nhà băng mà còn lan toả toàn hệ thống. Khi hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng ngày càng cải thiện giúp họ thực hiện chiến lược kinh doanh dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, xếp hạng tín nhiệm tăng, không những giúp ngân hàng kêu gọi vốn trong nước mà việc thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng thuận lợi. Đặc biệt, niềm tin của những người gửi tiền vào ngân hàng đó thông qua giá trị thương hiệu cũng tăng lên.
Bên cạnh đánh giá tích cực, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng chỉ ra những điểm ngân hàng cần phải lưu ý và cải thiện trong thời gian tới để hoàn thiện hoạt động ngân hàng tốt hơn, tiếp tục duy trì và gia tăng tín nhiệm của mình. “Khi thấy lợi ích của việc thăng hạng tín nhiệm, các ngân hàng chưa cải thiện được xếp hạng sẽ có sự nỗ lực cạnh tranh để ghi điểm đối với tổ chức này. Nếu nhiều ngân hàng cùng nâng hạng tín nhiệm, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá tích cực sức khỏe toàn hệ thống ngân hàng”, TS. Linh chia sẻ thêm.
Chung quan điểm, một chuyên gia ngân hàng đánh giá, việc các ngân hàng Việt liên tục được tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín quốc tế nâng hạng mang lại lợi ích kép cho họ. Đó là, ngân hàng vừa cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư đối với hoạt động, đồng thời giúp họ huy động vốn nước ngoài với chi phí thấp hơn. Qua đó, giúp ngân hàng đa dạng kênh huy động, nhất là vốn trung, dài hạn, góp phần điều chỉnh cơ cấu vốn theo hướng bền vững.
Mặc dù nhiều ngân hàng Việt được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng hạng từ quyết định nâng hạng tín nhiệm quốc gia trước đó, song phải khẳng định, thời gian qua, hệ thống ngân hàng rất nỗ lực trong cải thiện sức khỏe tài chính, thanh khoản, quản trị, tăng cường áp dụng chuẩn mực thông lệ quốc tế… Qua đây cũng khẳng định, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN ngày càng phát huy hiệu quả được các tổ chức quốc tế đánh giá cao góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng VND tiếp tục là đồng nội tệ ổn định nhất khu vực trong bối cảnh tài chính toàn cầu biến động.
Nhìn về tương lai, tuy đã có những bước chuyển biến rõ nét nhưng theo nhận xét của giới chuyên môn, chưa thể hài lòng với kết quả đạt được nhất là xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng vẫn chưa ở nhóm đối tượng khuyến khích tích cực đầu tư, mà cần phải tiếp tục nâng tín nhiệm ở mức cao hơn nữa.
Ngoài ra, các tổ chức xếp hạng quốc tế cũng lưu ý rủi ro tín dụng vì tỷ lệ tín dụng/GDP còn khá cao. Cùng với đó, khả năng sinh lời (lợi nhuận) của ngân hàng có thể bị ảnh hưởng nếu thị trường bất động sản gặp khó.
Một lưu ý nữa, trong thời gian tới, các ngân hàng cần tập trung cải thiện và thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu. Vì tổ chức xếp hạng quốc tế đánh giá chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt tuy đã được cải thiện, nhưng còn khá mong manh, nhất là xu hướng nợ xấu đang gia tăng nên không được chủ quan.