Ngân hàng Việt nỗ lực khẳng định thương hiệu
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/2 | |
Vietcombank tăng mạnh vị trí trong bảng xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng lớn nhất toàn cầu |
Hệ thống ngân hàng Việt cần sự chuyển mình để nâng cao giá trị |
Cải thiện niềm tin
Theo tổ chức này, thị trường có thương hiệu mạnh nhất là Việt Nam, khi tăng 146% so với năm 2019. Bảng xếp hạng 500 ngân hàng có thương hiệu giá trị nhất năm 2020 xuất hiện 9 ngân hàng của Việt Nam bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, Techcombank, MBBank, Agribank, ACB và Sacombank. Brand Finance cho biết kể từ khi Chính phủ Việt Nam đưa ra chiến lược để tăng cường trách nhiệm cũng như sức mạnh của hệ thống ngân hàng, theo đó nhận thức khách hàng về ngân hàng ngày càng cải thiện.
Hiện tại có 18 NHTM trong nước đã áp dụng thành công tiêu chuẩn Basel II trước thời hạn. Theo nhận định của BSC, tỷ lệ CAR của các ngân hàng niêm yết ở mức trung bình 11,4% trong năm 2019 và sẽ có khả năng tăng lên 12,1% trong năm 2020. Có được những kết quả tích cực này, không chỉ là nỗ lực tự thân của mỗi nhà băng, mà còn là thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Năm 2019 tiếp tục là năm thành công trong điều hành của NHTW, giúp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lạm phát bình quân năm 2019 tăng 2,79% - thấp nhất trong 3 năm qua và thấp hơn mục tiêu 4% Quốc hội đề ra, đã tạo dư địa thuận lợi để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh. Chính sách tiền tệ không chỉ xử lý hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra trước mắt, mà còn kiên định lộ trình theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong trung và dài hạn.
Bên cạnh đó NHNN cũng được giới chuyên gia đánh giá cao khi đã rất linh hoạt và chủ động với tỷ giá và thị trường ngoại hối. Cơ quan quản lý đã điều tiết để tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, phù hợp với mục tiêu điều hành vĩ mô của NHTW, tăng được lượng dự trữ ngoại hối lớn, tạo tấm đệm cho quốc gia để bảo vệ an ninh tài chính, phòng ngừa những tác động bên ngoài. Đây là cũng là yếu tố then chốt để củng cố lòng tin của nhà đầu tư, nhất là với các nhà đầu tư nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp vào năng lực thực tế của Chính phủ và của NHTW.
Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng 5 điểm và nâng 7 bậc, xếp hạng 25/190 (vượt mục tiêu đặt ra là tăng ít nhất 1 bậc), đứng thứ 2 ASEAN. Đây là điểm đáng ghi nhận trong việc nỗ lực triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; trong đó có tiêu chí thuộc phạm vi quản lý của NHNN là cấu phần chiều sâu thông tin tín dụng đã được ghi nhận và đạt điểm tối đa 8/8.
Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam bà Jodi West cũng đánh giá cao các thành tựu mà Việt Nam đạt được, đặc biệt là tăng trưởng GDP hơn 7% và lạm phát được kiểm sát dưới 4%. Bà Jodi West cũng nêu kiến nghị năm 2020, NHNN cần thực hiện mạnh mẽ hơn việc chuẩn hoá Basel 2, giải quyết nợ xấu. Đồng thời, phía Chính phủ và NHNN cần thúc đẩy số hóa các ngân hàng, giảm sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.
Cơ hội rộng mở, thách thức đi cùng
Chiều 12/2/2020 (theo giờ Hà Nội), Nghị viện EU đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục trong nước hoặc vào một thời điểm khác do hai bên thống nhất. Cùng với EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) cũng được thông qua.
Riêng về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, theo một chuyên gia tài chính chia sẻ, EVFTA chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cho cả hai phía Việt Nam và EU tham gia nhiều hơn vào thị trường lẫn nhau. Song phải nhận thức rằng cơ hội luôn đi cùng thách thức, thậm chí thách thức là nhiều hơn khi sẽ có sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa ngân hàng Việt và các ngân hàng phía EU bước chân vào thị trường Việt Nam.
Cơ hội sẽ mở ra nhiều hơn khi ngân hàng Việt Nam có khả năng kêu gọi thêm nguồn vốn đầu tư từ các đối tác nước ngoài. Nhưng để lựa chọn một nhà đầu tư phù hợp, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng định nghĩa “phù hợp” thế nào chỉ có bản thân các nhà băng mới biết chính xác, tùy theo cách nhìn nhận của từng ngân hàng trong việc lựa chọn đối tác kinh doanh. Điều quan trọng và thu hút nhất đối với các nhà đầu tư ngoại khi rót vốn vào hệ thống tài chính Việt Nam nói chung và ngân hàng nói riêng là có được sự tin cậy. Thu hút được nhà đầu tư hay không không nằm ở việc kết quả kinh doanh công bố, mà phụ thuộc vào mức độ tin cậy của số liệu công bố đó, phải thông qua kiểm toán để định giá, đánh giá…
Cùng chung quan điểm, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, để “nâng cấp” mình, công nghệ thông tin sẽ là chìa khoá để khẳng định thành công và sự phát triển của ngân hàng. Trong tương lai không xa, một trong những yếu tố quyết định vị trí của ngân hàng sẽ dựa trên nền tảng công nghệ của nhà băng đó.
Theo ông Hiếu, công nghệ sẽ là đòn bẩy mở ra thị trường mới, sản phẩm mới, tạo uy tín cho khách hàng. Để có nguồn vốn đầu tư công nghệ thông tin với đại bộ phận ngân hàng là rất khó khăn. Những đầu tư về công nghệ của các ngân hàng Việt hiện nay mới ở mức độ vừa phải, và cần rất nhiều vốn để không chỉ phát triển sản phẩm dịch vụ mới, mà còn cải thiện và nâng cao mức độ bảo mật, đảm bảo sự an toàn cho khách hàng sử dụng.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ, nhà băng này sẽ đẩy mạnh các dự án chuyển đổi và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Bên cạnh đó chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh theo chiều sâu dựa trên nền tảng chất lượng dịch vụ, cơ cấu lại danh mục hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Vietcombank đặt mục tiêu năm 2020 trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Một điểm nữa cũng được các nhà băng Việt Nam đang ngày càng chú trọng là ở phát triển văn hoá doanh nghiệp, hình thành bản sắc riêng, khẳng định vị thế trên thị trường. Như trường hợp VietinBank, ông Lê Đức Thọ - Chỉ tịch HĐQT ngân hàng này chia sẻ: VietinBank đang triển khai mạnh mẽ trong toàn hệ thống về chương trình “6 hoá” trong mọi hoạt động của ngân hàng: Tiêu chuẩn hoá, Đơn giản hoá, Tối ưu hoá, Tự động hoá, Cá thể hoá trách nhiệm, và Hợp tác hoá. Việc này đã được thể chế trong chỉ đạo, điều hành, chính sách, quy trình, công việc của VietinBank và đi vào thực tiễn, thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, cách ứng xử của từng cán bộ tại các công việc hàng ngày.