Ngành dệt may: Linh hoạt để đáp ứng nhanh với thay đổi
Vốn ngoại vào dệt may: Nguy hay cơ?! | |
Doanh nghiệp dệt may chờ thời |
Ảnh minh họa |
Bộ Công thương cho biết, 8 tháng đầu năm, tất cả các nhóm hàng, từ dệt, may mặc, xơ sợi, vải đều sụt giảm giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 8 tháng ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6%; vải mạnh, vải kỹ thuật khác ước đạt 260 triệu USD, giảm 36,8%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 8/2020, tình hình sản xuất dệt đã tăng 3,1% so với tháng 7 và tăng 4,9% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 1,3% so với cùng kỳ. Sản xuất trang phục tháng 8 tăng 4,9% so với tháng trước, tăng 4,4% so với cùng kỳ; nhưng tính chung 8 tháng vẫn giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo Bộ Công thương, bước sang quý III/2020, tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều. Niềm tin tiêu dùng các mặt hàng ở Mỹ, EU và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững.
“Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các DN đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các DN dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số DN đã nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng”, Bộ Công thương nhìn nhận.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Vinatex, chưa khi nào ngành dệt may lại đối mặt với những khó khăn dồn dập và bất ngờ như hiện nay bởi lẽ ngay từ những ngày đầu của giai đoạn 5 năm lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2015-2020), nhiều tín hiệu vui được dự báo và thành công nối tiếp thành công. Chỉ đến gần 2 năm cuối cùng của giai đoạn này, những thử thách khắc nghiệt đã đến dồn dập, khiến cho toàn bộ ngành dệt may cũng như Vinatex đều phải căng mình chống chọi.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, Vinatex buộc phải xác định kinh doanh trong một thị trường bất định, khó có thể dự báo chính xác và không thể lập kế hoạch dài hơi như trước. Trong giai đoạn 5 năm lần thứ hai sau cổ phần hóa (nhiệm kỳ 2020-2025), tập đoàn sẽ cần phải liên tục cập nhật tình hình biến đổi của thị trường, đưa ra phương án mới và xoay chuyển sản xuất kịp thời. Với kế hoạch 5 năm lần này, Vinatex cần xây dựng dựa trên cái nhìn thực tế, khoa học, với nhiều phương án khả thi hơn.
Chiến lược này được xem là đúng hướng trong bối cảnh khó khăn khi thực tế các nền kinh tế mạnh của thế giới đều có GDP tăng trưởng âm khiến thị trường suy giảm ngày càng sâu. Ngay tại Việt Nam, tăng trưởng GDP quý II/2020 chỉ đạt 0,36%, một con số thấp nhất kể từ khi nước ta có thống kê mức tăng trưởng. Chính vì vậy, theo ông Trường, với tình hình thị trường suy giảm sâu, bất định và khó lường, khó dự đoán, Vinatex đặt mục tiêu vào giữa nhiệm kỳ sẽ đạt mốc kết quả sản xuất kinh doanh bằng năm 2019 và giải pháp cho giai đoạn tới là quản trị tinh gọn, hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh của tập đoàn, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh với tiêu chí sản xuất xanh, bền vững, tận dụng công nghệ 4.0 trong quản trị và sản xuất kinh doanh. Thu hút nhân tài, cải tiến cơ chế đãi ngộ, tạo động lực để người tài cống hiến và phát triển tập đoàn hiệu quả vượt bậc.
Ông Đặng Vũ Hùng - Tổng giám đốc Vinatex cho biết, thời gian qua, Vinatex tiếp tục chương trình khai thác các thị trường Úc, Canada, EU bởi vẫn còn những khách hàng tiềm năng. Ví như thị trường Canada đang có tín hiệu tăng trưởng tốt. Trong vòng 3 năm, lượng xuất khẩu hàng may mặc từ Việt Nam sang Canada đã tăng gấp 10 lần (từ 20 triệu USD lên 200 triệu USD).
Tuy nhiên thời gian tới, Vinatex sẽ tập trung vào 9 nhóm giải pháp cụ thể để nâng cao vị thế của mình. Cụ thể, Vinatex sẽ tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn diện từ Sợi - Dệt - Nhuộm hoàn tất - May để thỏa mãn yêu cầu xuất xứ của Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA cũng như đầu tư các trung tâm phát triển sản xuất trên nền tảng ý tưởng sáng tạo Việt Nam để phục vụ thị trường thế giới; thành lập các trung tâm xúc tiến thương mại thu hút mạnh mẽ các tổ hợp sản xuất hàng thời trang.
Song song với đó Vinatex sẽ phát triển đa dạng sản phẩm, chuyên môn hóa cao; sử dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị điều hành; đầu tư logistic chuyên nghiệp để giảm chi phí; đầu tư phát triển nguồn lực chất lượng cao để có đủ năng lực đáp ứng nhanh sự thay đổi của môi trường kinh doanh hàng may mặc trong nước và quốc tế…y