Doanh nghiệp dệt may chờ thời
Doanh nghiệp dệt may khó khăn chồng chất | |
Cuộc thử lửa khốc liệt với… ngành dệt may | |
Tăng cường liên kết để chủ động nguyên phụ liệu |
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, mọi điều đến nay vẫn bất định, phải chờ tín hiệu khống chế dịch bệnh trên thế giới. Vì vậy, đa phần doanh nghiệp trong hội chủ yếu sản xuất cầm chừng, gắng gượng qua ngày để đảm bảo công nhân có việc làm. “Tăng trưởng xuất khẩu của các thành viên trong hội giảm tới gần 30% so với cùng kỳ 2019”, ông Hồng nói và mong muốn các hỗ trợ về thuế, tín dụng, bảo hiểm xã hội cần phải nhanh chóng đến với từng doanh nghiệp. Nếu không nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phải đóng cửa, người lao động mất việc.
Doanh nghiệp dệt may nhận đơn hàng theo tuần |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ví như sẽ là đòn bẩy để giúp các doanh nghiệp vượt khó, song Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, phần lớn các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa tận dụng được cơ hội này. Nguyên nhân do tình hình thị trường châu Âu đang gặp khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu hạn chế, đối tác hủy, giãn đơn hàng. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt cũng chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Còn theo ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc Công ty May Đáp Cầu, để duy trì việc làm cho công nhân, doanh nghiệp này buộc phải nhận những đơn hàng mới với giá rất rẻ, giảm 30-40%, thậm chí 50% so với trước đây, chủ yếu để doanh nghiệp có việc, cầm cự qua ngày.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Công thương, 8 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 8 tháng ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6%; vải mành, vải kỹ thuật khác ước đạt 260 triệu USD, giảm 36,8%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, bởi tâm lý “thắt lưng buộc bụng” của các hộ gia đình trong chi tiêu; đầu tư của các doanh nghiệp cũng chững lại.
Về tổng cầu dệt may thế giới, bước sang quý III/2020, tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan. Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo thậm chí vẫn chững lại.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo từng tháng, thậm chí từng tuần. “Một số doanh nghiệp đã nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng”, báo cáo của bộ này nêu rõ.
Tuy nhiên, “sau cơn mưa trời lại sáng”, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT công ty may Hưng Yên nhìn nhận, sau đợt dịch này có thể các nước nhập khẩu chính hàng dệt may của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản sẽ cơ cấu lại thị trường cung ứng. Họ có thể giảm nhập khẩu từ Trung Quốc và chuyển sang một số nước khác, trong đó có Việt Nam.
Cơ hội sẽ có nhưng ông Dương nhấn mạnh, các doanh nghiệp ngành dệt may cần phải giải quyết được những bài toán như chủ động nguồn nguyên liệu, giảm bớt nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong việc này, cần có những ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào ngành dệt, nhuộm, hoàn tất để đáp ứng hầu hết nhu cầu nguyên phụ liệu cho ngành may xuất khẩu.
Đồng thời, để có thể cạnh tranh, giành lại thị trường với Ấn Độ và Bangladesh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng phải đầu tư tăng năng suất lao động. Do vậy, cũng cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn lao động.