Ngành dịch vụ tài chính: Thách thức và cơ hội đột phá mới
“Nền công nghiệp dịch vụ tài chính dù đã đứng vững trước đại dịch Covid-19, có thể sẽ phải hứng chịu tác động lớn từ hiệu ứng bậc hai của đại dịch lên nền kinh tế. Thách thức đặt ra cho ngành dịch vụ tài chính là làm sao định hướng và vượt qua môi trường khó khăn hiện nay cùng lúc cân đối giữa cắt giảm chi phí và đầu tư. Thực hiện tốt điều này sẽ là các doanh nghiệp thành công”, ông John Garvey - Lãnh đạo toàn cầu về Tư vấn Dịch vụ Tài chính của PwC nhận định.
Ảnh minh họa |
Báo cáo “Đảm bảo cho ngày mai, ngay hôm nay – Tương lai ngành dịch vụ tài chính” mà PwC vừa công bố càng làm rõ hơn nhận định này. Dù cho đến hiện tại, đại dịch Covid-19 đã và đang có ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều ngành công nghiệp, nhưng với ngành dịch vụ tài chính vẫn có nhiều DN hưởng lợi như DN bảo hiểm hưởng lợi từ việc người tiêu dùng được khuyến cáo hạn chế đi lại, nhờ đó giảm tần suất yêu cầu bồi thường ở các mảng dịch vụ cá nhân. Doanh thu từ giao dịch tự doanh tăng cao hơn nhờ biến động thị trường đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên thị trường vốn. Đối với ngân hàng, các ưu đãi của NHTW và hỗ trợ của Chính phủ các nước đối với DN và cá nhân, tính đến thời điểm này, đã hạn chế thiệt hại tới bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Điều này giúp ngăn ngừa hiệu ứng domino như đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tại Việt Nam, có thể kể đến các biện pháp kịp thời của Chính phủ như giãn, giảm thuế và gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41, cùng với đó là Thông tư 01 quyết định của NHNN cho phép các TCTD cơ cấu lại chỉnh lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid19.
Tuy nhiên, các phân tích cũng chỉ ra rằng ngành dịch vụ tài chính sẽ chịu tác động nặng nề nhất từ các hiệu ứng bậc hai (second-order effects) khi hậu quả của đại dịch dần bộc lộ trong toàn bộ nền kinh tế trong vài năm tới khiến chất lượng tín dụng của khách hàng ngày càng suy giảm cùng với môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì.
Bà Đinh Hồng Hạnh - Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính tại PwC Việt Nam nhận định “Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng tài chính của cả khách hàng cá nhân và DN trong ngành dịch vụ tài chính. Tại Việt Nam, với sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, ngành tài chính không gặp phải những bất lợi đáng kể so với phần còn lại của nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại tiềm ẩn khi những tác động vốn đang được trì hoãn này diễn ra trong tương lai”.
Bởi mặc dù mức độ ảnh hưởng dịch bệnh đối với các mảng có thể khác nhau song ngành dịch vụ tài chính cũng không đứng ngoài những xu hướng chuyển đổi tất yếu để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục và ưu tiên tính hiệu quả.
Trong đó, ngành dịch vụ tài chính sẽ phải đối mặt với áp lực từ xu hướng lãi suất thấp sẽ tiếp tục tác động mạnh tới tỷ suất lợi nhuận và mô hình kinh doanh; áp lực tăng năng suất thông qua việc số hóa hoạt động kinh doanh và lực lượng lao động sẽ khiến biên lợi nhuận bị thắt chặt hơn. Các đơn vị cấp vốn phi truyền thống sẽ có vai trò ngày một quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Cùng với đó, tình trạng đảo ngược của toàn cầu hóa sẽ tiếp tục điều chỉnh quy mô của các tổ chức tài chính tương ứng với tăng trưởng GDP của quốc gia sở tại.
Tuy nhiên xu hướng của ngành dịch vụ tài chính chuyển sang hoạt động dựa trên nền tảng và hệ sinh thái được kỳ vọng là sẽ tạo ra một làn sóng mới, giảm bớt trung gian và tạo đột phá cho ngành dịch vụ tài chính. Nền công nghiệp ngày một dựa trên nền tảng và hệ sinh thái, bao gồm tương tác với khách hàng ngày càng được số hóa, cũng sẽ tạo ra một loạt những thách thức lẫn cơ hội mới cho ngành.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra các cuộc khủng hoảng có xu hướng bộc lộ những điểm yếu trong chiến lược kinh doanh, vì vậy, sau Covid-19 các DN sẽ cần quyết định lộ trình tốt nhất để tái cấu trúc DN và danh mục đầu tư. Trong đó, các chuyên gia của PwC nhấn mạnh các DN cần số hóa nhanh chóng để đạt hiệu quả chi phí và lợi nhuận nhờ nâng cao năng suất; tăng tỷ trọng doanh thu từ phí; tăng cường kết hợp với lĩnh vực cho vay phi ngân hàng. Cùng với đó các DN cần đẩy nhanh các hoạt động xây dựng lòng tin với cộng đồng, các cơ quan quản lý và các cổ đông bao gồm sự gia tăng các nỗ lực từ thiện, hỗ trợ người vay, nhà đầu tư…
Mạnh mẽ hơn trong bối cảnh khách hàng kể cả bán lẻ và tổ chức ngày càng tăng chuyển sang các kênh kỹ thuật số, DN có thể xem xét thực hiện các bước đi táo bạo để giảm đáng kể hoặc thậm chí loại bỏ các kênh không phải kỹ thuật số (chẳng hạn như các chi nhánh, cửa hàng vật lý và nhân viên bán hàng lưu động).
“Đây là giai đoạn nhiều thử thách nhưng cũng rất đặc biệt. Các thể chế tài chính cần đánh giá lại cũng như dẫn đầu việc sử dụng công nghệ để phát triển những năng lực mới - nâng cao sức khỏe tài chính, mức độ tổng thể và an toàn cho người tiêu dùng - cùng với đó đặt ra chiến lược tài chính mạch lạc cho tổ chức”, bà Đinh Hồng Hạnh cho biết.