Ngành điện: Cơ hội phục hồi mạnh mẽ từ năm 2021
Quy hoạch điện VIII: Sẽ tháo gỡ các nút thắt trong phát triển điện lực? | |
Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia |
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Công thương, chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện 9 tháng tăng 2,8% so với cùng kỳ. Điện thương phẩm tháng 9 ước đạt 19.180 triệu kWh, tăng 4,3% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng, điện thương phẩm ước đạt 161.555,9 triệu kWh, tăng 2,6% so với cùng kỳ.
Theo giới chuyên môn, kinh tế khởi sắc hơn đang tạo đà cho ngành điện tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Theo đó GDP quý III/2020 tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019, qua đó nâng mức tăng trưởng GDP của 9 tháng lên 2,12%. Hiện Chính phủ đang quyết tâm đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5-3% trong năm 2020.
Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quý III do Tổng cục Thống kê thực hiện mới đây cho thấy, có tới 82,3% số DN dự báo lượng đơn hàng mới sẽ tăng hoặc ổn định trong quý VI so với quý III. Một chỉ số khác cũng cho thấy sản xuất đang trên đà phục hồi đó là chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN.
Đó chính là lý do khiến CTCK Bản Việt (VCSC) giữ nguyên giả định cho rằng nền kinh tế toàn cầu - cùng với Việt Nam - sẽ tiếp tục phục hồi ấn tượng trong 6 tháng cuối năm 2020 đến năm 2021. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7% trong năm 2021 chủ yếu đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Giả định tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ quay về mức trước khi bùng phát dịch Covid-19 là khoảng 6%-7% từ năm 2021 trở đi và quá trình công nghiệp hóa sẽ tiếp tục là yếu tố dẫn dắt cho đà phát triển của nền kinh tế Việt Nam, VDCS ước tính, Việt Nam nhiều khả năng sẽ ghi nhận tăng trưởng tiêu thụ điện ở mức 8%-9% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025 - phù hợp diễn biến tăng trưởng tiêu thụ điện thường cao hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với tăng trưởng GDP.
Quy hoạch tổng thể ngành Điện của Việt Nam tiếp tục củng cố giả định này. Theo dự báo sơ bộ của Bộ Công thương công bố hồi tháng 3/2020, nhu cầu tiêu thụ điện đỉnh điểm của Việt Nam trong giai đoạn 2020-2025 sẽ tăng 8,6% mỗi năm theo kịch bản cơ sở và 9,1% mỗi năm theo kịch bản tích cực. Trong đó năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong hệ thống phát điện của Việt Nam. Bộ Công thương đề xuất Việt Nam sẽ gia tăng công suất phát điện tái tạo từ khoảng 8.000 MW trong năm 2020 lên khoảng 20.000 MW trong năm 2025 theo kịch bản cơ sở và khoảng 32.000 MW trong năm 2025 theo kịch bản tích cực.
Với xu hướng này CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) là một điểm đến hấp dẫn. Hiện công ty này đang có kế hoạch tăng gấp đôi công suất phát điện (chiếm 37% LNST dự phóng năm 2020) từ 515 MW trong năm 2019 lên 1.000 MW trong năm 2025 chủ yếu được dẫn dắt bởi hàng loạt các khoản đầu tư vào các dự án điện gió và điện mặt trời áp mái. CTCP Xây lắp Điện 1 (PC1) cũng là một cổ phiếu hấp dẫn cho cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam nhờ 3 dự án điện gió lớn của công ty (tổng công suất 144 MW) dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2021, giúp tăng gấp đôi công suất điện của PC1 lên 300 MW vào năm 2022. Mảng phát điện (chiếm 37% LNST sau lợi ích cổ đông thiểu số dự phóng năm 2020) sẽ chiếm phần lớn LNST sau lợi ích cổ đông thiểu số dự phóng của PC1 từ năm 2022.
Với điện than, cơ hội cũng đang mở ra. Trong cả kịch bản cơ sở và tích cực, Bộ Công thương đề xuất Việt Nam tiếp tục gia tăng công suất điện than từ 19.637 MW trong năm 2020 lên 38.842 MW trong năm 2025 (tương ứng tốc độ tăng trưởng trung bình là 14,6% mỗi năm). Định hướng này sẽ giúp CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) tiếp tục hoạt động với hiệu suất cao và trả mức cổ tức tiền mặt tăng theo từng năm.
Trong đó PPC luôn được xem là cổ phiếu phòng thủ hấp dẫn với tiềm năng gia tăng định giá và 2 khoản đầu tư lớn - HND và QTP - nằm ở các vị trí thuận lợi với tăng trưởng tiêu thụ điện cao nhất Việt Nam tại cụm công nghiệp miền Bắc. Còn NT2 lại là một trong các nhà máy điện khí có hiệu suất cao nhất Việt Nam với lượng tiêu thụ khí trên mỗi kWh điện thấp hơn khoảng 10% so với các đối thủ. Ngoài ra, 2 công ty nói trên cũng có cơ hội ghi nhận lợi nhuận vượt kế hoạch nhờ việc hoàn thành công tác bảo trì bảo dưỡng với chi phí thấp hơn kỳ vọng.