Ngành Ngân hàng luôn đồng hành với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona
Đồng chí Đào Minh Tú, Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc thường trực NHNN chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các vụ, cục chức năng của NHNN; đại diện lãnh đạo của các NHTM.
Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ khách hàng
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch nCoV hiện nay, dưới sự chỉ đạo chung của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng, các ngành, các cấp coi “chống dịch như chống giặc”, và muốn “chống giặc” thì phải khẩn trương, toàn tâm toàn sức có những hành động quyết liệt, cụ thể.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị |
Với tinh thần chống dịch trên, về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt một số giải pháp. Trước hết là thực hiện chỉ đạo của các bộ, ngành chuyên môn như Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống dịch, NHNN đã ban hành văn bản chỉ đạo tới các đơn vị trong toàn ngành có những biện pháp ngăn ngừa dịch, không để lây lan; theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho cán bộ. NHNN cũng đã có chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch đối với khách hàng; ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành, NHNN chi nhánh, TCTD mạnh dạn trong hoạt động tín dụng, cơ cấu lại khoản nợ, khoản vay của doanh nghiệp, người dân đã và đang và sẽ chịu ảnh hưởng của hậu quả do dịch gây ra, nhất là lĩnh vực du lịch, nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu...
“Phải có chính sách, giải pháp cụ thể hỗ trợ cho những doanh nghiệp, khách hàng đó. Và phải có theo dõi để đánh giá tình hình thực tế, tổn thất của doanh nghiệp trên địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương báo cáo Trung ương để có những giải pháp rộng hơn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ đã báo cáo chung tình hình hoạt động tín dụng cũng như giải pháp đặt ra dưới góc độ tổng thể; chỉ đạo chung của NHNN với các NHTM về vấn đề lãi suất cũng như thanh khoản trong hệ thống.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các NHTM đã chia sẻ một số giải pháp nhằm phòng chống dịch nCoV, cũng như đề xuất một số giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, tổn thất do dịch gây ra.
Nhìn chung, các NHTM đều đã có ý thức đối với công tác phòng, chống dịch khi chỉ đạo toàn thể cán bộ, nhân viên, đặc biệt là với khối giao dịch viên phải thường xuyên tiếp xúc với khách hàng thực hiện nghiêm việc vệ sinh phòng dịch, đeo khẩu trang, rửa tay trước và sau khi kiểm đếm tiền. Tại nhiều phòng giao dịch, chi nhánh trong hệ thống của hầu hết ngân hàng đều đã trang bị khẩu trang miễn phí cũng như nước rửa tay sát khuẩn cho khách hàng tới giao dịch, đồng thời tích cực cập nhật kiến thức, chia sẻ thông tin chính thống về dịch nCoV tới khách hàng.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngân hàng phải bình tĩnh đánh giá đúng tác động để có những giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả trong thẩm quyền của TCTD. Cam kết cung cấp đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đại diện Agribank cũng thông tin nhà băng này trong thẩm quyền của TCTD đang nghiên cứu, chỉ đạo xem xét việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Phía Agribank cũng đề xuất với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cần sớm có dự báo với các vùng, khu vực, doanh nghiệp, khách hàng nhỏ lẻ, tránh trường hợp đối tượng lợi dụng để được giảm lãi suất.
Chia sẻ tại Hội nghị, Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, Vietcombank đã chỉ đạo tới toàn thể cán bộ, nhân viên toàn hệ thống, đặc biệt tại các chi nhánh cần bám sát tới khách hàng, trên cơ sở đó có đề xuất cùng với khách hàng tháo gỡ khó khăn. Về định hướng chung, ông Dũng cho biết, Ban Lãnh đạo Vietcombank đã chỉ đạo các bộ phận tại Hội sở chính sớm xây dựng chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV. Ngoài ra, với những lĩnh vực trực tiếp tham gia phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân, Vietcombank cũng có những chính sách phù hợp.
Về việc cơ cấu lại thời gian cho vay, lãnh đạo Vietcombank kiến nghị, NHNN sớm có chính sách để các NHTM có thể thực hiện nếu cơ cấu lại cho các khách hàng thuộc đối tượng bị ảnh hưởng do dịch nCoV thì vẫn giữ nguyên nhóm nợ.
Việc xem xét, tháo gỡ vướng mắc trong cơ cấu lại nợ cho khách hàng cũng là quan điểm chung của nhiều ngân hàng như BIDV, VietinBank, LienVietPostBank, Eximbank...
Toàn cảnh hội nghị |
Bà Ninh Thị Lan Phương, Phó tổng giám đốc SHB cũng cho hay, ngân hàng này đã tích cực truyền thông và khuyến khích khách hàng thời gian này sử dụng các hoạt động thanh toán online, theo đó SHB cũng có những chính sách miễn hoặc giảm phí với các giao dịch chuyển tiền qua các kênh trực tuyến (internet banking, mobile banking...). Ngoài ra, “với những ngành hàng như du lịch, vận chuyển, xuất nhập khẩu... SHB cũng hỗ trợ tư vấn tài chính, hoặc tìm các đối tác để giúp doanh nghiệp gặp khó khăn, thiệt hại trong kinh doanh”, bà Phương chia sẻ.
Tiếp tục triển khai Chỉ thị của Thống đốc, không thể vì dịch bệnh mà làm chững lại
Lắng nghe các kiến nghị, đề xuất từ phía NHTM, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định lại một lần nữa Chính phủ đang rất quyết liệt trong phòng, chống dịch. Và với trách nhiệm của các bộ, ngành, ngành Ngân hàng phải nhận thức và nâng cao trách nhiệm vấn đề phòng, chống, hạn chế tới mức thấp nhất tác động của dịch nCoV. Bên cạnh đó, các đơn vị trong toàn Ngành phải tiếp thu, kịp thời nắm bắt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch, bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhất là những tỉnh có công bố dịch để có sự phối hợp trong công tác phòng, chống dịch hợp lý, hiệu quả.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, hệ thống NHNN chi nhánh cũng như phòng giao dịch, chi nhánh của các NHTM, nhất là bộ phận giao dịch phải đảm bảo hoạt động bình thường, không được gián đoạn; cẩn trọng với những thông tin thất thiệt, ảnh hưởng tới xã hội. Các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời Chỉ thị 01 của Thống đốc.
Riêng với các đơn vị, vụ, cục, chi nhánh NHNN, Phó Thống đốc yêu cầu cần chủ động nắm bắt, đánh giá tình hình, dự báo tác động của dịch. Theo Phó Thống đốc, ngân hàng với doanh nghiệp là quan hệ cộng sinh. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn cũng sẽ ảnh hưởng tới ngân hàng. Bởi thế, các đơn vị chức năng cần đưa ra giải pháp trong ngắn hạn, trung hạn để kịp thời tham mưu cho Ban Lãnh đạo của NHNN. Các đơn vị như Cơ quan Thanh tra giám sát, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của các NHTM trong việc tái cơ cấu nợ, giãn hoặc hoãn nợ... sẽ ảnh hưởng ra sao, tuỳ thuộc mức độ trầm trọng và thời gian kết thúc dịch, đề có sự chuẩn bị, chủ động, để đảm bảo các giải pháp đưa ra phù hợp và đúng đối tượng. Cơ quan Thanh tra giám sát, các đơn vị giám sát an toàn hệ thống tiếp tục làm tốt chức năng, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, cũng như NHTM để có những biện pháp cần thiết.
"NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nếu thật sự có khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh. Vì vậy, ở thời điểm này, các NHTM quán triệt không tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động, dù trong điều kiện thanh khoản đang tốt", Phó Thống đốc yêu cầu.
Về phía các TCTD, Phó Thống đốc yêu cầu tiếp tục triển khai tốt Chỉ thị 01 của Thống đốc, triển khai hoạt động kinh doanh năm 2020 theo như kế hoạch, nhiệm vụ đặt ra đầu năm, không thể vì dịch bệnh mà làm chững lại. Song song với đó tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ khách hàng của mình và những hoạt động ảnh hưởng tới ngân hàng. Phó Thống đốc nêu rõ quan điểm của Ngành là quyết tâm chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp. Mỗi TCTD cũng phải xây dựng kịch bản riêng ứng xử với dịch, đưa ra các giải pháp hỗ trợ, có chương trình hành động cụ thể, phù hợp với chủ trương, định hướng của ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc, với việc cơ cấu lại nợ, các giải pháp như giãn thời hạn trả nợ, giảm lãi đã xác định trong hợp đồng; hay cho vay mới để có điều kiện khắc phục khó khăn; hoãn trả lãi... trong thẩm quyền của NHTM cần được xem xét thật cụ thể. Đối với lãi suất, trên tinh thần đối với những lĩnh vực, đối tượng đang khó khăn thì nên giảm lãi suất cho những đối tượng này, bên cạnh những đối tượng thuộc lĩnh vực ưu tiên. “Điều này chính là sự chia sẻ, thể hiện trách nhiệm của ngân hàng đối với xã hội, với người dân”, Phó Thống đốc khẳng định.
Ngoài ra, các hoạt động khác của TCTD như cải cách hành chính, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt... đảm bảo tiếp tục được tiến hành. Các TCTD cần chủ động tuyên truyền cho khách hàng của mình, đồng thời báo cáo cơ chế chính sách của TCTD cho chính quyền địa phương; tăng cường chi phí cần thiết hỗ trợ cho cán bộ trực tiếp làm giao dịch với khách hàng.