Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh
Tính đến cuối tháng 12/2023, tổng nguồn vốn huy động trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt 123.000 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cuối năm 2022.
Hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chú trọng công tác huy động vốn từ tiền gửi tiết kiệm trong dân cư, tiền gửi của các tổ chức kinh tế, nguồn ngoại hối chuyển về nước và phát hành giấy tờ có giá… Các TCTD cung cấp cho khách hàng nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng, hướng đến từng đối tượng khách hàng khác nhau với các khoản tiết kiệm từ giá trị thấp đến giá trị cao để khách hàng lựa chọn.
Tuy nhiên, năm 2023, các NHTM trên địa bàn gặp nhiều khó khăn trong công tác huy động vốn do nền kinh tế khó khăn, người dân và doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nguồn vốn tích lũy.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc |
Về tín dụng, dư nợ cho vay toàn địa bàn đến 31/12/2023 ước đạt 128.000 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cuối năm 2022; trong đó, ngành Ngân hàng cho vay đối với 3.300 doanh nghiệp, dư nợ đạt 53.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41,4% tổng dư nợ, tăng 8,64% so với năm 2022.
Chất lượng tín dụng được đảm bảo, cơ cấu tín dụng phần lớn là cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm tỷ lệ 86,2% tổng dư nợ).
Phân theo đối tượng vay vốn, dư nợ tập trung chủ yếu vào khu vực trọng yếu của nền kinh tế là cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác (chiếm 56,5% dư nợ), góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện kinh tế gia đình; Khu vực doanh nghiệp (chiếm 43,35% dư nợ), tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động, ổn định sản xuất và mở rộng kinh doanh; Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 4,53% so với năm 2022; Cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 26.800 tỷ đồng, tăng 1,75% so với năm 2022.
Tín dụng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn luôn có mức tăng trưởng ổn định, góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở các vùng nông thôn.
Các chương trình tín dụng chính sách cũng có những tác động mạnh mẽ đến điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh. Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho vay đối với 26.000 lượt khách hàng, doanh số cho vay đạt 700 tỷ đồng; với dư nợ cho vay ước đạt 4.300 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với năm 2022; hơn 105 ngàn khách hàng có dư nợ, với 15 chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và thoát nghèo, cho vay học sinh sinh viên, cho vay hộ gia đình sản xuất tại khu vực khó khăn…
Kết quả hoạt động của ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ổn định an ninh, quốc phòng, đưa Vĩnh Phúc tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa và hội nhập.
Để đạt được kết quả nêu trên, ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã triển khai hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để ngân hàng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, qua đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm từ 1,5-2%/năm; 3 lần giảm lãi suất huy động tối đa đối với tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng với mức giảm từ 0,5-1,25%/năm và 3 lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực ưu tiên với tổng mức giảm là 1,5%/năm; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với mức giảm từ 1,5-2%/năm tùy từng đối tượng khách hàng, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, công tác thanh toán và dịch vụ ngân hàng đã được các TCTD trên địa bàn quan tâm đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, đa dạng hóa các phương tiện thanh toán, đảm bảo tiện ích, hiện đại, đáp ứng chuẩn mực thông lệ khu vực và quốc tế. Năm 2023, tổng giao dịch thanh toán qua internet tăng 81,5% về số lượng và 13,8% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 70,1% về số lượng và 15% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 140,4% về số lượng và 50,3% về giá trị. Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại TCTD đạt khoảng 60%; hơn 700 nghìn tài khoản thanh toán và khoảng 132 nghìn thẻ được mở bằng phương thức điện tử; gần 30 nghìn tài khoản Mobile Money đã được mở với khoảng 40% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Năm 2024 xác định là năm sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc phấn đấu giữ ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; Đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia; Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển; Nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng huy động vốn là 12-14%, tín dụng là 10-12%, kiểm soát nợ xấu ở mức tỷ lệ dưới 3% tổng dư nợ.
Để thực hiện mục tiêu nói trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc và giám sát các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong đó, chỉ đạo các TCTD: Cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen; Tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31; Tích cực, chủ động thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ; Triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN…
Ông Hoàng Duy Chinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại lễ Tổng kết |
Ông Hoàng Duy Chinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Để thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của UBND tỉnh để chỉ đạo, đôn đốc các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn tuân thủ đúng quy định của pháp luật, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững”.