Ngành xây dựng - vật liệu xây dựng: Triển vọng và cơ hội bứt phá trong năm 2021
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, ngành xây dựng tăng 6,76%, giảm đáng kể so với mức tăng trưởng trong giai đoạn 2015-2019, đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm ngành xây dựng giai đoạn 2011-2020
Những khó khăn chủ yếu trong năm 2020 đối với ngành này đến từ những gián đoạn, bất ổn do dịch bệnh. Trong đó, biến động về giá nguyên vật liệu sản xuất tiếp tục là một trong những khó khăn hàng đầu đối với 66,7% số doanh nghiệp xây dựng và 71,4% số doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Yếu tố thiên tai, thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của 58,3% doanh nghiệp xây dựng, thêm nữa, những giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến lực lượng lao động và tâm lý của người lao động, khiến cho tình hình càng trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, một số vấn đề còn tồn đọng trong giai đoạn trước như số lượng dự án được phê duyệt giảm, thủ tục hành chính, giấy tờ pháp lý hay quá trình triển khai đấu thầu, tình trạng thiếu vốn… cũng gây ra lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Top 6 rào cản ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2020
2021 - cơ hội đổi thay và bứt phá
Bước sang năm 2021, COVID-19 đã thay đổi cách thế giới vận hành và theo đó tác động đáng kể đến lĩnh vực xây dựng. Trong đó, những thay đổi lớn nhất bao gồm: (1) Có nhiều nhà đầu tư lớn và thông thái hơn tham gia xây dựng với yêu cầu cao hơn về quy mô và phân phối dự án; (2) Gia tăng mức độ quan tâm của khách hàng đối với các tòa nhà “thông minh” (ứng dụng kỹ thuật số như IoT, sử dụng năng lượng, vận hành hiệu quả…); (3) Khách hàng chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững trong ngành; (4) Lao động lành nghề trở nên khan hiếm và đắt đỏ; và (5) Các quy định và quy tắc xây dựng đang thay đổi, trở nên hài hòa hơn để tạo ra phương pháp xây dựng tiêu chuẩn.
Một thị trường thay đổi, cùng với tiến bộ công nghệ và những nhân tố mới có tính đột phá sẽ tạo ra cú hích thay đổi toàn diện hoạt động của ngành. Những cú hích như công nghệ sản xuất mới, quá trình số hóa sản phẩm, số hóa các kênh bán hàng, công nghệ vật liệu mới đều được dự báo tăng lên so với giai đoạn trước.
5 thay đổi lớn nhất của thị trường xây dựng - vật liệu xây dựng sau COVID-19
Tất cả những thay đổi trên đã và đang làm cho toàn ngành xây dựng - vật liệu xây dựng cũng như từng doanh nghiệp dần “lột xác” với một diện mạo hoàn toàn mới, trở nên mạnh hơn, bền bỉ hơn. Tuy nhiên, chúng ta còn một con đường dài phía trước.
Kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục sau một năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 nhưng mức tăng trưởng chỉ đạt khoảng 4% vào năm 2021. Trong khi đó, theo FMI, hoạt động xây dựng thường có độ trễ từ 12 đến 18 tháng so với suy thoái chung. Riêng đối với Việt Nam - một trong 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất, một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm vừa qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào bức tranh kinh tế tươi sáng hơn trong năm nay.
31,6% số doanh nghiệp ngành xây dựng- vật liệu xây dựng tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong 6 tháng đầu năm và có tới 47,4% số doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng trong 12 tháng tới. Đáng chú ý, khoảng 15,8% số doanh nghiệp cho rằng sẽ có bùng nổ ở một vài phân khúc và thị trường khu vực nhất định trong 6 tháng tới.
Dự báo kịch bản chung cho hoạt động của toàn ngành
Thứ nhất, nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén lại suốt một năm bị gián đoạn hoạt động do dịch bệnh đã sẵn sàng bật tăng trở lại. Theo đánh giá của một số chuyên gia, sắp tới sẽ có một cuộc chạy đua quyết liệt để bù đắp những mất mát trong thời gian qua. Động lực chạy đua là sinh kế của chính doanh nghiệp.
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước đã có những động thái tích cực trong việc giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính gây ra sự chững lại của thị trường trong giai đoạn 2019-2020.
Thứ ba, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã cải thiện rất nhiều với việc vắc-xin được đưa vào sử dụng.
Tóm lại, hội tụ tất cả các yếu tố trên sẽ tạo ra thời cơ cho sự phát triển của thị trường trong năm 2021.
Những xu hướng nổi bật
Bên cạnh những bất ổn và gián đoạn như đã phân tích ở trên, đại dịch cũng đã củng cố một số xu hướng đang diễn ra. Những xu hướng này sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến việc định hình thị trường trong thời kỳ hậu COVID-19. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 8 xu hướng nổi bật như sau:
Một số xu hướng nổi bật trong thời kỳ hậu COVID-19
Xu hướng thứ nhất: Lấy khách hàng làm trung tâm và xây dựng thương hiệu.
Cũng như trong các ngành tiêu dùng truyền thống, một thương hiệu mạnh có thể gắn kết khách hàng chặt chẽ hơn với sản phẩm của nhà thầu hoặc nhà cung cấp vật liệu xây dựng, đồng thời giúp xây dựng và duy trì mối quan hệ cũng như thu hút khách hàng mới. Xây dựng một thương hiệu mạnh cần mất nhiều thời gian.
Để có thể giành được sự tín nhiệm và tôn trọng từ khách hàng, doanh nghiệp cần cho thấy rằng cam kết với khách hàng là lẽ sống còn của mình, theo đó, phương pháp tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm (customer centricity) hiện đang trở thành một xu hướng nổi bật, nhất là trong một thị trường có nhiều đổi thay, dịch bệnh đã làm đảo lộn cuộc sống và tác động không nhỏ đến hành vi người tiêu dùng.
Nội dung cơ bản của phương pháp này là thiết kế, xây dựng nên các sản phẩm và dịch vụ nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất dành cho khách hàng. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần phải nắm rõ tâm lý khách hàng, hiểu được họ đang cần gì và muốn gì từ đó lập bản đồ hành trình khách hàng và đưa ra chiến lược tiếp thị hiệu quả. Một sản phẩm tốt chưa đủ để giữ chân khách hàng, nhưng nếu một sản phẩm tốt đi kèm một dịch vụ đánh trúng vào tâm lý khách hàng sẽ khiến cho họ bị thu hút và đưa ra quyết định mua sản phẩm ngay lập tức.
Xu hướng thứ hai: Tính bền vững.
Đối với nhóm vật liệu xây dựng, hoạt động sản xuất xi măng đóng góp tới 7%-8% lượng khí thải carbon dioxide của thế giới. Do đó, áp lực cắt giảm khí thải đối với ngành công nghiệp này được dự báo sẽ gia tăng đáng kể trong khoảng ba thập kỷ tới. Các doanh nghiệp trong ngành hiện đang nỗ lực thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải bằng cách tăng cường sử dụng các nguyên liệu và nhiên liệu thay thế trong quá trình sản xuất xi măng.
Ngoài các cuộc thảo luận về giảm thiểu carbon, các rủi ro khí hậu đang ngày càng gia tăng và cần có biện pháp ứng phó. Các doanh nghiệp sẽ cần phải xem xét tác động môi trường khi tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, sản xuất sẽ trở nên bền vững hơn (ví dụ: sử dụng máy móc điện, năng lượng tái tạo), và chuỗi cung ứng sẽ được tối ưu hóa cho tính bền vững cũng như khả năng phục hồi. Ngoài ra, tiêu thụ nước, bụi, tiếng ồn và chất thải cũng là những yếu tố quan trọng cần xem xét.
Xu hướng thứ ba: Đầu tư vào công nghệ và cơ sở vật chất.
Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp xây dựng hàng đầu đã áp dụng công nghệ mới và bước đầu lấy số hóa làm trọng tâm trong công việc. COVID-19 đã góp phần tăng tốc việc sử dụng công nghệ và quy trình kỹ thuật số trong ngành.
Từ năm 2021 trở đi sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa cho các doanh nghiệp hình dung lại cách họ sử dụng công nghệ và dữ liệu để xây dựng khả năng phục hồi. Trong đó, chìa khóa để xây dựng khả năng phục hồi chính là sự tương tác với dữ liệu (các bên liên quan phân phối dự án khác nhau giao tiếp hiệu quả và hợp lý hóa luồng thông tin với nhau). Khung trao đổi dữ liệu chung (common data exchange-CDX) cho phép các nhóm dự án xác định yêu cầu về khả năng tương tác để có thể sử dụng máy học và trí tuệ nhân tạo.
Xu hướng thứ tư: Đầu tư vào con người và tài nguyên, nguồn lực.
Các doanh nghiệp trong ngành sẽ tiếp tục tăng cường việc xây dựng một lực lượng lao động có năng lực. Một lực lượng lao động đa dạng cung cấp nhiều kinh nghiệm và kỹ năng hơn sẽ cải thiện việc ra quyết định, nâng cao mức độ gắn bó và giữ chân của nhân viên cũng như tăng lợi nhuận.
Thêm vào đó, như đã phân tích ở trên, sự đổi mới trong cách sử dụng công nghệ sẽ thúc đẩy ngành trở nên bền vững và linh hoạt hơn. Điều đó đòi hỏi sự đầu tư vào lực lượng lao động thông minh, có trình độ học vấn, đa dạng và các nhà lãnh đạo chiến lược, những người cộng tác với khách hàng và đối tác để cùng thành công.
Xu hướng thứ năm: Quản trị chuỗi giá trị và tích hợp với các chuỗi giá trị cấp ngành.
Xu hướng này đã diễn ra trong thời gian gần đây và được Vietnam Report đề cập trong Báo cáo ngành BĐS- xây dựng- vật liệu xây dựng năm 2020. Dễ thấy, các doanh nghiệp đang dần chuyển sang sở hữu hoặc kiểm soát các hoạt động quan trọng dọc theo chuỗi giá trị, chẳng hạn như thiết kế và kỹ thuật, sản xuất thành phần chọn lọc, quản lý chuỗi cung ứng và lắp ráp tại chỗ.
Các doanh nghiệp có thể đạt được mục tiêu này thông qua tích hợp theo chiều dọc hoặc hợp tác chiến lược. Việc tích hợp hoặc kiểm soát chuỗi giá trị sẽ giảm thiểu xung đột và làm cho quá trình đổi mới diễn ra nhanh hơn.
Xu hướng thứ sáut: Chuyên môn hóa.
Để cải thiện tỷ suất lợi nhuận và mức độ khác biệt của mình, các doanh nghiệp trong ngành sẽ bắt đầu chuyên môn hóa các phân khúc và ngách mục tiêu để có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh thông qua việc sử dụng các vật liệu, phân đoạn hoặc phương pháp xây dựng khác nhau.
Sự chuyển đổi theo hướng chuyên môn hóa cũng sẽ đòi hỏi các công ty phải nâng cao kiến thức và năng lực để duy trì lợi thế cạnh tranh của họ. Rõ ràng, doanh nghiệp trong ngành sẽ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa tính hiệu quả và định vị thương hiệu khi tiến hành chuyên môn hóa sâu hơn và những lợi ích hoặc rủi ro tiềm ẩn khi tiến hành đầu tư đa dạng hơn.
Xu hướng thứ bảy: Củng cố hệ thống quản trị.
Để có thể tạo ra khả năng phục hồi lâu dài và gia tăng thị phần, trước tiên doanh nghiệp xây dựng phải nhìn vào bên trong và củng cố hệ thống tổ chức của chính mình. Không có chiến lược, công nghệ hoặc tầm nhìn điều hành nào sẽ thành công trừ khi nhân viên thống nhất trong sứ mệnh công ty và tất cả đều hướng tới việc đạt được thành công chung.
Xu hướng thứ tám: Phương pháp tiếp cận dựa vào sản phẩm.
Xây dựng tiền chế là một trong những điển hình của phương pháp tiếp cận dựa trên sản phẩm. Xây dựng tiền chế có nghĩa là các cấu phần và dịch vụ liên quan được thiết kế một cách chuẩn hóa nhưng có thể tùy chỉnh linh hoạt, được sản xuất tại các nhà máy bên ngoài công trường và được vận chuyển và lắp ráp tại chỗ.
Quy trình sản xuất sẽ giống với các ngành công nghiệp khác như đóng tàu hoặc sản xuất ô tô với dây chuyền lắp ráp trong môi trường an toàn, không có chất thải và được lặp lại liên tục. Để sản xuất hiệu quả và học hỏi thông qua việc lặp lại, các nhà phát triển BĐS, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và nhà thầu sẽ cần phải chuyên môn hóa phân khúc người dùng cuối cùng.
Các ưu tiên chiến lược đối với doanh nghiệp
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp ngành xây dựng- vật liệu xây dựng cho biết, họ sẽ tập trung vào 6 chiến lược chính: (1) Đảm bảo tốt hiệu quả, chất lượng, tiến độ của các dự án, công trình hiện có; (2) Tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường; (3) Đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ; (4) Tiếp tục phát triển thương hiệu; (5) Đầu tư công tác nghiên cứu và phát triển (R&D); và (6) Đánh giá nguồn lực, tái cấu trúc doanh nghiệp.
Các ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp xây dựng - vật liệu xây dựng
So với thời điểm dịch bệnh bùng phát cách đây 1 năm, có hai điểm khác biệt lớn trong chiến lược kinh doanh năm nay.
Một là thứ tự ưu tiên của các nhiệm vụ trọng tâm. Như đã phân tích ở trên, trong năm 2021 sẽ có một cuộc chạy đua quyết liệt nhằm bù đắp những mất mát trong giai đoạn trước, vì thế, ưu tiên hàng đầu đối với 91,7% doanh nghiệp trong ngành chính là đảm bảo tốt, hiệu quả các dự án, công trình hiện có.
Hai là xuất hiện xu hướng đánh giá, tái cấu trúc doanh nghiệp. Giai đoạn trước khi COVID-19 bùng phát, dòng tiền của doanh nghiệp gặp khó khăn, công tác quản trị doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào quản trị tài chính.
Tuy nhiên, sau một năm gồng mình chống chịu với dịch bệnh, 26,3% số doanh nghiệp ngành xây dựng- vật liệu xây dựng cho biết họ sẽ tiến hành rà soát, đánh giá nguồn lực, tái cấu trúc doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình diễn biến thị trường.
Phát triển thương hiệu hậu COVID-19 Bên cạnh những chiến lược được điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường có nhiều đổi thay sau COVID-19, “phát triển thương hiệu” tiếp tục là một trong những chiến lược ưu tiên trong năm nay. Kết quả phân tích truyền thông trong năm 2020-2021 của Vietnam Report cho thấy, Coteccons là nhà thầu có sự xuất hiện nhiều nhất, với độ phủ thông tin dày đặc trên các trang báo có ảnh hưởng, bỏ xa các nhà thầu khác như Hòa Bình, FLC Faros, Vinaconex. Tuy nhiên xét về mức độ "an toàn" thông tin (tỷ lệ chênh lệch tin tích cực và tiêu cực trong tổng số thông tin được mã hóa của doanh nghiệp) thì Fecon, Unicons và Delta lại tốt hơn. Những nhà thầu nổi bật trên truyền thông Để đạt được điều đó, trước tiên doanh nghiệp cần xác định những yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược phát triển và nâng cao uy tín. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng nhiều nhất tới chiến lược của doanh nghiệp bao gồm: (1) Kinh tế vĩ mô chuyển biến tốt; (2) Sức chịu đựng và khả năng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19; (3) Nút thắt trong chính sách bất động sản được gỡ bỏ; (4) Khả năng kiểm soát dịch bệnh; (5) Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam; (6) Lãi suất giảm; và (7) Sự biến động của giá nguyên liệu và phụ gia. Bên cạnh đó, từ phía doanh nghiệp, bàn giao dự án đúng tiến độ, năng lực tài chính, chất lượng công trình, chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu, phát triển sản phẩm, sự tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ là những yếu tố hàng đầu tạo nên uy tín của doanh nghiệp. Top 7 yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược phát triển và nâng cao uy tín của doanh nghiệp Sau nữa, doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư truyền thông hợp lý, tích cực và chủ động. Tuy nhiên, kết quả đánh giá truyền thông trong giai đoạn 2020-2021 của Vietnam Report lại chỉ ra rằng, các doanh nghiệp ngành xây dựng- vật liệu xây dựng đang thiếu tính chủ động trên truyền thông khi có tới 86% thông tin là do báo chí tự khai thác, không thay đổi so với giai đoạn trước. Nghiên cứu của Vietnam Report cũng cho thấy, tiếng nói từ phía doanh nghiệp chỉ được tăng cường vào những giai đoạn cao điểm chống COVID-19 (tháng 3/2020, tháng 7/2020), thể hiện qua tỷ lệ nguồn thông tin từ doanh nghiệp tăng mạnh, những khoảng thời gian khác trong năm, lượng thông tin chủ yếu vẫn dẫn nguồn từ báo chí. Tỷ lệ thông tin mã hóa của các doanh nghiệp phân theo nguồn thông tin trên truyền thông Về độ đa dạng hình ảnh doanh nghiệp qua lăng kính truyền thông, khoảng 37,4% số doanh nghiệp có độ bao phủ thông tin đạt mức 10/24 nhóm chủ đề, cải thiện đáng kể so với mức 23,0% trong giai đoạn trước. Các công ty xây dựng- vật liệu xây dựng có trên 10 nhóm chủ đề bao phủ Đáng chú ý, chỉ có 5,5% số doanh nghiệp nghiên cứu đạt ngưỡng hiệu quả đối với chủ đề Khách hàng, sản phẩm, giảm đáng kể so với năm trước. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt chưa thực sự chủ động và còn khá lúng túng trong công tác nghiên cứu thị hiếu, hành vi người tiêu dùng. Như đã phân tích ở trên, thị trường đã có nhiều thay đổi, trong đó có xu hướng lấy khách hàng làm trung tâm, xây dựng thương hiệu và phương pháp tiếp cận theo sản phẩm. Chỉ khi doanh nghiệp nắm bắt được thị hiếu và cung cấp các sản phẩm/công trình phù hợp với nhu cầu và xu hướng thị trường thì mới có thể phát triển được một thương hiệu mạnh và bền vững. |
Cùng với báo cáo phân tích ngành xây dựng - vật liệu xây dựng, Vietnam Report cũng công bố Top 10 Nhà thầu Xây dựng uy tín năm 2021; Top 5 Nhà thầu Cơ điện Việt Nam uy tín năm 2021; Top 10 Công ty Vật liệu xây dựng uy tín năm 2021; Top 5 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2021 - Nhóm sản phẩm: Gạch, đá ốp lát; Top 5 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2021 - Nhóm sản phẩm: Sắt, thép, tôn; và Top 5 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2021 - Nhóm sản phẩm: Cửa-tấm profile-vách ngăn: nhựa, nhôm kính, thạch cao.