Nghiên cứu hoàn thiện mô hình tiết kiệm nhà ở cho người thu nhập thấp
Tín dụng nhà ở xã hội: Thiếu nguồn vốn, chính sách chưa thực sự lan tỏa | |
Cho vay mua nhà ở xã hội: Đủ thủ tục sẽ được vay vốn |
Ông Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc NHCSXH phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Trần Giáp |
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, hiện nhu cầu nhà ở xã hội tại Việt Nam là rất lớn. Theo tính toán của Bộ Xây Dựng, từ nay đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2/người) và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cần phải xây dựng khoảng 700 nghìn căn hộ. Vì vậy, phát triển nhà ở được coi là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế mà còn là nhiệm vụ chính trị trong việc đảm bảo nhu cầu cơ bản cho người dân về chỗ ở và thực hiện an sinh xã hội ở Việt Nam. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân.
Với vai trò là ngân hàng được Chính phủ giao thực hiện chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, ông Dương Quyết Thắng chia sẻ, chương trình này đã và đang triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế, điều kiện thu nhập của người lao động hiện nay còn thấp, giá nhà biến động lớn trong dài hạn. Để thúc đẩy thị trường và đặc biệt là giải quyết vấn đề nhà ở cho đại bộ phận nhân dân, bên cạnh vai trò của Nhà nước và ngân hàng, giải pháp khuyến khích, nâng cao ý thức tiết kiệm tiền lo nhà ở trong nhân dân cần được nhấn mạnh và có chính sách khuyến khích. Theo ông Dương Quyết Thắng, việc tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tiết kiệm nhà ở cho người thu nhập thấp mua, thuê mua nhà ở xã hội là phù hợp, đỡ một phần gánh nặng cho ngân sách và là một bước triển khai cụ thể về nhà ở xã hội.
Ông Jorg Ruger – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho rằng, không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh hay Berlin, giá cả nhà ở đang tăng rất nhanh trong những năm qua. Không tìm được nhà ở thật sự là vấn đề của nhiều gia đình.
Có rất nhiều công cụ để Chính phủ có thể khắc phục tình trạng này. Một trong những công cụ có thể giúp người dân trong tình hình này là hệ thống tiết kiệm và cho vay nhà ở, gọi tắt là tiết kiệm nhà ở, chủ đề chúng ta thảo luận hôm nay. Tại Đức, hệ thống này đã rất thành công đối với các hộ gia đình có thu nhập trung bình và giúp họ mua được nhà ở ổn định.
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Trần Giáp |
Chia sẻ về kinh nghiệm tiết kiệm nhà ở ông Micheal Dorner – Giám đốc các dự án Hợp tác quốc tế BSH cho biết, BSH dẫn đầu thị trường Đức trong lĩnh vực tiết kiệm nhà ở và là ngân hàng tiết kiệm nhà ở lớn nhất thế giới. Hiện nay, BSH đã có các chi nhánh tại nhiều nước trên thế giới như: Slovakia, Cộng hòa Séc, Hungari, Rumani và một số vùng của Trung Quốc…
Ngân hàng BSH nhận tiền gửi tiết kiệm và cho vay về nhà ở đối với khách hàng đã gửi tiền. Theo mô hình này, nguồn vốn huy động của BSH là từ đóng góp của người lao động thông qua Hợp đồng tiết kiệm. Khách hàng có nhu cầu nhà ở trong tương lai thỏa thuận với BSH về mức tiền tiết kiệm và thực hiện tiết kiệm hàng tháng với lãi suất cố định. Khi đã tiết kiệm được tối thiểu 50% giá trị nhà ở cần mua, khách hàng được vay 50% còn lại với lãi suất thấp, cố định đã thỏa thuận khi ký Hợp đồng tiết kiệm.
Ông Rolf Stadel – Giám đốc Dự án Việt Nam - BSH cho rằng, thời gian đầu thực hiện tiết kiệm nhà ở rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách thưởng trực tiếp cho người tham gia tiết kiệm. Chẳng hạn, năm 1952 mức hỗ trợ của Nhà nước lên đến 143% thu nhập hàng tháng của người tham gia tiết kiệm nhà ở, nhưng hiện nay chỉ ở mức 2%. Nhưng ở Áo do có tới 60% dân số tham gia tiết kiệm nhà ở nên mức hỗ trợ của Nhà nước chỉ là 1%. “Như vậy, có thể thấy vốn hỗ trợ Nhà nước với tiết kiệm nhà ở mức nào tùy thuộc thực tế mỗi nước và nếu áp dụng, Việt Nam cũng có thể thiết kế cho mình một mức phù hợp.” – ông Rolf Stadel nói.
Theo các chuyên gia của Đức, quyết định thành công của mô hình BSH là tạo và duy trì được niềm tin của nhân dân đối với hệ thống Quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở. Và để đạt được yếu tố then chốt này Chính phủ xây dựng khung pháp lý đảm bảo hoạt động lâu dài của hệ thống. Theo đó, quy định các hoạt động tiết kiệm được làm và các hoạt động đầu tư rủi ro tuyệt đối không được làm. Đồng thời, Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ khuyến khích người gửi tiết kiệm nhà ở.