Tín dụng nhà ở xã hội: Thiếu nguồn vốn, chính sách chưa thực sự lan tỏa
Dự kiến cán đích kế hoạch dư nợ được giao, song lãnh đạo NHCSXH cùng các nhà quản lý trung ương, địa phương lo ngại cũng như thực trạng hiện nay, nguồn vốn cho vay còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu khiến chính sách cho vay nhà ở xã hội tại NHCSXH khó lan tỏa trong cuộc sống.
Đó là nội dung của buổi tọa đàm với chủ đề “Cho vay mua nhà ở xã hội - Hiện thực hóa ước mơ an cư lập nghiệp” mà Báo Đại biểu quốc hội tổ chức cuối chiều ngày 8/11/2018.
Nguồn vốn - yếu tố quyết định
Chia sẻ cùng các nhà hoạch định chính sách của Quốc hội và các lãnh đạo địa phương đang được thu hưởng nguồn vốn này, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cho biết: “Nhìn nhận đây là một chương trình có ý nghĩa an sinh xã hội và nhân văn sâu sắc, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 100, NHCSXH đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và xây dựng các quy trình nội bộ để thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội. Ngày 27/7/2016, Tổng Giám đốc NHCSXH đã ban hành văn bản số 2526/NHCS-TDSV về Hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở tại NHCSXH với quy trình, thủ tục cho vay đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện”
NHCSXH đã phối hợp với chính quyền địa phương và bốn tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân hiểu về cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ về nhà ở xã hội tại NHCSXH.
Ngày 29/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1291/QĐ-TTg giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 đợt 2, theo đó cấp vốn cho NHCSXH để thực hiện cho vay nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020 là 1.062 tỷ đồng. Ngày 27/12/2017 tại Nghị quyết số 466/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư trung dài hạn giai đoạn 2016-2020 cho NHCSXH để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội là 101,208 tỷ đồng.
Như vậy, ngân sách nhà nước từ nay đến năm 2020 cấp 1.163 tỷ đồng cho NHCSXH để cho vay, đồng thời NHCSXH huy động thêm 50% tạo tổng nguồn vốn là 2.326 tỷ đồng.
Năm 2018, NHCSXH được ngân sách nhà nước cấp 500 tỷ đồng cùng với số vốn NHCSXH huy động tạo nguồn vốn cho vay trong năm 2018 là 1.000 tỷ đồng.Ngay sau khi được chuyển vốn, NHCSXH đã chỉ đạo các chi nhánh tỉnh, thành phố, phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện tích cực, khẩn trương báo cáo chính quyền địa phương, tham mưu phân giao nguồn vốn và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện đến tất cả các địa bàn xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.
“Thời gian đầu triển khai thực hiện đối với cả người cho vay và người đi vay không tránh khỏi những lúng túng và vướng mắc” ông Lý chia sẻ.
Bởi chương trình cho vay nhà ở xã hội tại NHCSXH không phải là một gói cho vay với số tiền và thời hạn cụ thể mà đây là một chính sách lâu dài của Chính phủ.Việc chuẩn bị hồ sơ của người vay mất nhiều thời gian, nhiều công đoạn và liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau như: xác nhận đối tượng, mức thu nhập; thiết kế, lập dự toán và xin cấp phép xây dựng theo quy định; việc công chứng, chứng thực Hợp đồng và các giấy tờ liên quan; đăng ký giao dịch bảo đảm...số tiền cho vay lớn, thời gian cho vay dài, thẩm định cho vay tương đối phức tạp.
“Có những vướng mắc NHCSXH đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ nhưng có những vướng mắc người đi vay phải tự khắc phục.Ngoài ra, hiện nay có tâm lý đây là chương trình tín dụng dài hơi nên đối tượng vay vốn không vội vay. Nhiều người đang cân nhắc nên vay năm nay hay năm sau, mua chỗ nào để phù hợp với hoàn cảnh.Đến giờ phút này NHCSXH chưa nhận được trường hợp phản ánh nào đủ điều kiện vay mà chưa được vay”, ông Lý cho hay.
Kết quả cho vay từ tháng 4/2018 đến nay, có 55 chi nhánh tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho vay, tổng dư nợ đạt 310 tỷ đồng, với 1.189 khách hàng đang vay vốn. Trong đó các chi nhánh triển khai cho vay tốt như: Quảng Nam 37 tỷ đồng, Đà Nẵng 31 tỷ đồng, Bắc Giang 24 tỷ đồng, Bắc Ninh 19 tỷ đồng, Hưng Yên 12 tỷ đồng, Thanh Hóa 11 tỷ đồng, Quảng Bình 11 tỷ đồng, Bình Dương 10 tỷ đồng, Lai Châu 9 tỷ đồng, Khánh Hòa 9 tỷ đồng. Dự kiến NHCSXH sẽ hoàn thành kế hoạch cho vay năm 2018 được giao.
Đa dạng hóa nguồn lực cho vay
Là tỉnh có dư nợ giải ngân cao nhất trên cả nước, ông Phan Thái Bình, Phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam chia sẻ với sự chuẩn bị ngay từ đầu, và chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ tháng 4 đến nay, tỉnh đã giải ngân được 37/50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Bình dự tính chỉ một tháng nữa là kết thúc giải ngân. Qua khảo sát, ông Bình cho biết nhu cầu vay nhà ở xã hội của tỉnh năm 2019 khoảng 300 tỷ đồng. Như vậy, năm 2018 mới chỉ đáp ứng nhu cầu 16%.
Vốn ít trong khi nhu cầu lớn cũng được Chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai Nguyễn Như Ý chia sẻ. Hiện toàn tỉnh có 2,8 triệu công nhân, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu nhà ở xã hội, nhưng với 73 dự án của tỉnh mới chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu. Như vậy, so với nguồn vốn mà NHCSXH dành cho vay nhà ở xã hội của tỉnh là 20 tỷ đồng cũng chỉ như muối bỏ bể.
Nhìn rộng ra toàn quốc càng thấy sự chênh lệch cung và cầu. Dựa trên các chỉ số chuyên môn về nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng, các chỉ số về lực lượng lao động và thu nhập của các đối tượng, nguồn vốn cho vay chương trình nhà ở xã hội từ nay đến năm 2020 mới có 2.326 tỷ đồng, số vốn này chỉ đáp ứng khoảng 13% nhu cầu vay vốn trong giai đoạn này (nhu cầu khoảng 18.000 tỷ đồng).
Thực tế triển khai thời gian qua cũng cho thấy nguồn vốn cho vay hiện nay còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng nên chính sách cho vay nhà ở xã hội tại NHCSXH bị hạn chế tính ưu việt, chưa thật sự lan tỏa.
Cùng đồng thuận với quan điểm chính sách nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ quốc gia đáp ứng nhu cầu chính đáng của người nghèo, đối tượng chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự xã hội, các đại biểu của tọa đàm cũng đồng thuận cho rằng nguồn vốn yếu tố quyết định cho chính sách vào cuộc sống.
Ở góc độ của NHCSXH, ông Lý chia sẻ ngân hàng sẽ triển khai hai cách cho vay, trong đó, với những người có nhu cầu vay ngay sẽ tích cực giải ngân, đồng thời kiến nghị giải ngân cho người vay theo tiến độ xây dựng để có thể hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án.
NHCSXH cũng sắp chuẩn bị đưa ra gói dịch vụ mới gửi tích lũy trước rồi vay sau nhằm hỗ trợ những người có nhu cầu thuê mua nhà ở xã hội trong tương lai.
Để tăng hiệu ứng lan tỏa của chương trình này trong thời gian tới, NHCSXH sẽ tích cực tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu của người dân và chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố phải liên hệ chặt chẽ với Sở Xây dựng, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị nhận ủy thác để có khảo sát, nắm bắt ngay nhu cầu vay vốn của người dân, và người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nếu có nhu cầu, đủ điều kiện là cho vay ngay.
“Để đảm bảo nguồn vốn, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung thêm nguồn vốn để NHCSXH thực hiện cho vay. Trước mắt đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, trong đó bổ sung vốn cho NHCSXH để cho vay là 3.000 tỷ đồng theo văn bản số 1248/BXD-QLN ngày 28/5/2018 của Bộ Xây dựng về việc bổ sung vốn tín dụng cho lĩnh vực nhà ở xã hội” Phó tổng giám đốc Lý kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội, TS. Lưu Bình Nhưỡng đưa ra 4 phương thức tăng khả năng vốn cho nhà ở xã hội. Trong đó, các địa phương cần chủ động cân đối nguồn hỗ trợ người dân vay mua nhà ở xã hội thông qua NHCSXH. Đây là hình thức mà Đà Nẵng và Bắc Ninh triển khai khá hiệu quả.
Thứ hai là cần có chính sách cấp bù để các NHTM tham gia. Đặc biệt với 4 ngân hàng thương mại nhà nước cần phải coi đây là một phần thực thi trách nhiệm đối với xã hội.
Một giải pháp khác đó là lồng ghép chính sách nhà ở xã hội với các chính sách khác đặc biệt là có thể trích nguồn từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia vì nhà ở xã hội cũng là một tiêu chí quan trọng của các chương trình này.
Nhìn nhận sửa đổi Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 là đảm bảo về căn cơ lâu dài, ông Nhưỡng cũng chỉ ra khe cửa hẹp có thể tận dụng đó là đề đạt Quốc hội bố trí nguồn từ nguồn vốn dự phòng hiện khoảng 180 ngàn tỷ đồng.
Đồng quan điểm cùng ông Nhưỡng, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh cần có thêm sự tham gia hỗ trợ của chính doanh nghiệp đối với người lao động của họ. Ông cũng khuyến nghị Chính phủ cần phải xác định lại rõ ràng nhu cầu của người dân về nhà ở xã hội, để từ đó chỉ ra được nguồn vốn thiếu bao nhiều và xác định nguồn vốn hỗ trợ lấy từ nguồn nào để Quốc hội xem xét.
Ông Lợi cho rằng, nguồn vốn này nên tiếp tục đưa qua NHCSXH làm đầu mối giải ngân bởi thời gian qua, NHCSXH là một điểm sáng trong việc giải ngân các chương trình tín dụng chính sách hội vừa phủ rộng, đúng đối tượng, đặc biệt là chất lượng giải ngân hiệu quả với nợ xấu thấp.