Người đam mê với vẻ đẹp của tiếng Việt
Cuốn sách có tên khá “độc” và lạ, “Vẻ đẹp của yêu tinh”. Theo Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, “yêu tinh” nghĩa là “tả cái sắc con gái làm cho người ta say mê”. Từ đâu anh có ý tưởng này?
Hồi còn nhỏ, giống như bao tâm hồn trẻ thơ khác, tôi rất thích đọc truyện cổ tích. Sau này lớn lên, tình yêu với truyện cổ tích được chuyển vị thành sự ham thích đọc các tác phẩm mang chất truyền kỳ, chí quái, liêu trai. Những tác phẩm này luôn đem lại sự thu hút và hấp dẫn đặc biệt với tôi. Tôi đọc từ Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh tới Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Truyền kỳ mạn lục, Thánh tông di thảo...
Nhà văn Đỗ Anh Vũ |
Đó thực sự là một khu vực rất quan trọng của văn học trung đại Việt Nam và Trung Quốc. Còn ý tưởng của cuốn sách, trong đó có bài luận “Vẻ đẹp của yêu tinh” có lẽ nhen nhóm lên từ việc một người bạn của tôi, nhà thơ trẻ Trương Xuân Thiên, ấp ủ xuất bản một tập lục bát có tên Áo hồ ly (đến nay thì cuốn thơ ấy đã ra mắt bạn đọc được gần một năm rồi), lúc đó Thiên mới viết được một số bài, muốn tạo một lối đi riêng trong lục bát bằng cách viết liêu trai ma mị.
Trong bài “Vẻ đẹp của yêu tinh” tôi cũng dẫn bốn câu thơ của Thiên: Hồ ly đan áo cho chồng/Mỗi đêm đan một mặn nồng lên môi/Thanh tân biếc biếc đâm chồi/Lụa là buốt buốt núi đồi linh linh. Về sau khi tập hợp bản thảo, tôi quyết định lấy cái tên này thành tên cho cả tập sách luôn, với ngụ ý, mình là người đi tìm kiếm những vẻ đẹp của cuộc sống trong ngôn ngữ và văn chương mà ít người để ý tới, những vẻ đẹp ấy luôn tiềm ẩn những điều bất ngờ và thú vị cho mỗi chúng ta.
Mấy chục bài viết tập hợp trong cuốn sách thể hiện anh là người tỉ mỉ với chữ nghĩa, đi vào luận giải, mổ xẻ những vấn đề đời sống, văn chương, văn hoá, phong tục, ngôn ngữ khá thoải mái, tự do. Đi con đường chưa ai đi, anh có gặp khó khăn?
Khi khảo cứu những thứ mà chưa có ai bàn tới nhiều, dĩ nhiên có khó khăn, đó là mình không được kế thừa những kết quả của người đi trước. Nhưng tôi lại cảm thấy chính khó khăn ấy đồng thời là thuận lợi, vì mình sẽ không bị ẩn bóng tiền nhân. Những nghiên cứu của mình bước đầu, có thể sẽ còn nhiều khuyết thiếu, có những chỗ chưa được toàn vẹn, nhưng mình được xem là người đầu tiên thì cũng là sự thú vị, và chắc rằng độc giả cũng sẽ thể tất cho mình thôi.
Dĩ nhiên tôi luôn cố gắng viết sao cho kỹ nhất có thể, nghĩa là bài nào mình cũng dùng toàn lực để viết, chứ không có chuyện thiên vị giữa bài này và bài khác, bởi khi mình tìm ra được một đề tài mới nghĩa là mình rất yêu và có đầy cảm hứng với nó rồi. Vậy tất cả những “đứa con tinh thần” đều cần được đối xử như nhau.
Bài viết làm mất nhiều thời gian của tôi nhất nhưng tôi cũng ưng ý hơn cả chính là bài Luận về sinh thực khí. Thi thoảng tôi vẫn đem ra đọc lại để xem có cần chỉnh sửa chỗ nào hay không, bổ sung cái gì không. Viết bài này, tôi cảm thấy mình như người đi trên dây, bên dưới là vực thẳm. Hoặc giống như người đi giữa hai làn đạn, sơ sẩy một chút là toi mạng.
Nghĩa là nếu chỉ cần bốc đồng một chút, tán phét một chút thì bài luận ấy sẽ dễ trở thành dâm thư, thành văn hóa phẩm đồi trụy hoặc bị quy là vi phạm thuần phong mỹ tục. Nhưng may thay, khi được độc giả đón nhận và ủng hộ, tôi biết hình như là mình vượt qua được khó khăn ấy. Riêng phần tư liệu của bài viết, tôi đã phải chuẩn bị mất tới 12 năm.
Có nhà phê bình nói, khi chiêm ngưỡng “Vẻ đẹp của yêu tinh” hẳn bạn đọc sẽ phải ngỡ ngàng, thậm chí vỡ oà những xúc cảm về cuộc sống, mà đôi khi, vì định kiến chúng ta đã cố tình né tránh, phủ định. Theo những gì anh chia sẻ, để làm trong sáng tiếng Việt, có rất nhiều cách?
Vâng, tôi nghĩ là những người cầm bút sáng tác, hoặc phê bình nghiên cứu, hoặc báo chí, đều là những người có tình yêu tiếng Việt. Mà đã yêu tiếng Việt thì ai cũng muốn làm cho tiếng Việt ngày càng giàu đẹp hơn, phát triển hơn, hoặc chí ít là mình có thể miêu tả phần nào về sự giàu đẹp phong phú ấy.
Từ thời cụ Nguyễn Tuân đã có bài tùy bút “Về tiếng ta” rất nổi tiếng, bày tỏ tình yêu tiếng Việt. Rồi Huy Cận có bài thơ Nằm trong tiếng nói, Lưu Quang Vũ có bài thơ Tiếng Việt lừng danh, sau này được nhạc sĩ Lê Tâm phổ nhạc.
Về phần tôi, vốn mang cái gốc là người làm công tác nghiên cứu, tôi muốn chứng minh rằng tiếng Việt giàu đẹp và phong phú ở nhiều góc cạnh, từ tiếng Việt của người bình dân cho đến thứ tiếng Việt bác học hàn lâm được gọt giũa trau chuốt, từ tiếng Việt văn học cho tới tiếng Việt khoa học, đều cần được đối xử bình đẳng như nhau.
Đó cũng là lí do tôi gắng làm cho độc giả thấy được vẻ đẹp của những từ ngữ vẫn bị xem là tục tĩu, là mang sắc thái tục trong đời sống. Tôi thấy chúng vẫn hoàn toàn có thể trở thành những biểu tượng, những ẩn dụ, mang trong đó vô vàn những ý nghĩa nhân sinh, giáo dục con người.
Là người nghiên cứu về ngôn ngữ, anh thấy văn chương trẻ ngày nay có phát huy hết vẻ đẹp của ngôn ngữ, có làm giàu được tiếng Việt hay không, hay vì quá chú tâm đến tiếng lóng, phương ngữ, chêm tiếng nước ngoài vào, làm giảm vẻ đẹp của ngôn ngữ?
Tôi nghĩ văn chương của mỗi thời có những đặc điểm khác nhau, và dường như cũng mang những nhiệm vụ, sứ mệnh khác nhau. Khi một tác phẩm văn học được ra đời, dù là văn, là thơ, là kịch hay là phê bình, cảm xúc đầu tiên của mình là sự trân trọng. Nếu khi đọc vào tác phẩm, cảm thấy rung động, cảm thấy tác phẩm hấp dẫn và sâu sắc, thì sự trân trọng càng tăng lên.
Đó chính là những viên gạch góp phần xây dựng cho tòa lâu đài tiếng Việt thêm giàu đẹp. Dĩ nhiên mức độ thành công của mỗi tác phẩm là khác nhau và còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tôi nghĩ rằng tiếng lóng, phương ngữ hay việc chêm tiếng nước ngoài, đó là những gia vị đi kèm cho mỗi tác phẩm văn chương, liều lượng thế nào là tùy người cầm bút, thành công hay thất bại về những yếu tố “gia vị” đó chính là phụ thuộc vào tài năng ngôn ngữ và văn học của mỗi người. Lạm dụng quá thì đương nhiên là dở rồi, nhưng phủ nhận chúng một cách tuyệt đối thì tôi cho rằng cũng không đúng. Tự mỗi người cầm bút sẽ biết mình cần giải quyết mỗi trường hợp thế nào thôi.
Anh vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội, anh có dự định gì mới cho công việc nghiên cứu, sáng tạo?
Vâng, đó là một niềm vui mới và là một vinh dự cho tôi trong những ngày đầu tháng 12 này. Tôi có dự định sẽ tập hợp tiếp các bài viết đã hoàn thành để xây dựng bản thảo Hỗn luận 2, dĩ nhiên còn một vài bài quan trọng nữa vẫn đang ở dạng phác thảo, cần phải viết mới hoàn toàn. Đó là các bài Luận về bài tiết (qua các động từ trong tiếng Việt) và bài Luận về kỹ nữ.
Tôi cũng còn một nhiệm vụ quan trọng nữa phải hoàn thành trước việc xây dựng bản thảo Hỗn luận 2, đó là viết nốt công trình luận án tiến sĩ còn đang dang dở về ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính. Luận án này có lẽ cũng là một hứa hẹn tiềm năng để chuyển thành một cuốn sách gửi tới các độc giả.