Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh chuyển đổi số Xu hướng One - Stop Shop ngành vật liệu xây dựng, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng |
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 ra đời có nhiều bước tiến mới so với Luật ban hành năm 2010. Theo ông, điều đó được thể hiện như thế nào?
Có thể nói, Luật 2023 đã quy định rõ nét và cụ thể hơn về quyền của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.
So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010, Luật 2023 bổ sung thêm 1 Chương III về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù. Quy định mới về đối tượng áp dụng, quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng như được quyền tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững, yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh, được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công.
Đặc biệt, Luật 2023 bổ sung thêm khái niệm sản xuất và tiêu dùng bền vững, cũng như việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Nhà nước và Chính phủ trong việc bảo vệ toàn diện quyền lợi chính đáng của người dân. Luật 2023 đã xác định rõ 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo và thành viên hộ nghèo theo quy định pháp luật.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, TMĐT ngày càng phát triển, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã có những điều chỉnh nào để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động này, thưa ông?
TMĐT Việt Nam đến nay đã đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm liên tục trong 15 năm qua. Phần lớn người tiêu dùng hiện nay đều sử dụng TMĐT như một hình thức giao dịch không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày bởi sự nhanh chóng, thuận tiện, đơn giản. TMĐT cũng đem lại nguồn doanh thu vô cùng to lớn cho người kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ưu điểm, hoạt động TMĐT cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong quá trình mua hàng qua mạng.
Đối với những giao dịch đặc thù này, Luật 2023 bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch, gồm quy định rõ các thông tin cần cung cấp trong giao dịch từ xa, bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. Quy định trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam và thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam trong cung cấp dịch vụ liên tục. Bổ sung bán hàng đa cấp, bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, đồng thời quy định thêm trách nhiệm đặc thù của các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện giao dịch trên...
Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TMĐT ngày càng gia tăng. Vậy theo ông, cần có thêm những “công cụ hỗ trợ” gì khi xảy ra tranh chấp khiếu kiện và bảo vệ người tiêu dùng?
Khi có tranh chấp xảy ra, Luật 2023 quy định về quyền của người tiêu dùng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng hoặc quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Đối với phương thức giải quyết tại tòa, Luật hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn áp dụng để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Cũng như, bổ sung trách nhiệm cụ thể của từng UBND cấp tỉnh, huyện và xã, để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thực hiện việc giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội và xây dựng cơ chế phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Trung ương và tại địa phương...
Cần hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, theo ông thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề gì để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 gia tăng hiệu quả thực thi?
Bên cạnh việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật cạnh tranh trên môi trường TMĐT, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời xây dựng các quy tắc, chuẩn mực kinh doanh trên môi trường mạng.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đã xây dựng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT, tập hợp nhiều quy định pháp luật có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch TMĐT, giao dịch đặc thù cũng như các quy tắc ứng xử, chính sách, tập quán thương mại tích cực được đúc kết từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp, các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT.
Bộ tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật và thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn cả các sàn TMĐT cũng như các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này. Ðể người tiêu dùng có được quyết định mua sắm thông minh trên không gian mạng, họ phải được cung cấp đầy đủ thông tin và điều này cũng đã được quy định rõ trong luật.
Xin cảm ơn ông!