Nguy cơ về một “cú sốc năng lượng”đang cận kề
Mối lo về gián đoạn nguồn cung năng lượng | |
Nguy cơ về cuộc khủng hoảng năng lượng |
Thị trường toàn cầu đang đứng trước nguy cơ cú sốc năng lượng |
Liệu có xảy ra?
Theo Goldman Sachs, cuộc khủng hoảng Nga -Ukraine hiện nay có thể khiến thị trường toàn cầu thiếu hụt khoảng 3 triệu thùng dầu và sản phẩm dầu mỏ của Nga xuất khẩu qua đường biển mỗi ngày. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là sự gián đoạn lớn thứ năm trong một tháng kể từ Thế chiến thứ hai (sau cuộc cấm vận dầu mỏ ở Ả Rập năm 1973, Cách mạng Iran năm 1978, Chiến tranh Iran-Iraq năm 1980 và chiến tranh Iraq-Kuwait vào năm 1990). Các chiến lược gia của Goldman Sachs lưu ý, sự không chắc chắn về cách thức giải quyết cuộc xung đột và tình trạng thiếu dầu hiện nay là chưa từng có. Hôm thứ Ba, Nhà Trắng đã thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga và Vương quốc Anh cũng cam kết sẽ loại bỏ dần nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay.
Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent năm nay lên 135 USD/thùng (tăng từ dự báo 98 USD/thùng trước đó). Năm tới, ngân hàng dự kiến giá dầu Brent sẽ giao dịch ở mức 115 USD/thùng, tăng 10 USD từ mức 105 USD/thùng ở lần dự báo trước. Theo các chiến lược gia của Goldman Sachs, phạm vi về các hệ quả của mối đe dọa giá dầu tăng đột biến gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu như thế nào vẫn còn là bất định rất lớn.
Một dự báo thậm chí còn “sốc” hơn đến từ Rystad Energy. Trong một báo cáo đưa ra vào thứ Tư, tổ chức này cảnh báo nếu các quốc gia phương Tây khác tiếp bước Mỹ và cấm vận dầu của Nga, giá dầu thô có thể tăng vọt lên tới 240 USD/thùng vào mùa hè này. “Một động thái như vậy sẽ tạo ra lỗ hổng thiếu hụt 4,3 triệu thùng mỗi ngày trên thị trường mà đơn giản là không thể nhanh chóng thay thế bằng các nguồn cung khác”, báo cáo của Rystad Energy cho biết.
Không có cách khắc phục dễ dàng và nhanh chóng nào để bù đắp lượng dầu hụt đi từ Nga hiện nay cũng là nhận định mà Goldman Sachs đưa ra. Ngay cả sau khi một phần dầu trong kho dự trữ được giải phóng khẩn cấp, sản lượng dầu có thể cao hơn từ tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hay khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela, thì Goldman Sachs cho rằng thị trường dầu thế giới sẽ không còn “vùng đệm”. Điều đó mang tới hàm ý rằng, giá dầu cao hơn sẽ phá hủy nhu cầu. Nói cách khác, thế giới sẽ buộc phải sử dụng ít dầu hơn. Và khi người ta ít lái xe hơn, ít bay hơn, giảm sản xuất vì giá xăng dầu quá cao… thì nền kinh tế chắc chắn chịu thiệt hại.
Kỳ vọng một cú “quay xe” từ OPEC
Trước việc giá dầu tăng cao và nguồn cung thiếu hụt, dự kiến sản lượng và nguồn cung dầu từ các công ty dầu khí của Mỹ sẽ tăng lên. Nhưng tăng ở mức nào vẫn là câu hỏi khó trả lời. Theo nhận định của Goldman Sachs: “Phản ứng về nguồn cung của các công ty dầu đá phiến Mỹ trước mắt sẽ vẫn ở mức khiêm tốn do thời gian khoan, các nhà sản xuất vẫn thận trọng và ngành dịch vụ còn khó khăn”. Vì vậy, Goldman Sachs cho rằng chưa thể dựa vào các nhà khoan dầu của Mỹ như một nỗ lực để giải cứu sự thiếu hụt nguồn cung hiện nay.
Nhận định này cũng khá phù hợp với dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra hôm thứ Ba. Theo đó, dự kiến sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng lên mức trung bình 12 triệu thùng/ngày trong năm nay. Đây là mức gần như không thay đổi so với dự báo mà EIA đã đưa ra vào tháng 2. Tuy nhiên, EIA đã nâng đáng kể dự báo về sản lượng dầu của Mỹ vào năm 2023, theo đó dự kiến sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng lên mức trung bình 13 triệu thùng/ngày (tăng so với dự báo trước đó là 12,6 triệu thùng/ngày).
Trong khi chưa thể trông chờ vào “nỗ lực giải cứu” của các công ty dầu đá phiến Mỹ, nguy cơ cú sốc năng lượng toàn cầu có thể được tháo ngòi nổ từ OPEC. Trong động thái mới nhất, phía Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - thành viên của OPEC - vừa phát đi tín hiệu muốn tăng sản lượng. Đại sứ UAE tại Washington, Yousef Al Otaiba, nói với CNN hôm thứ Tư rằng, nước này muốn tăng sản lượng dầu và sẽ khuyến khích OPEC tăng cường cung cấp. “Chúng tôi ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC xem xét mức sản xuất cao hơn”, Đại sứ Otaiba cho biết.
Cập nhật đến thời điểm hiện tại, Bộ Năng lượng UAE chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về vấn đề này. Tuy nhiên, bình luận của Otaiba sau đó đã được Đại sứ quán nước này tại Washington đăng tải trên Twitter. “UAE đã là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy và có trách nhiệm cho các thị trường toàn cầu trong hơn 50 năm và tin rằng sự ổn định trên thị trường năng lượng là rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu”, Đại sứ Otaiba nói.
Nếu UAE thực sự hành động, đồng thời thuyết phục được các đối tác trong OPEC cùng hành động thì điều này sẽ đánh dấu một cú “quay xe” với những gì mà OPEC + (gồm OPEC và nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác trong đó có Nga). Bởi tại cuộc họp vừa diễn ra vào tuần trước, OPEC + đã nhất trí tiếp tục kế hoạch chỉ “bổ sung dần” nguồn cung dầu vào thị trường, bất chấp áp lực từ các nền kinh tế phát triển mong muốn họ phải hành động mạnh hơn nữa để giảm giá.
Theo kế hoạch này, OPEC + sẽ chỉ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày bắt đầu vào tháng 4 tới, với quan điểm cho rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn đang có được tình trạng "cân bằng tốt" - dù giá dầu thực tế đã tăng 30% chỉ trong hai tuần qua. Và thực tế nếu đạt được đồng thuận, OPEC hoàn toàn có khả năng tăng nhanh nguồn cung do Saudi Arabia và UAE hiện có năng lực sản xuất dư thừa.