Hỗ trợ khách hàng là mong muốn lớn nhất của ngân hàng
Mục tiêu tăng trưởng gặp khó vì dịch nCoV | |
Ngân hàng hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng dịch nCoV |
Vietcombank giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV |
Mới đây nhất, Vietcombank đã công bố một loạt các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV. Phó Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngân hàng đưa ra 2 biện pháp hỗ trợ. Biện pháp đầu tiên là cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho các khách hàng, không tính lãi phạt... Biện pháp thứ hai là giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu ngắn hạn bằng VND; giảm 1,5% lãi suất cho vay trung, dài hạn.
Đối với khách hàng vay USD hiện hữu sẽ giảm lãi suất 0,5%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 0,75%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Với các khoản vay mới sẽ giảm lãi suất tối đa 1% cho khoản vay bằng VND và 0,5% lãi suất với vay USD. Các biện pháp hỗ trợ trên đối với khách hàng vay vốn từ ngày 11/2 đến 30/4/2020. Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài, chính sách hỗ trợ sẽ được xem xét thực hiện thêm.
Cũng theo ông Tùng, dư nợ của các khoản vay hiện hữu với các khách hàng nói trên khoảng 30.000 tỷ đồng. Với việc giảm lãi suất như trên, ngân hàng sẽ giảm lãi khoảng 300-450 tỷ đồng. “Thời điểm này, lợi nhuận ngân hàng chỉ là mục tiêu thứ yếu. Ưu tiên hàng đầu của ngân hàng hiện nay là rà soát khó khăn của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, đồng hành và phát triển bền vững. Bởi khi khách hàng khó khăn, chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng. Nợ xấu vì thế có thể tăng lên, chi phí trích lập dự phòng tăng theo…”, Phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.
Một ngân hàng lớn nữa là Agribank đã sớm vào cuộc khi yêu cầu các chi nhánh chủ động làm việc với khách hàng, rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch nCoV để kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; linh hoạt đối tượng đầu tư thay thế phù hợp; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cho vay mới nhằm duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Còn tại VietinBank, bên cạnh cam kết đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhất là lĩnh vực bị ảnh hưởng, ưu tiên với lãi suất 6%/năm; ngân hàng chỉ đạo các chi nhánh rà soát khách hàng, phạm vi ảnh hưởng... để có biện pháp hỗ trợ phù hợp như giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
VPBank cũng thông báo giảm tới 1,5%/năm lãi suất cho vay đối với các DN chịu ảnh hưởng bởi dịch nCoV. Ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 DN và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Ngân hàng nhỏ như Kienlongbank cũng mạnh tay giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu vay vốn để trồng các loại trái cây thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài… Thời gian áp dụng giảm lãi suất từ ngày 01/02/2020 đến 30/4/2020. Trong thời gian này, Kienlongbank sẽ hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Tại địa bàn TP.HCM, ngày 11/2, NHNN chi nhánh TP.HCM đã có cuộc làm việc với các NHTM và chính quyền các huyện ngoại thành bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN và người dân thành phố, nhất là các hộ chăn nuôi và các DN, trang trại sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, khắc phục những thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch nCoV.
Trong năm 2019 vừa qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ rất tích cực đối với DN và người chăn nuôi khi bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi. Chẳng hạn, huyện Củ Chi, thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi cũng có hàng chục tỷ đồng hộ gia đình và DN vốn vay NHTM bị thiệt hại, nhưng nhờ kết hợp hàng loạt các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà không chuyển nhóm nợ; xem xét miễn giảm một phần lãi suất vay; tiếp tục cho vay mới để người dân tái đàn sau dịch bệnh… nên các khoản nợ của DN, hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đều được hỗ trợ mà không phát sinh thêm nợ xấu.
“Kết quả tích cực trong việc hỗ trợ DN vượt qua dịch tả lợn châu Phi năm 2019 chính là kinh nghiệm để các NHTM triển khai trong đợt hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch nCoV lần này”, đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết.
Để nắm bắt kỹ hơn tình hình ảnh hưởng bởi dịch bệnh nCoV và những thiệt hại về tài chính, vốn vay mà cộng đồng DN và người dân đang phải đối mặt, ngay đầu tháng 3 tới đây, NHNN chi nhánh TP.HCM sẽ phối hợp với UBND thành phố và các NHTM tổ chức hội nghị kết nối NH – DN để tiếp tục lắng nghe, ghi nhận kiến nghị từ DN và tổ chức kinh tế, đồng thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh những giải pháp về tài chính, NHNN chi nhánh TP.HCM cũng kêu gọi tất cả các sở, ban, ngành, hiệp hội, DN và người dân cùng chung tay khắc phục những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Cụ thể, chính quyền cấp quận, huyện cần chủ động phối hợp với các sở, ngành và hiệp hội DN các ngành nghề để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, đổi mới, tái cấu trúc sản phẩm để giảm tồn kho, giảm áp lực tài chính và có thể cân đối trả nợ đúng hạn cho các TCTD.
PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời hỗ trợ khách hàng thông qua cắt giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ... của các ngân hàng thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đạo đức kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng lưu ý, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngân hàng phải bình tĩnh đánh giá đúng tác động để có những giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả không nên nóng vội để tránh trường hợp đối tượng té nước theo mưa lợi dụng để được hưởng ưu đãi chính sách.
Lo lắng trên là phù hợp và được cơ quan quản lý tính đến. Đại diện NHNN cho biết, trong vòng hai tuần tới sẽ hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch nCoV. Khi có chính sách cụ thể, rõ ràng, vừa hỗ trợ kịp thời hiệu quả đối với người bị thiệt hại, vừa không tạo kẽ hở cho những người có ý định trục lợi.